Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Tác phẩm hay do trời ban tặng

HƯƠNG MAI
TÁC PHẨM HAY LÀ  DO TRỜI BAN TẶNG
(Trò chuyện cùng nhà thơ Đỗ Hoàng)


                  Tôi gặp nhà thơ Đỗ Hoàng, Trưởng Ban biên tập thơ của Tạp chí Nhà văn vào một ngày đầu đông, nắng vẫn vàng như rót mật. Nhìn con người nhỏ bé ấy tôi vẫn thấy toát lên sức sống  căng tràn của tuổi trẻ, mặc dù ông chẳng còn trẻ chút nào. Quán cà phê 84, Nguyễn Du sáng hôm ấy ít khách, nhân viên trong quán chắc đã  quen bởi lối nói chuyện dân dã và đầy nhiệt huyết của ông, nhưng với tôi, dù đã phần nào hiểu biết về con người này vẫn không khỏi lấy làm thú vị.
Nhà thơ Đỗ Hoàng sinh ra ở miền đất Quảng Bình đầy nắng và gió với muôn vàn nỗi khó khăn, vất vả mà mảnh đất  Miền Trung nào cũng phải gánh chịu. Một thời gian ông sống ở Huế, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc... Qua nhiều duyên nghiệp cuối cùng ông trở thành nhà thơ, sống và làm việc như một nhà báo tại Hà Nội. Cuộc đời con người thật  chẳng thể nói trước ...
Gọi Đỗ Hoàng là nhà thơ thì chưa hẳn đúng vì ông viết cả tiểu thuyết và phóng sự, kí sự. Từ bài thơ đầu tiên - “Ngày mùa” được in ở báo Văn nghệ Quảng Bình cho đến nay ông đã in được sáu tập thơ, bốn tiểu thuyết và một tập phóng sự...Không nhiều một cách đặc biệt chú ý nhưng cũng đáng nể. Ông không có ý định trở thành  một nhà thơ và hoạt động văn chương vì buổi đầu ông học Sư phạm Toán và đã từng là thầy giáo dạy toán. Nhưng như là mối lương duyên tiền định từ kiếp trước, niềm yêu văn chương của ông cứ le lói  sáng rồi bùng lên lúc nào không biết. Những câu thơ, câu văn của ông là hiện thực về cuộc sống nơi mảnh đất ông sinh ra, là những vùng đất ông đã đi qua trong chiến tranh, là những ngày khốn cùng của đất nước... Hãy cùng đọc một  vài vần thơ của ông như :
Anh đi trên trái đất cô đơn,
Gió bấc lạnh thổi tung làn ngực nở.
Xác em nằm
        - Một hành tinh vứt bỏ.
  Vó ngựa trường chinh lãnh đạm dẫm qua.
                      (“ Cái chết người đẹp” – Quảng Trị 1974)
Hình ảnh xác người phụ nữ im lìm nơi chiến trường đổ nát cứ ám ảnh vào tâm trí tôi. Sao không phải là một anh lính, là một người đàn ông với cảm giác quen thuộc mỗi khi nói đến chiến tranh mà lại là một “người  đẹp”. Không phải là không có những người phụ nữ nơi chiến trường nhưng hình ảnh này quả là đặc biệt, ít thấy, thậm chí chưa thấy trong văn chương. Đỗ Hoàng vừa tạo một ấn tượng về hình ảnh, lại tạo được cả ấn tượng về cảm xúc. Một thứ cảm xúc đau đớn, uất hận trong tâm hồn. Lẽ ra những hình  ảnh  đó  sẽ không  bao  giờ
được nói đến ...
Có lẽ tâm hồn nhạy cảm cộng với những trải nghiệm thực tế khiến thơ của ông nhiều niềm đau hơn là sự vui vẻ. Nó cứ nhẹ nhàng thấm sâu vào hồn của đất, của núi, của sông rồi tâm hồn của người đọc. Đối với Đỗ Hoàng văn chương chỉ là những tâm sự cần giãi bày từ tâm hồn nhạy cảm và nhiều băn khoăn, trăn trở của ông. Và nỗi buồn được ông định nghĩa là:
Tôi chết đi vì buồn
Tôi sống thêm nhờ buồn
Cũng vì buồn mà tôi yêu
Cũng vì yêu mà tôi buồn.
Tôi có thể mất đi
Nhưng buồn tồn tại
Trái tim còn mãi!
Buồn” – Huế 1985
Ông chẳng cầu kì, diêm dúa trong văn chương, cũng chẳng dùng những mĩ từ như quan điểm nghệ thuật hay tuyên ngôn nghệ thuật... Thơ của Đỗ Hoàng dung dị và thật thà. Phải chăng vì vậy mà ông có ít nhiều sự phản ứng với văn chương đương đại. Theo ông văn chương hiện nay (một bộ phận lớn) đang rơi vào tình trạng “đa ngôn và tắc tỵ” tức là họ cố làm cho ra những sự “lạ” cả về cách thể hiện cũng như cái thể hiện nhằm tạo “thương hiệu” cho mình. Nhưng khổ nỗi đâu phải cứ “lạ” là “mới”. Đỗ Hoàng phản ứng quyết liệt với những loại văn chương dung tục thái quá. “Xưa nay không có thứ bệnh hoạn nào được đồng loại chấp nhận” - nói xong lại thấy ông trầm ngâm, ưu tư. Đối với ông “viết thánh thiện mà tạo được thương hiệu mới đáng quý”. Nhưng khi tôi hỏi “Vậy ông phủ nhận hết công lao của những sáng tác trẻ ư?” Thì ông không ngần ngại trả lời: “Không. Tôi ủng hộ. Không chỉ những người trẻ, lớp già chúng tôi cũng Đổi Mới. Văn chương phải đổi mới mới tồn tại được. Nhưng tôi thích sự đổi mới tự thân... chứ không phải cố gắng tạo ra sự “lạ” như một vài nhà thơ trẻ bây giờ. Tất nhiên không thể phủ nhận tên tuổi và sự  đóng góp của những nhà thơ như: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh...  và rất nhiều nhà thơ khác nữa...”
Miền Trung cũng là một trong những cái nôi của văn chương. Ngày xưa là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận... rồi đến Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ... gần hơn nữa là Đỗ Hoàng, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Huyền Trang... và các nhà thơ trẻ hơn thuộc thế hệ 7X, 8X... Tất cả những cái tên đó đều ít nhiều để lại trong lòng người đọc niềm yêu thích. Phải chăng ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi con người chúng ta còn được thừa hưởng thêm phần “di truyền” từ vùng đất nơi sinh ra và lớn lên của mình. Chẳng thế mà Nhà thơ Đỗ Hoàng luôn tự hào về mảnh  đất Quảng Bình, mảnh đất anh hùng khói lửa, mảnh đất chôn rau cắt rốn, mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn ông.
Không hiểu sao Đỗ Hoàng hay gặp “tai nạn nghề nghiệp”, có lẽ vì thế nên nhiều người không biết thơ ông. Nhưng chẳng bao giờ ông chối bỏ những gì mình đã viết ra, bởi theo ông “tác phẩm hay là do trời ban tặng”, mà cái thiên phú đâu phải ai cũng có được. Có thể  bây giờ Đỗ Hoàng chưa được đông đảo người đọc biết đến nhưng ông tin và tôi tin một ngày không xa các tác phẩm của ông sẽ tự thân toả sáng. Như những vần thơ dung dị của ông ...
Và cũng bất ngờ,
Nhặt từ bùn câu thơ
- Thời gian không hoá thạch!
                                               “Nhặt từ bùn” – Huế 1982
                                                                                 H . M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét