Làng ơi! Ruộng ơi!
Bút ký của
Đỗ Hoàng.
Làng Thuận của tôi thời kháng chiến
chống Pháp có cả Tân, Dương, Mỹ, Thái, gọi chung là xã Cao Vân thuộc huyện Lệ
Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Mẹ tôi từng là Bí thư phụ nữ xã kháng chiến Cao Vân. Sau
hoà bình năm 1954 lập lại thì xã Cao Vân chia thành bốn xã có riêng giữ đến bây
giờ: Tân Thuỷ, Dương Thuỷ, Thái Thuỷ và Mỹ Thuỷ. Làng Thuận tôi giờ chỉ gói gọn
trong xã Mỹ Thuỷ.
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý
Đôn, thì làng Thuận trước đây là tổng Thuận Trạch thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng
Bình ở vào đất Ô Châu biên trấn. Một miền đất chó ăn đá, gà ăn sỏi. “Quảng Bình
là đất Ô Châu/ Ai đi đến đó quẩy bầu về không”. Câu ca dao ấy đã làm kinh sợ
cho bao nhiều người ở các trấn khác và làm ngậm ngùi xót thương cho chúng tôi
là những người con cùng chịu thương chịu khó lam lũ của xứ này!
Quảng Bình nằm trong bộ Việt Thường. Việt
Thường là một trong những bộ tối cổ của Việt Nam. Như vậy làng tôi đã có từ bảy
tám trăm năm nay. Chính xác hơn, trước khi nhà Trần mở cõi vào khoảng năm
1200 thì cư dân người Việt đã đến vùng
Châu Ô, Châu Rí lập nghiệp.
Từ thuở ấu thơ, tôi đã thấy làng tôi
trù phú, sầm uất. Trong làng có nhiều đền chùa, miếu mạo. Nổi nhất là chùa Quan
hay gọi là chùa Trạm. Tận trời chuông Trạm kêu xa. Chùa Trạm có tên chính là
chùa Hoàng Phúc do chúa Nguyễn xây dựng cách đây đã 400 năm. Trong chùa có
xoài, có mít, có cổ thụ, có sen hồ. Chùa là nơi diễn ra các nghi lễ và hội
làng. Nói như bây giờ là địa chỉ văn hoá của xã. Làng Thuận nằm bên bờ tả ngạn
sông Bình Giang, nay gọi là sông Kiến
Giang. Một nhánh của sông Nhật Lệ nổi tiếng.
Sông Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vỹ chạy ra biển đến thôn Trần
Xá huyện Quảng Ninh thì gặp sông chính Nhật Lệ.
Làng Thuận có sông Kiến Giang đẹp không
thua sông Hương xứ Huế. Nhà Nguyễn đã mấy lần định đóng đô ở đây. Ngày trước
giao thông chưa phát triển thì vận chuyển đường thuỷ là hết sức tiện lợi. Nên
các cuộc thiên di thiên lý của vua chúa đều đi qua đây. Ngay trong chiến tranh
chống Mỹ, đây cũng là nơi tập kết hàng hoá và chuyển quân ra chiến trường. Vì
thế mà thời chiến tranh phá hoại máy bay Mỹ đã đánh làng Thuận không còn sót một
ngôi chùa, mái nhà dân nào. Mỗi mảnh vườn trong làng đều có một hố bom sâu hoắm.
Vườn nhà tôi có hố bom tấn đến nay đã hơn 40 năm mà nó vẫn chưa cạn, thím Huồn
vợ chú Lực em ruột tôi dùng làm ao rau muống và thả cá.
Thật ra gọi làng Thuận chỉ là cách gọi
cách hoài cổ, chứ bây giờ không ai gọi nữa. Trong hồ sơ giấy tờ của nam phụ,
lão ấu chỉ ghi tên xã, hợp tác xã, đội sản xuất. Nhưng tôi thì thích gọi tên
làng Thuận. Vì tên ấy gắn liền với tuổi thơ lầm lũi của tôi và bạn bè tôi trong
thời chăn trâu, cắt cỏ, đi học dưới mưa bom bão đạn thời chống Mỹ.
Làng Thuận có đồng Đồi Nhất, Đồi Nhì, Tả
Biếng, Cồn Cụt, Cồn Tràm, Cồn Tu Huýt.
Những tên đồng ấy đối với người lạ không có gợi cảm, gợi nhớ gì nhưng đối với
tôi là cả một ký ức tràn đầy kỷ niệm vui buồn, thương cảm mênh mang mà cho đến
lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi vẫn không thể nào quên được. Đồng Đồi Nhất,
Đồi
Nhì, Tả Biếng, Cồn Tu Huýt, Cồn Cụt, Cồn Tràm có ruộng của mẹ tôi, của
các bác, các cô, các cậu tôi do ông bà để lại. Tôi thường theo mẹ đi thăm lúa.
Những năm được mùa lúa trãi thảm đầy những hạt vàng lấp lánh tận tít chân trời.
Mẹ tôi vui lắm. Ánh mắt của người sáng lên ngời ngời. Tôi vui lây niềm vui của
mẹ. Năm ấy nhà tôi và làng tôi không có ai bị đói.
Đến tuổi đi mót được lúa, tôi được bà
con họ tộc cho đứng đầu bờ bứt thả sức những chẽn lúa vàng bỏ vào giỏ của mình
cho đến lúc nào mệt thì thôi. Lớn lên một chút nữa, tôi đi chăn bò, cắt cỏ, đi
chơm, đi tát làm những công việc nhà nông. Những buổi đi tát người lấm lem bùn đất
nhưng đứa trẻ nào cũng vui như tết khi bắt được những con cá quả to bằng bắp
tay của mình. Cá bắt về nhiều đến mức có đôi lần mẹ tôi cứ nuôi mãi trong vại
không muốn kho ăn.
Sau này khi vào hợp tác xã thì ruộng đất
không chỉ của mẹ tôi mà của mọi người đều trở thành ruộng của hợp tác xã. Thay đi
cày, đi cuốc, đi cấy trên thửa ruộng của mình, mẹ tôi và chúng tôi đi cày, đi bừa,
đi cấy cho hợp tác xã. Làm công lấy điểm chia thóc. Xã viên từ chủ nhiệm đến
dân thường ai ai cũng vậy.
Mẹ tôi thường kể, vì ông ngoại tôi nới mất
nên mẹ lấy chồng phải cưới cheo. Cưới cheo tức là con gái ôm áo về nhà chồng,
không phải làm đám cưới. Bà nội tôi nghèo không đủ tiền nộp cheo, bác Đội Diệm
gái có tiền nộp thế nên khi về nhà chồng, mẹ tôi phải làm “dâu” cho bác gái tôi.
Làm “dâu” cho chị dâu lại khổ cực trăm đường. Thế mới là oái ăm.
Ông nội tôi lấy hai vợ, có năm người con
trai và hai người con gái. Bố tôi là con trai út nên tôi chỉ có bác mà không có
chú. Cả ba tôi và các bác thời Pháp thuộc đều đi lính Pháp. Năm anh em đều bị đưa
sang Pháp đánh nhau với Phát xít Đức thời thế chiến thứ hai.
Cây đa làng ở cổng chùa trước nhà ông nội
tôi mỗi lần đâm nhánh mới thì các bác đều được thăng trật lên đội, lên quản nên
nội tôi kính nể cây đa lắm. Nhánh thứ năm đâm ra thì ba tôi được thăng chức Đội.
Mẹ tôi được gọi bà Đội như bác Đội Diệm gái. Vì ba tôi được thăng chức sau
cùng, trước đó chỉ làm Cai nên con cháu và làng nước gọi mẹ tôi là thím Cai Triển.
Lớn lên tôi cũng chỉ nghe làng gọi mẹ tôi
là bà Cai Triển, không được gọi bà Quản
Giáo, bà Quản Nhuỵ, bà Quàn Tiềm, bà Đội Diệm, bà Đội Nậy như các bác
gái của tôi. Ông Đội ngày trước là bậc tiên chỉ trong làng, ông Quản còn cao hơn.
Các ông Quản, Đội có vị thế như các cụ chánh tổng, lý trưởng, được ăn được nói,
được bàn chuyện làng nước trước bàndân thiên hạ. Tôi còn nhớ bài thơ “Ông Đội”
của Nguyễn Bính: “Ông Đội người cao lớn lạ lùng/ Đã từng sang Pháp đánh nhau
xong/ Trở về làng cũ hôm nào cũng/ Đi với con trâu ở giữa đồng/ Ông thích chờ
qua lũ học trò/ Để nghe chúng nó cãi nhau to. Bần thần giở vở xem từng đứa/ Rồi
học ê hề mấy tiếng mô!....Hưu trí hôm nào trẩy lĩnh lương/ Trở về túi dết khoác
lên đường/ Ông làm như thể còn đi lính/ Đầu đội bê rê chóm mũ vàng”. Bác Quản
Nhuỵ, Quản Giáo, Quản Tiềm, Đội Diệm, Đội Nậy và ba tôi đều có mẫu hình hao hao
như vậy.
Các bác của tôi và cả ba tôi sau Cách mạng
tháng Tám năm 1945 từ bên Pháp theo Cụ Hồ về nước, ai cũng vào bộ đội Việt
Minh. Ba tôi và các bác tôi dạy chơ những người nông dân quê tôi “tập bừa, tập
cày tay vốn làm quen, tập khiên, tập giáo, tập cầm cờ mắt chưa từng ngó” biết
cách đánh giặc Tây, biết hô a lô xô, hô lê manh, biết tập họp đi ong, đơ. Trong
số du kích, dân quân của làng được tập quân sự ngày ấy có ông Lê Hoãn làm đến
chính trị viên tiểu đoàn trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Đức Phúc con
ông Phó mộc làm đến Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam thời năm 1958, 1959 thế
kỷ trước. Trong năm anh em của ba tôi về theo bộ đội Cụ Hồ, chỉ có bác Đội Diệm
làm đến huyện đội trưởng mới nghỉ hưu.
Hồi trước mỗi suất đinh được chia ba sào
ruộng, con gái không có tiêu chuẩn này. Năm anh em của ba tôi có đến một mẫu rưỡi
ruộng ( mẫu Trung Bộ) tức là 7 500m2. Mấy anh em đi lính sang Pháp nhưng ruộng đất
vẫn được giữ trọn ở làng. Bà nội tôi cho người làm thuê đến mùa thu lợi hoa màu
theo quy ước của làng.
Năm 1968 tốt nghiệp lớp 10 (trung học
phổ thông lớp 12 bây giờ), tôi bị đưa về bổn quán lao động sản xuất, tôi càng
biết và hiểu thêm cặn kẻ đất ruộng làng tôi. Tôi biết thửa nào là ruộng thuộc
loại nhất đẵng điền, thửa nào thuộc chỗ chim tha, cò ỉa, lúa chồn chạy bày cả
lông. Lệ Thuỷ “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”, hai huyện là huyện Lệ Thuỷ và huyện
Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Lúa của làng tôi rất tốt nhưng không bằng lúa của
vùng sâu giữa huyện. Ruộng làng tôi là vùng ruộng cạn. Năng suất buổi đó độ ba
tạ một sào là cùng. Ấy vậy mà đời này qua đời khác những thửa ruộng nhỏ nhoi ấy
nuôi làng tôi sống. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước những hạt thóc của đồng
làng đã được huy động đóng góp chi viện cho tiền tuyến để bộ đội ăn no đánh thắng.
Năm 1968, năm 1971, Quảng Bình đã có hai lần cho Trung ương vay hơn 500 000 tấn
thóc của dân để cứu giúp 2 vạn bộ đội Trường Sơn mở đường thắng lợi. Hạt thóc
làng tôi đã lên đường góp công cùng tiền tuyến như thế.
Hiện nay toàn xã Mỹ Thuỷ có khoảng 247
héc ta đất ruộng. Thời trước có chừng 250 héc ta. Đất ruộng làng tôi không bị cơn
biến động đất đai như nhiều nơi của những thập kỷ vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đã mấy lần lên truyền thông đại chúng cho biết những năm vừa qua chúng ta đã
chuyển đổi 175 000 héc ta bờ xôi ruộng mật để làm các dự án, sân gôn. Nhưng ruộng
làng gần như được giữ nguyên vẹn. Đó cũng là công lớn của cấn bộ làng xã.
Sau một thời gian lao động sản xuất ở bổn
quán, tôi được đưa lên làm cán bộ thống kê hợp tác xã của làng. Nhìn vào thực tế
và bằng trực cảm của mình tôi biết cách làm hợp tác của làng tôi không đưa lại
hiệu quả gì cả. Thật ra hợp tác làm ăn là thế mạnh của con người trong mọi lĩnh
vực và hợp tác sản xuất nông nghiệp cũng vậy. Nhưng chúng ta tổ chức và làm sai
cái hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp biến thành cái trại lính A rếch trắc (biến
nông thôn thành trại lính) ở bên Nga dưới thời Sa Hoàng. Những cuộc lãn công của
nông dân kéo dài mấy thập kỷ. Ngay từ thuở ấy tôi đã viết cảm nhận của tôi
trong bài thơ “Ngưng bắn về thăm quê”: “Kiểu làm ăn hợp tác/ Đói nghèo đến
tuỷ xương”.
Thật vậy, hợp tác xã quản lý gần 10 000
khẩu dân, 250 héc ta đất ruộng, chưa kể 500 héc ta hoa màu và hàng chục ngành
nghề khác, thế mà các ông chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác có người chưa học hết
lớp ba tức là chưa làm được cộng trừ nhân chia số có hai chữ số. Tôi có một lần
hợp tác xã tính năng suất vụ lúa chiêm để báo cáo lên huyện. Cái phép tính năng
suất ngay cả lớp hai thời đó cũng làm được. Thế mà tất cả các thư ký đội, kế
toán hợp xã lên ngồi hai ngày mà vẫn tính không ra.
Lúa của chung hợp tác xã biến thành của
riêng do chủ nhiệm hợp tác xã điều tiết phân chia. Nên các ông tha hồ dĩ công
vi tư. “Một người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe/ Một
người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân./ Bây chừ hợp tác, hợp
te/ Không có mảnh vải mà che cái lồn” Chẳng ai sờ tóc gáy các ông chủ nhiệm.
Sẵn lúa gạo các ông tha hồ ban phát. Mấy
chị xã viên thiếu ăn đến xin. Ông cho ngay, nhưng ông không phải cho không, và
ai ông cũng cho. Xã viên gái đẹp sòn sòn ông mới cho, ông cho thóc thì phải cho
lại ông cái gì. Cái cho lại ông mà ông thích nhất là đẻ ra thằng người. Vậy nên
ông chủ nhiệm cũng có hơn chục đứa con riêng trong làng là chuyện bình thường.
Thời làm tổ đổi công thì ai cũng đủ ăn,
đến thời hợp tác thì “sống không lô không lạng, chết trám bạng mưng ri”. Xã
viên đói dai đói dài. Buổi ấy tôi chưa nghe có ông Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc mở
ra khoán sản, khoán ruộng cho xã viên làm thì cứu được dân khỏi đói. Thật ra
khoán sản chẳng có gì mới hơn thưở cha ông mỗi người có ba sào ruộng để canh
tác. Nhưng dẫu sao nó cũng hơn làm ăn hợp tác lúc đó.
Bây giờ hợp tác xã vẫn giữ tên gọi như cũ,
nhưng cách làm thì đã khác. Từ năm 1994, nông dân được chia lại ruộng đất, mỗi
người được một sào ruộng Trung Bộ. Sinh không thêm, tử không bớt. Người nào người
nấy tự cày cấy, gặt hái trên thửa ruộng của mình. Người không làm thì cho người
khác thuê làm hoặc khoán cho người khác đến làm rồi chia hoa màu như bà nội tôi
từng làm trước đây. Họ chỉ có đóng góp nghĩa vụ công ích và nộp các khoản lệ
phí như thuỷ lợi phí, phân bón, thuốc trừ sâu…
Cuối tháng bảy năm 2009 vừa qua, nhân
100 ngày giỗ mẹ tôi, tôi có dịp về lại làng và thâm tâm muốn tìm hiểu thêm về
cách làm ăn của bà con bổn quán hiện nay.
Tôi gặp lại anh em họ tộc và bạn bè thưở
còn đi học trường làng cùng trao đổ thẳng thắn về những bức xúc trăn trở đang
diễn ra hàng ngày trên quê hương mình.
Con cháu năm anh em ba tôi và hai cô ruột
có đến 100 khẩu đều đã phiêu bạt lãm ăn ở xứ người. Ở làng duy nhất chỉ có anh Đỗ
Đức Trai con bác Đội Diệm, chú Đỗ Đức Lực em ruột tôi nhưng đã mất cách đây năm
năm. Vợ chú Lực là thím Huồn cùng đứa con trai trông nom từ đường thờ cúng ông
bà. Nhưng đứa cháu trai này học được nghề lái xe ô tô đang chuẩn bị vào Đà Nẵng
lái xe cho chị ruột của nó.
Khi nghe tôi hỏi về làm lúa, làm hoa màu
thì anh em trong họ tộc và bạn bè bàn tán sôi nổi hẳn lên.
Anh Trai cho rằng, chia ruộng không công
bình. Anh nói: “Ông bà chúng ta có hàng chục mẫu ruộng, ba tôi cũng có ba bốn mẫu
ruộng. Đời đời lấy nông vi bản.
Trong hồ sơ lí lịch của gia đình tôi đều ghi là làm ruộng, thế mà họ thấy tôi
làm thêm ngành nghề họ chỉ cho gia đình tôi mỗi khẩu có nửa sào ruộng. Gia đình
tôi có 5 khẩu được chia hai sào rưỡi ruộng là không công bằng! Làng mình có ai
là không làm thềm nghề phụ để sống. Có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài
hai ba chục năm nay vẫn được chia ruộng nhiều hơn tôi. Trong khi gia đình tôi
bám ở làng mà sống thì được chia có một nửa, thật không biết kêu ai?
Tôi hỏi anh Hồ Ngọc Thanh, bạn học trường
làng, từng làm nhiều nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Thuỷ: - Việc ấy có đúng
không?
Anh Thanh bảo: - Nhiều
nơi hợp tác xã chia ruộng cũng chưa thật sát cho xã viên. Anh Trai được chia một
khẩu nửa sào cũng không đúng. Bà con đã sinh sống lâu đời ở làng quê thì ai cũng
phải được chia như nhau.
- Làm một sào ruộng bây giờ lãi được bao
nhiêu? – Tôi hỏi bà con.
Sau một lúc tính toán mọi người cho hay:
- Công cày bừa một sào: 135 000 đồng, thuỷ lợi
phí một vụ: 95 000 đồng, bón lót: 95 000 đồng, bón bón thúc: 395 000 đồng; công
làm có, công trượt, gặt, chở về nhà: 415 000 đồng.
Tổng cộng làm một sào tự đầu tư hoặc thuê mướn
hết: 987 000 đồng. Một sào thu đươc 3 tạ lúa nhân một cân thóc 3 500 đồng. Vị
chi bán được: 1 050 000 đồng. Thực lãi: 163 000 đồng tương đương 50 ki lô thóc.
Đấy là nói năm được mùa, còn mất mùa thì nông dân mất trắng.
- Làm lúa lãi không bao nhiêu, sao bà con
không đi trồng thứ cây khác, những cây rau màu có lãi hơn, như trồng rau muống
chẳng hạn? – Tôi chất vấn.
Thím Huồn nói ngay: - Trồng rau muống biết
bán cho ai? Đến bò nó cũng không thèm ăn nữa là người. Nông thôn chẳng nhà nào
thiếu rau muống mà mình phải trồng đem bán.
Cấy lúa lỗ cũng phải làm. Lấy công làm lãi.
Như thím Huồn em chú Lực đây. Việc cày, việc gặt, công chăm sóc, vận chuyển đêu
mẹ con làm tất, chỉ bỏ tiền mua phân hoá học và đóng thuỷ lợi phí. Mỗi sào cũng
thu được nửa triệu đồng. Nhưng quê tôi thì “ló vào, ló ra” (Lúa vào nhà thì lúa
đi ra ngay). Tất cả chỉ trông vào hạt lúa. Tiền con đi học cũng hạt lúa, tiền
áo quần cũng hạt lúa, tiền hiếu hỷ và trăm thứ tiền không tên khác cũng chỉ hạt
lúa. Người nông dân đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mà muôn đời vẫn khổ là
vì vậy.
Hạt gạo nuôi triệu triệu người sống, mà người
làm ra hạt gạo thì muôn đời cơ cực!
Và cái tổ chức hợp tác xã bây giờ tôi cũng đầy
băn khoăn nên tôi hỏi lại anh em họ tộc và bà con làng xã.
Anh Hoàng Ngọc Trâm, anh con cậu ruột của tôi
là cán bộ thuỷ lợi nghỉ hưu nói: - Hợp
tác xã bây giờ vẫn hình thức vẫn nhận phần lúa đóng góp của xã viên thôi chú ạ!
Tôi xin đơn cử: Bí thư, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đội trưởng, thôn đội trưởng… đều được chia ruộng
và cũng canh tác như mọi người. Ruộng đất của ai người ấy tự lo làm không phải
hợp tác xã làm như trước đây. Thế mà Bí thư thôn, chánh phó chủ nhiệm, kế toán
trưởng mỗi vụ được phụ cấp 4,5 tạ lúa, thôn trưởng 2 tạ lúa. Lúa ấy ở đâu ra?
Lúa lấy ở các xã viên làm ruộng. Mỗi sào phải trích ra 2 kilô gam đóng góp.
Theo tôi phải có một cách tổ chức hợp tác xã khác đi, còn tổ chức hợp tác xã như
ở làng ta, tôi thấy nên bỏ đi. Họ chỉ ăn
bám. Nên chăng thì chỉ phụ cấp cho thôn trưởng.
Tôi rất tán đồng ý kiến của anh Trâm. Không
chỉ ở làng tôi có nhiều tổ chức ăn bám mà rộng ra cả nước cũng có nhiều tổ chức
thừa ra để hưởng lợi từ ngân sách.
Tôi nhớ cách đấy gần 30 năm khi tôi đang
công tác ở báo Dân (Bình Trị Thiê) ra viết bài cho huyện nhà. Bài báo tôi viết
in trên báo Dân năm 1982 là bài “Lệ Thuỷ phá thế độc canh lúa vươn lên làm
giàu”. Ông Đào Hữu Bi, Chủ tịch huyện lúc ấy rất thích bài viết ấy và cùng tôi đàm
đạo sẻ chia nỗi trăn trở của quê hương.
Ông nói: “Quê mình ruộng lúa phì nhiêu mà dân
và ngay cả huyện lỵ cũng chưa có một cái nhà lầu (thập kỷ 80). Trong khi nhiều
nơi chẳng có đất ruộng gì cả mà quê hương họ đã thành phố xá từ lâu rồi. Đúng
là phải phá thế độc canh cây lúa, đẩy mạnh các ngành nghề dân mới giàu, huyện mới sang được
nhà báo ạ!”.
Huyện Lệ Thuỷ đã làm được việc ấy. Bây giờ
thị trấn Kiến Giang huyện lỵ khang trang không thua một góc phố nào của các
thành phố. Không chỉ quan chức mà dân chúng thị trấn cũng có nhiều nhà lầu và sắm
xe ô tô riêng.
- Làng mình cũng nên làm như vậy để thoát nghèo chứ? – Tôi hỏi anh
Thanh.
- Làm,
làm, làm từ thời tôi còn đương chức Bí thư Đảng uỷ xã - Anh Thanh trả lời ngay.
- Thế thì đời sống bà con nông dân bây giờ như
thế nào? - Tôi hỏi tiếp.
Anh Thanh đáp: - Tôi và anh ngày trước đi học
không có sắn khoai để ăn. hiện thời thì sắn khoai không ai ăn nữa. Hoa màu dùng
cho chăn nuôi. Bầy giờ làm nông ở làng Thuận nhàn hơn nhiều. Bà con không còn
gieo mạ để cấy. Họ gieo thẳng. Gieo thẳng giảm biết bao công sức. Đây là một
cách học kiểu canh tác của đồng bào Nam Bộ. Làng Thuận 100% gieo thẳng. Các giống lúa: chùm, thứ thai năng suất thấp
ngày trước không dùng nữa. Xã viên dùng các giống lúa mới như: CN2, XE3, X21,
X30, HT1…
Năng suất lúa đạt 4 tấn trên một héc ta. Làng
mình không có hộ đói, hộ nghèo độ dưới 10%, hộ khá trên 40%.. Đặc biệt có hộ biết
làm ăn thì rất giàu. Họ mở doanh nghiệp sắm nhiều ô tải chở hàng.
Đường làng, ngõ xóm đã bê tông hoá 100%.
- Hộ giàu nào từ cây, con đi lên? – Tôi hỏi
thêm.
- Hộ nào cũng từ cây con đi lên cả!- Anh Thanh
nói tiếp – Mô hình cây, cá, lúa là mô hình của làng Thuận. Hộ giàu như Trần Ngọc
Tài thôn Mỹ Trung, Đỗ Đức Đạt, Nam Thống thôn Thuận Nam, Thành Đạt thôn Mỹ Hà.
Còn nhưng hộ ly nông bất ly hương làm nghề, chạy chợ, đi buôn, đi xuất khẩu lao
động ngay ở chợ Trạm đã kể không hết.
Tôi đi thăm một vài anh em trong làng. Vợ chồng
anh Hoàng Văn Sang và chị Nguyễn Thị Nấp là một trong hàng trăm hộ ở làng Thuận
chỉ thuần nông mà vẫn đủ sống không thuộc diện hộ nghèo.
Anh Sang con cô cậu của tôi. Gia đình trước đây
làm nhề nhuộm răng đen nên con cái (tức là cha và chú) của anh Sang sống nhàn
nhã phong lưu. Họ là những người chỉ “theo đuôi chồn bóng thỏ” nghĩa là ăn chơi
săn bắn. Đến thế hệ anh Sang thì xác xơ phải bán lưng cho trời, bán mặt cho đất.
Anh nói: - Tôi một vợ bốn con làm ruộng cũng đủ
sống. Mùa nào thức ấy, tôi trồng thêm hoa, làm thêm cây cảnh nên cũng tạm qua
ngày như bao người khác.
- Anh có làm thêm nghề phụ nào
không? - Tôi hỏi.
- Có nuôi mấy con lợn. Nhưng do
vợ tôi làm. Tôi chăm mẫu ruộng là đã kiệt sức rồi. – Anh Sang đáp.
Nghe anh Thanh nói những người
thuần nông đơn chiếc vẫn không thuộc diện hộ nghèo, tôi đến thăm dì Duyến.
Dì Duyến, dì Đẩu là con ông
Từ Quỳnh. Hai người nổi tiếng là cây văn nghệ của làng ngày trước. Mẹ tôi thường
dắt tôi đi xem văn nghệ làng biểu diễn. Hai dì nổi tiếng trên sân khấu làng xã
hồi ấy giống như Ma đô na nổi tiếng trên hoàn cầu bây giờ. Chỉ có ông Phát đân
miền Nam tập kết có nhiều vàng, nhiều bạc mới lấy được dì. Dì đẻ ra sáu đứa con
thì ông Phát bị bom Mỹ sát hại, dì phải chim chuột kiếm thóc, kiếm khoai lại đẻ
thêm bốn đứa nữa. Mười đứa con do một tay dì nuôi nấng. Bây giờ chúng nó đi làm
ở phương xa. Nhằm mưu sống, mảnh vườn ông bà để lại hơn năm sào, dì vỡ ra ba
sào làm ruộng. Tôi đến thăm nhà dì mà cứ tưởng lạc vào vùng kinh tế mới Đồng
Nai hay Bình Phước, Bình Dương.
Dì nói: - Dĩ nông vi bản con
mà. Dì có ba sào ruộng cộng một sào ruộng hợp tác xã chia cho thì gạo lúa làm
sao ăn hết. Cứ có gạo có lúa là sống được, không chết đói đâu! Con dì mười đứa đi
làm nhà nước mười phương nhưng đứa nào về cũng xin gạo dì mang đi.
Đó là điều sự thật khi tôi ngắm
nhìn ruộng trong vườn nhà dì tốt tươi là vậy.
Gần nửa thế kỷ trôi qua làng
Thuận của tôi thay đổi nhiều lắm. Cái làng huyền thoại trong ký ức của tôi đã
tan nát dưới thời bom Mỹ dội. Cái làng hôm nay đã trở lại nguyên hình của nó.
Thâm tâm tôi thật buồn khi thấy sông Kiến Giang đã đổi dòng. Người ta đào cát sạn
làm cho bờ bên làng Thuận là bờ đất bồi trở thành bờ lở, còn bờ lỡ bên phía
Xuân Bồ lại trở thành bờ bồi. Khi mẹ tôi đang sống người hay hò: “Bợc Xuân Bồ
càng cao càng lở, đò Dinh Trạm càng chở càng đông”. Nay thì con người làm cho
thiên nhiên thay đổi trở lại. Sông Kiến Giang biến dạng, biền Thượng, biền Hạ,
chùa Trạm không còn nữa. Biền Thượng, biền Hạ là bãi đất phù sa trồng ngô,
trông đỗ xanh ngắt đủ nuôi sống nửa làng mà giờ đây người ta đã bán đất chia lô
cho nhiều hộ đến xây nhà, dựng lán. Chùa Trạm cũng vậy, cái sân hội làng cũng đã
có ba bốn hộ đến xây nhà lầu và cũng đã được cấp sổ đỏ. Nghe nói Hội Phật học tỉnh
và các tăng ni phật tử đang đề nghị xây dựng lại chùa Trạm. Chùa Trạm là một di
tích có hạng nên việc xây dựng lại chùa Trạm không sớm thì muộn cũng trở thành
hiện thực. Làng Thuận sẽ có lại hình hài của nó như từ thưở ông cha đến đất Ô
Châu mở cõi lập nghiệp.
Xong giỗ 100 ngày của mẹ, tôi
trở lại nhiệm sở. Chỉ còn ngày nhập năm, ngày trọn một năm mất của mẹ, tôi mới
trở lại làng Thuận một lần nữa. Còn sau đó tôi thảng hoặc tôi mới có điều kiện
về làng. Tôi không lấy được vợ là người làng. Vợ tôi ở một miền xa ngái. Con
cái tôi chỉ một đôi lần trong đời về thăm nội làm sao biết được địa danh trong
làng. Mà những địa danh ấy tôi đã một đời gắn bó, một đời đổ mồ hôi, sôi nước mắt,
thậm chí cả máu của mình để cho nó thành kỷ niệm trong tim không bao giờ phai
nhạt.
Trong tâm trí tôi đã có nhiều
lần tôi ước ao được như quan trạng ngày xưa hoặc như người công thành danh toại
vinh quy bái tổ đãi làng ba bữa tắt lửa.
Tưởng là đơn giản như vậy nhưng cả đời tôi, tôi chắc là không thể làm được.
Hơn 10 nghìn dân làng Thuận tắt lửa ba bữa đâu phải chuyện ai cũng lo dễ dàng?
Huống chi vua lo cho dân nước mình no ấm thì công lao biết nhường nào!
Tôi thường nghĩ: - Giá như ngày
xưa ba sào ruộng của ba tôi để lại, con cái được thừa hưởng, chắc tôi sẽ không
rời làng ra đi. Tôi có ba sào ruộng của tổ tiên dù lười đến mấy, dù cho cày
thuê cấy rẽ, tôi vẫn có một vụ gần 2 tấn thóc. Ăn làm sao hết! Nhưng tôi cũng
như gần 100 con cháu chút chít của nội tôi đã phiêu bồng tận đâu đâu. Gia sản
ông cha đã bay thành bụi khói. Ngay về bổn quán một mình cũng chẳng biết ở đâu,
huống hồ đem về cả một bầu đoàn thê tử.
Nhiều nhà hiền triết đã nói rằng:
“ Nông dân là biểu hiện nhân ái của nhân loại.” Triết học Mác Lê nin cũng khẳng
định: “Giải phóng nông dân là giải phóng nhân loại”.
Chừng nào còn làm cho người
nông dân khốn khổ, bần cùng thì chừng ấy xã hội còn bất an.
Đó là một đều đáng cảnh tỉnh!
Tôi nghĩ như vậy.
Hà Nội ngày 31 tháng 7 năm 2009
Đ - H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét