Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Anh hùng Từ Hải trong hai kiệt tác Đoạn trường tân thanh (3254 câu) Nguyễn Du và trong Kiều Thơ của Đỗ Hoàng (6 122câu)

Anh hùng Từ Hải trong hai kiệt tác Đoạn trường tân thanh (3254 câu) của Nguyễn Du và trong Kiều Thơ của Đỗ Hoàng (6 122câu)

Thứ năm - 27/02/2014 16:42
   




ANH HÙNG TỪ HẢI TRONG HAI KIỆT TÁC ĐOẠN TRƯỜNG 



TÂN THANH CỦA NGUYỄN DU & KIỀU THƠ CỦA ĐỖ HOÀNG

 

Anh hùng Từ Hải trong Đoạn trường tân thanh (3254 câu) Nguyễn Du
Râu hùm hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo…

….
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời…
(Từ Hải chết đứng cấm khẩu)
        
Anh hùng Từ Hải trong Kiều Thơ  của Đỗ Hoàng

Biên đình có một khách hoa
4520 – Lầu xanh gió mát thường qua mua cười!
Khí chất hảo hán khác đời
Nhác trông đã biết là người hùng anh
Mặt vuông, mắt sáng tinh nhanh
Mũi rồng, mày róm, tấm thân tứ trường.
4525 –  Giàu sang, phú quý coi thường
Bạn cùng mây gió bốn phương ra vào
Tính tình khoáng đạt anh hào
Song toàn trí dũng, lược thao đại tài
4530- Rõ ràng là một anh hai
Bao phường luồn cúi có ai dám bằng
Xuất thân khoa cử nghiệp văn
Đã từng nghiên bút, tiếng tăm lưu truyền
Chính người đất Việt rồng thiêng
4535- Ra tay một cái làm nghiêng sơn hà!
Nổi danh trong đám can qua
Họ Từ, tên Hải tự là Minh Sơn.
Thiên triều khiếp vỉa kinh hồn,
Sợ Từ dựng lũy xây đồn cường tranh…

….
Hai anh hùng luận bàn cái thế:
 
TỪ HẢI & HỒ TÔN HIẾN

4990 - Mở mắt ra rõ thực tình
Tấm thân mười thước cực hình gióng dông.
Binh tan như ngọn cỏ bồng
Thây phơi đầy bến, đầy sông, đầy đò.
Động trời vang tiếng reo hò,
4995- Nhữ Trinh (*) lừa trận thắng to vang lừng. (Tên hiệu của Hồ Tôn Hiến)
Hồ công mở tiệc ăn mừng
Đem Từ làm vật tượng trưng tế thần!
Lệnh ban tháo củi, phóng thân.
Đem vào đến tận trung quân mới ngồi.
5 000- Rằng: “Nghe trí dũng hơn người,
 Đã từng rực rỡ có một thời bút nghiên.
Đã từng học chữ Thánh hiền,
Mà làm thảo khấu cuồng điên thế này?
Những loài giặc cỏ xưa nay,
5 005- Thiên triều nhất quyết ra tay diệt trừ.
Tội đồ truyền kếp họ Từ
Hành hung bạo ngược, ác ngư sói hùm.
Bây giờ thân đã đóng cùm,
Hỏi ra dũng khí anh hùng ở đâu?
5 010- Sẽ  làm cho biết mặt nhau
Ai cái thế, ai bêu đầu coi chơi!”
Từ rằng: “ Việc ấy có trời.
Tiểu nhân đắc chí nghìn đời khác chi.
Thiên triều nay đã mất uy
5 015- Dân tình đói rét còn gì mà mong.
Ăn xin, ăn cướp đầy đồng,
Cướp đường, cướp chợ, cướp sông, cướp đò…
Mệnh quan càng lớn, càng to
Lâu đài càng rộng, vàng kho càng nhiều
5 020- Thê thê, thiếp thiếp, yêu yêu
Đờn ca, xướng háy hết chiều đến đêm
Trong ngoài quận huyện đảo điên
Ta đây dấy nghĩa hạ thiên thay trời
Làm vì việc nghĩa muôn đời
5 025- Chắc rằng sẽ được đời đời dân tin!”
Hồ rằng: “Bao đám yêu tinh,
Cũng xưng vì nghĩa vì tình với dân.
Nhưng rồi cướp phá giành tranh.
Đôi bên giặc cỏ, thập thành thanh lâu.
5 030- Có gì đạo đức cao sâu
Một bầy mọi rợ từ đầu đến đuôi
Còn làm ra vẻ dạy đời
Thân phanh trôốc mất đên nơi cò gừ!”
Từ rằng: “ Chính sự nát nhừ,
5 035- Quan thành lang đạo, vua như bù nhìn.
Trong triều ngoài nội điêu linh
Núi sông chết đứng, dân tình xác xơ
Già nua không chỗ cậy nhờ
Tang thương đến nỗi trẻ thơ bạc đầu.
5 040- Lân bang chẳng cậy nhờ nháu
Sách không ghi hết nỗi đai dân lành.
Máu người uống chẳng biết tanh
Gấy ra bao cuộc chiến tranh điêu tàn
Oan khuất từ phố đến làng.
5 045- Thượng bất chính, hạ làm càn ác tâm.
Lạ gì cải lũ quan dâm,
Miệng hô Thiên tử, dao đâm tim người
Thuyền rồng giỡn sóng ra khơi.
Một phường ăn máu muôn đời dân đen.
5 050- Lập công nấp váy kẻ hèn
Cổ kim sử sách ai khen bao giờ!
Ta đây thác bụi, chôn bờ
Muôn năm dân nghĩa vẫn thờ khói hương!”…

 

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Đoạn kết hai kiệt tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du và Kiều Thơ của Đỗ Hoàng

Đoạn kết hai kiệt tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du và Kiều Thơ của Đỗ Hoàng

Chủ nhật - 23/02/2014 13:41
Đoạn kết hai kiệt tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du và 

 Kiều Thơ của Đỗ Hoàng

ĐOẠN KẾT





Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (3254 câu)
 
3240- Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã nắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
3245 - Có đâu thiên vị người nào!
Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài đi với chữ tai một vần!
3250  - Đã mang lấy nghiệp vào thhân
Cũng đừng trách lẩn trời gần, trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Lời quê nhặt gói dong dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Ng – D



 
Đoạn kết
Kiều Thơ của Đỗ Hoàng (6 122)
 
Ngẫm ra ân oán tại người
Hiền tâm ác bá cũng nơi lòng mình
6100- Đã rằng vì nghĩa, vì tình
Sá chi những lũ yêu tinh hung tàn
Xưa nay dưới chốn trần gian
Núi sông, xương máu non ngàn trắng phơi
6105- Mệnh tài đầy đọa kiếp người
Tơ duyên nghiệp chướng nợ đời phải mang
Cửu tuyền còn chuyến đò ngang
Nợ chưa trả hết sao sang bến chiều?
6110- Càn khôn hoang lạnh cô liêu
Càng gây oan trái, càng nhiều tội danh
Cõi trần mờ mịt mong manh
Con người, con ngợm cố giành giật nhau.
6115- Nhãn tiền trông thấy mà đau!
Đời nay đã vậy muôn sau thế nào?
Lại mơ có những anh hào
Hùng tài đại lược chí cao phi thường!
Cho Kiều không phải đoạn trường
6 120 - Cho bao cây cỏ bên đường bình yên.
Chỉ còn tìm đến cõi tiên.
Đỗ Hoàng thử hỏi có nên dịch Kiều!

Hà Nội, năm  2009
 
Tác giả Đỗ Hoàng ở Viện bảo tàng Văn học Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 19 - 6 - 2006
 

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Đoạn mở 2 kiệt tác Đọa trường tân thanh của Nguyễn Du và Kiều Thơ của Đỗ Hoàng

Mở đầu
Đoạn trường tân thanh – Nguyễn Du (3 254 câu)

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mênh khéo là ghét nhau
Trãi qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói, má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần dở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh
Bốn phương vẳng lặng, hai kinh vững vàng…

Kiều Thơ của Đỗ Hoàng (6 122 câu)

Cõi đời muôn đắng ngàn cay
Kiếp tằm có được một ngày nào vui
Trải qua mưa gió dập vùi
Mong manh phận số, ngậm ngùi xót thương.
Xem ra trong cõi vô thường
Càng gian ác lắm, càng Vương tội đồ.
Thiên Hà cũng thể hư vô
Trăm năm chỉ nắm đất khô ngoài đồng
Trầm luân đầy đọa má hồng.
Thiên tài quốc sắc lắm lòng ghét ghen.
Sách xưa xem kỹ trước đèn
Kim Vân Kiều truyện tiếng khen truyền đời.
Vào năm Gia Tĩnh thứ mười
Bên Tàu cựu quốc thuộc đời nhà Minh
Ở trong thành nội Bắc Kinh
Có Vương Viên ngoại Tử Trinh tự là…



Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Hữu Thỉnh - Trưởng làng văn thời hiện đại

Hữu Thỉnh: Trưởng làng văn thời hiện đại

Trung Trung Đỉnh
TP - Ông trưởng làng văn ấy, từng kinh qua từ mõ làng đến tay liên gia trưởng, từ phó lý lên quan huyện, quan hàng tỉnh, quan đầu ngành Trung ương, vua biết mặt, chúa biết tên, việc nước việc làng thông tỏ, đi đứng có lúc có khi như thằng con buôn, như tay lãng tử, bụi đời, lại cũng có khi lên xe xuống ngựa, cân đai mũ lọng tiền hô hậu ủng ngút trời…
Làng có việc, người già bận rộn, nét mặt ai cũng nghiêm trọng. Bọn trẻ con thì tíu tít. Bọn thanh niên thì xúng xính. Trong đám phu đòn, thợ mổ bò hay đám thợ khuân vác, ta thấy có một người đầu đội khăn mỏ rìu, tay dao tay thớt, ngớt việc này sang việc kia, kể cả bổ củi lẫn dựng rạp, kể cả quạt lò lẫn sửa soạn chỗ ngồi cho các bậc tiên chỉ, đến nơi sắp xếp bàn tính việc trọng của làng đều thấy anh có mặt. Anh có mặt chỗ nào, chỗ ấy sáng việc ra, người người hồ hởi, tươm tất, rộn ràng.
Tranh của: Hoa Y
Đấy là làng văn của chúng ta. Đấy là Hữu Thỉnh, người chít khăn mỏ rìu, anh chàng bổ củi, mổ bò, sắp xếp mâm bát, lo thủ tục sao cho đúng tục lệ, lo việc làng việc nước, lo chỗ ngồi cho các cụ, lo sân chơi cho bọn trẻ nít, lo công việc cho mấy anh nông phu chỉ đâu đánh đó, lo cả đám cãi vã của mấy ông cờ bạc rượu chè ba hoa xích thố lẫn lo sắp xếp chỗ “buôn dưa lê” cho cả mấy bà ngồi lê đôi mách, hàng tôm hàng cá rôm rả, giúp họ biết đến đây để “hòa cả làng” chứ không phải tranh hơn tranh kém.
Hể hả mọi người. Làng vào việc, mâm cao cỗ đầy, ai cũng có phần việc để làm nên đều tươi tỉnh, ai cũng có phần đánh chén, lại cũng có phần mang về. Nói một mình bác lo thì tuyệt không phải, nhưng nếu không có bác lo thì việc sẽ bộn bề, chúng em thật chả biết ra răng mà mần. Bác đúng là tay dao tay thớt, tay năm miệng mười, chứ còn gì nữa!
Ở đời có những anh việc gì cũng ghé vai gánh vác, mà gánh vác được, gánh vác không nề hà, rính toán. Lại cũng có anh chuyên chắp tay sau đít, đi đi lại lại, nói một tấc lên đến giời, chả phải mó tay vào việc gì, ăn thì ngồi trước, chả tuần chay nào vắng nước mắt, làm thì chỉ tay năm ngón, vậy mà ở trong làng, ai cũng thấy anh ta phải được thế, ai cũng nể trọng, trong bụng có lúc ấm ức, nhưng ngoài miệng vẫn toe toét nói cười.
Làng Văn ta lắm người tài, lắm người tật nhất trong các làng.
Vui đáo để.
Ông trưởng làng Văn Hữu Thỉnh thời hiện đại, từng kinh qua từ mõ làng đến tay liên gia trưởng, từ phó lý lên quan huyện, quan hàng tỉnh, quan đầu ngành Trung ương, vua biết mặt, chúa biết tên, việc nước việc làng thông tỏ, đi đứng có lúc có khi như thằng con buôn, như tay lãng tử, bụi đời, lại cũng có khi lên xe xuống ngựa, cân đai mũ lọng tiền hô hậu ủng ngút trời, tây tầu ta đều hoành tráng bề bề, chẳng kém bất kỳ ông quan tai to mặt lớn nào. Nói năng thì con kiến trong lỗ phải bò ra.
 Mỹ nhân thời nào cũng rôm rả. Kẻ hầu người hạ đề huề. Chén chú chén anh rôm rả. Thơ phú nhất hạng cung đình mà con cháu thì đề huề, đẹp đẽ. Tuổi cao, chức trọng, khiêm nhu nín nhịn khoan nhường ít ai bì kịp. Nhiều kẻ ghen ghét muốn hại, không hại được lại sinh quy phục, tình nguyện làm tôi đòi. Nhiều người thương, không thương được, lảng tránh chán rồi lại thấy cũng đáng thương. Yêu yêu, ghét ghét, lên bổng xuống trầm, có khi tưởng tan đến nơi lại hóa ra hợp. Khôn ngay khéo đầy, của thiên trả địa, đâu lại vào đấy.
Tây đen Sơn đông mãi võ
Nếu tôi nhớ không lầm, thì tôi quen Hữu Thỉnh rất bình thường, đó là buổi chiều tối một ngày đầu Đông năm 1978, tôi vừa cùng Nguyễn Trí Huân từ trại viết Khu V ra đến Hà Nội. Nguyễn Trí Huân thì đã quen Hà Nội trước khi đi B nên xuống ga Hàng Cỏ cái là Huân tếch về Nhổn, nơi có mẹ và em gái Huân đang chờ sẵn. Còn tôi, đây là lần đầu được triệu ra Hà Nội để định cư và theo học khóa I viết văn Nguyễn Du. 
Tất nhiên là bỡ ngỡ. Hữu Thỉnh ở trong một căn phòng của dãy nhà cấp 4 dành cho các trại viên quân đội cùng với cô con gái nhỏ, bé Thanh. Hồi ấy quân đội có hai trại viết đình đám nhất, đó là trại viết quân đội và trại viết Quân Khu V. Tôi thì nghe tên, đọc thơ Hữu Thỉnh hơi bị nhiều, vì hồi ấy Hữu Thỉnh nổi như cồn, chỉ sau Thanh Thảo, (đấy là cách đánh giá hồn nhiên của anh em khu V chúng tôi), vì trường ca “Đường tới thành phố”. 
Trường ca “Những người đi tới Biển” của Thanh Thảo ra trước “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh đâu một hai năm, mà Thanh Thảo cũng nổi tiếng hơn Hữu Thỉnh trước đó vì cả tập “Dấu chân qua trảng cỏ” được cụ Chế Lan Viên đánh giá cao ngút trời. Tôi vốn yêu trẻ con nên thấy bé Thanh đứng lơ ngơ ngoài cửa liền dắt bé ra ngõ mua kẹo lạc và mấy quả mận hậu rồi lại đưa trả về cho bố Thỉnh. Hữu Thỉnh bày ra giường thịnh soạn nào cơm rượu, cá mè kho dưa, rau muống luộc thơm lừng, mời tôi. Chúng tôi đánh chén no nê. 
Tôi kể trại viết khu V anh em viết sướng thế nào vì anh trại trưởng Nguyễn Chí Trung chăm lo đời sống khá “siêu”, có vài anh được hưởng hai suất lương, lương quân đội và lương dân sự, mới đây giải tán trại mới phải trả lại nhà nước. Anh Trung tổ chức nuôi hai trăm con gà công nghiệp đẻ trứng, anh em trại viên ăn trứng thỏa thuê, bán trứng lấy tiền mua thêm thực phẩm cải thiện. Gà thì đẻ trứng rất đều còn các trại viên thì đẻ tác phẩm cũng sòn sòn. 
Tôi là lính địa phương mới về trại, thấy sướng quá là sướng. Bản thân đầu trần chân đất, chưa vướng bận vợ con, lại sẵn có tính ham chơi, ham rượu, ham bạn, được tự do, nhiều khi quá trớn, đi theo cả cánh Sơn Đông Mãi Võ lẫn mấy chú tây đen đưa về trại. Tôi nhớ có lần tôi đưa hai chú em tây đen từ ga về giữa đêm, định cho các chú ngủ lại trong phòng, không may gặp Hữu Thỉnh đi đâu về. 
Hữu Thỉnh gọi tôi ra vườn chuối trước nhà, túm ngực tôi, giật cật lực khiến tôi ngã dúi dụi, rồi nghiến răng mà rằng, chú liều lĩnh nó vừa vừa thôi, đưa cả bọn tây đen về doanh trại thì quá lắm, có chuyện gì xảy ra, chú phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hồi ấy chơi với tây là chuyện tầy đình. Hai chú tây đen này tôi quen thân vì tôi la cà uống rượu ngoài ga, nhà hai chú ở ga. Các chú nhiều năm làm nghề bán nước chè rong trên tầu, dưới ga. 
Mẹ các chú là người gốc Ấn, cha người Pháp, hiện vẫn ở Pháp. Mẹ các chú đưa các chú về Việt Nam sinh sống từ hồi Việt kiều Thái Lan Tân Đảo những năm sáu mươi được chính phủ ta cho về. Tóm lại các chú có quốc tịch Việt đàng hoàng, nhưng người thì cao nghều, da thì đen bóng, răng trắng, mắt hơi trố nên mọi người có phần ngại. Tôi thấy hai chú em này hiền lành, vui vẻ, lại dễ bảo, đi với tôi lên Yên Bái cùng Hàn Phi Quang Sơn Đông mãi võ giang hồ khách rất được việc nên đánh bạn, chả thấy có gì nguy hiểm. 
Sáng hôm sau anh Thỉnh gọi tôi sang phòng, cho một bài học nhớ đời về việc quan hệ với người nước ngoài nó nguy hiểm thế nào. Anh nhấn mạnh, đi đâu, làm gì cũng phải nhớ mình là quân nhân, không nên quá buông tuồng, suồng sã. Tôi hồi ấy chưa nhận ra tố chất lãnh đạo của Hữu Thỉnh, chỉ thấy anh chân thành góp ý thì cũng nhanh nhận ra mình quá đơn giản, vậy thôi.
Các nhà văn buôn chuyến
Tôi được Hữu Thỉnh rủ về quê anh chơi. Hồi ấy kinh tế rất khó khăn, gần như anh em trại viên nào cũng có dính dáng đến buôn buôn bán bán những thứ vật dụng vặt. Tôi rủ Hữu Thỉnh buôn thuốc lào vì quê tôi thuốc lào Vĩnh Bảo nổi tiếng. Hữu Thỉnh hồ hởi ô kê. Anh đưa tôi đi khắp vùng quanh Vĩnh Yên quê anh thăm dò thị trường hẳn hoi. Phải chuẩn bị chiến trường thật chu đáo rồi đánh một quả là phải thắng ngay.
Đi thăm dò thị trường thì thấy quá hay. Đâu đâu người ta cũng thiếu thuốc lào. Chúng tôi đặt được cả điểm bỏ mối đâu vào đấy xong, tôi về quê lèn một ba lô khự, trốn qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát, để đến được Vĩnh Yên, coi như thắng bảy tám mươi phần trăm. Hồi ấy buôn thuốc lào là buôn hàng quốc cấm, là buôn lậu! Hai anh em chưa vội đem đi bỏ mối ngay vì nghĩ nắm chắc phần thắng trong tay rồi, liên hoan cái đã. 
Chị Minh, vợ anh Thỉnh làm ở một cái kho lương thực thực phẩm nên cánh tôi được đãi một con gà và chai rượu cam. Đánh chén no nê, hôm sau hứng chí đèo nhau đi đánh quả. Kể cũng lạ thật, lúc đi thăm dò ai cũng hồ hởi, bảo thuốc lào Vĩnh Bảo thì nhất rồi, giá bấy nhiêu, bấy nhiêu. 
Tính ra lời gấp đôi, thậm chí gấp ba, oách phết. Nhưng bây giờ đem đến cho họ, họ chê thuốc nóng, thuốc ngái, giá loại này chỉ bằng nửa giá mua. Hữu Thỉnh bảo tôi, để đấy, giáp tết ra chiêu, không vội. Nhưng rồi giáp tết, ế vẫn hoàn ế. May mà về kể chuyện thuốc lào ế, có anh Dinh mua cho đúng giá gốc, với điều kiện phải biếu tặng bác Dinh cái túi ni lông Trung Quốc, loại túi quý hiếm mới xong việc. Hú vía!
Hữu Thỉnh là người chu đáo, tính toán cặn kẽ. Tôi và Hữu Thỉnh đi thực tập ở Quảng Nam. Quảng Nam Đà Nẵng là đất của tôi, tôi vào trước mấy hôm. Hôm Hữu Thỉnh vào, chuyến tầu đêm, tôi ra đón ở ga. Đợi khách xuống ga hết Hữu Thỉnh mới lọt tọt theo tốp khách sau cùng. 
Vì sao? Vì anh đeo một ba lô nặng tỏi và khoai tây, hàng này không quốc cấm, nhưng nặng mà lời ít. Chúng tôi đưa nhau đến một góc sân ga, trải ni lông, chia hàng trong cái ba lô của Hữu Thỉnh ra làm đôi, một nửa đem bán, nửa kia chia làm mấy phần, phần này quà cho Quế, phần này quà cho Lợi, phần này quà cho anh Phát, phần này cho anh em trại. 
Tóm lại chia năm sẻ bẩy. Tôi đeo phần nửa kia vô chợ bán, theo đúng như tính toán của Hữu Thỉnh thì coi như nửa bán đi ấy gỡ đủ vốn. Thắng phần làm quà cho anh em. Sướng rên. Hữu Thỉnh bảo tôi buôn bán là phải biết tính toán, anh tính toán kỹ nên không bị lỗ. Chúng tôi đem phần quà cho mọi người, ai cũng hồ hởi phấn khởi. Chúng tôi chia nhau quà rồi sau đó chia nhau đi thực tế dưới các hợp tác xã. 
Cùng ăn, cùng ở, cùng nằm với bà con xã viên hai tuần. Tôi đi đến đâu cũng được mời đánh chén. Về, gặp Hữu Thỉnh, kể chuyện ăn đặc sản bò thui, ăn mì Quảng, ăn tôm hùm, thịt heo luộc ngon chưa từng thấy. Anh bảo, số chú sướng, tôi về ở nhà dân, họ còn đói quá, mình không được ăn uống nhậu nhẹt gì, thậm chí có mấy cân tem phiếu gạo cũng biếu họ luôn. Lần ấy Hữu Thỉnh viết được cái bút ký rất hay về nông nghiệp, nông thôn, về phong trào hợp tác nông nghiệp. 
Anh cho tôi xem, tôi phục sát đất. Các nhà thơ viết ký hay thật. Nhưng hỏi tên bài bút ký là gì, anh cứ loay hoay hết “Một điểm sáng” lại sang “Một xã anh hùng” gì gì. Tôi bảo, để tôi biếu bác cái tên. Trong bài ký có một câu “đi giữa đồng lúa” tôi bảo lấy câu đó làm tên vừa giản dị, vừa không khí, vừa đúng, vừa hay. Hữu Thỉnh phải đãi tôi một chầu bia. Lúc lên tầu ra Hà Nội, trước khi lên ga chúng tôi bàn tính, đánh quả ra mới là quả chính. Vừa lên tầu, nhận ghế, có một tay cán bộ vẻ sành sỏi đã nhận chỗ mắc võng, sau đó dưới võng anh ta mấy bà bán dưa hấu đem xếp đầy cả chục quả to. 
Hữu Thỉnh bê một rồi hai, rồi ba quả lên cho tôi xem, hỏi: “Duyệt không?”. Tôi đồng ý “duyệt”. Thế là chúng tôi “chơi” luôn sáu bẩy qủa dưa hấu to đùng. Tầu chạy. Tay cán bộ kia ngủ khì còn chúng tôi cứ nơm nớp lo cán bộ thị trường hỏi. Cuối cùng cũng may, không có chuyện gì xảy ra. Tay cán bộ kia đến ga nào cũng dậy mua thịt gà, trứng hay bánh trái chén, tôi để ý thấy tay này đích thị là tay buôn chuyến. Hữu Thỉnh bảo, mình cứ để ý theo hắn, hắn bán gì mua gì mình làm theo là ăn.
Đến ga Thanh Hóa y như rằng hắn dậy bán dưa hấu. Hữu Thỉnh bảo tôi, cứ xem giá hắn bán bao nhiêu mình bán theo. Quả thật, buôn bán vào cuộc mới biết không dễ một chút nào. Chúng tôi bán theo hết số dưa, thấy có lời kha khá, coi như thắng lợi. Tay kia mua dừa, Hữu Thỉnh bảo tôi mình cũng mua dừa. Mua một nghìn một quả, ra Hà Nội ba nghìn ăn chắc. Thế là cánh tôi lèn cứng hai ba lô dừa Thanh, xuống ga Hà Nội có mấy người đòi mua ngàn rưỡi hai ngàn, anh Thỉnh bảo tôi, buôn bán là phải gan lì, thôi ta chịu khó đeo về, mai bảo cô Hương chịu khó đem ra chợ, được năm ngàn một quả chứ không phải hai ba. 
Cô Hương khi ấy là người yêu tôi, sinh viên khoa thư viện Đại học Văn hóa, chưa bao giờ buôn bán, chưa bao giờ đứng chợ, vì nể cánh tôi mà nhận lời. Hóa ra ngồi chợ cũng không đơn giản, cô Hương lớ nga lớ ngớ bày hàng ra, người ta xúm vào, “tôi quả, tôi quả”, miệng nói tay nhặt, chỉ một lúc nhoáng cái là hết sạch. Không cái dại nào giống cái dại nào! Anh Thỉnh lại bảo, coi như trả học phí buôn, hơi đắt tí nhưng không sao, mình được bài học nhớ đời. Dân làm ăn phải biết chấp nhận cả thắng lẫn thua. Thua keo này ta bày keo khác.
Sau đó có tới dăm phi vụ, nhỏ lẻ có, hoành tráng có, trong ký ức nghề buôn bán của tôi, cho tới bây giờ vẫn không hề mảy may có một kỷ niệm thành công thắng lợi nào. Thế mà không hiểu sao hồi ấy vẫn cứ ham! Tôi nhớ trại viết văn Quân đội chúng tôi được ưu đãi đặc biệt hơn cánh dân sự nhiều. Anh em tự sáp lại với nhau thành nhóm. 
Cánh Xuân Đức, Khắc Trường rủ nhau về Quảng Trị mua tiêu sọ đem ra Hà Nội bán, theo tính toán cũng sẽ lãi gấp ba, nhưng thực chất bị dân Hà Nội chê tiêu lép, giá còn bằng nửa tiền giá gốc, lỗ chỏng vó. Cánh Nguyễn Trí Huân, Trần Nhương, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa buôn vô Nha Trang, Đà Lạt hàng quai guốc, thuốc nam, bán cho dân kinh tế mới. 
Hàng đem ra là mành mành ốc biển, hạt cườm ốc biển, không “đổ” được cho mối nào, lỗ thê thảm. Cánh Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng “đánh” lốp xe đạp Hóc Môn từ Sài Gòn ra, không bán cho dân buôn ngoài chợ được, đành phân phối lại cho anh em trại viên giá gốc, lời chút đỉnh. Còn ai nữa? Tô Đức Chiêu tuần nào cũng phi con Cá Xanh về Hải Dương, “đánh” nhỏ lẻ, nào dây cao su buộc hàng, nào vài bộ ấm chén, vài chục bát sứ Hải Dương, vài ổ khóa, vài cái bóng đèn, phích nước, xích líp xe đạp, hàng lên Hà Nội mùa nào thức nấy, khi vải thiều, nhãn lồng, khi khoai lang, ngô nếp, thắng tí ti, nhưng chắc.
Tóm lại, ngành thương mại của các nhà văn lúc ấy, dưới sự cai quản của Hữu Thỉnh, coi như thất bại cơ bản, toàn diện và vững chắc. Sau mỗi đợt nghỉ hè, tổng kết, kể cho nhau nghe, tốn vài ba lít rượu quốc lủi do Trần Anh Trang buôn từ Bắc Ninh lên, rút kinh nghiệm rôm rả và sâu sắc nữa! Nhóm tôi và Hữu Thỉnh tuyệt nhiên giữ kín, ai làm nấy biết, thua trận sau lớn hơn trận trước, kể ra thấy mà thê thảm. 
Nào là buôn tôm khô, cá khô từ Nghĩa Bình, nơi ấy có Thanh Thảo làm cơ sở mua hộ đem ra. Nào là buôn gạo, buôn cám từ Gia Lai, tôi có đông bạn xi-nhan cho điểm mua, điểm bán, vậy mà lỗ mẹ chồng lỗ con. Nào là lên Tuyên mang vài chục bộ xích líp xe thồ, bán không được, cho thì nhanh, tay trắng hoàn tay trắng. Buôn bán nghiệp dư thất bại, đành rủ nhau quay về gõ máy chữ rào rào, thơ phú văn chương, kể chuyện chiến trận xem ra còn được vài ba mẩu.
"Tôi sinh ra quả trám đã bùi/ Rễ si buông cước lá sòi rưng rưng/ Tôi chưa với tới trái bòng/ Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm/ Cầu vồng xanh đỏ tím vàng/ Chim cu toan đổi chuỗi cườm trời cho”.
(thơ Hữu Thỉnh)
Làm thơ xóa ngang xóa dọc

“Sang thế kỷ với con tầu quá rộng/ Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang”
Viết chân dung Hữu Thỉnh, khoái nhất, nhàn nhất là cứ trích thơ của anh mà tương lên, câu nào cũng hay, cũng Hữu Thỉnh, ghép lại tí, bình vài nhời là thành bài. Có những người tìm mãi không ra câu thơ hay để trích, để bình. Thơ Hữu Thỉnh mở đâu cũng thấy câu hay đoạn hay, bài hay. Chơi với Hữu Thỉnh lâu ngày, có đôi lần tôi được “xem” Hữu Thỉnh làm thơ. Cũng trầm trầy trầm trật, nâng lên hạ xuống, xóa ngang xóa dọc chíu chít lắm. Bài thơ được in ra ta đọc lên thấy xuôi tai, thấy hay, thấy sâu sắc, cứ tưởng làm dễ như bỡn, hóa ra không phải.
Ví dụ tôi mở tình cờ, đọc tình cờ:
“Mẹ ơi mây héo con xin mẹ/ Cho con lên an ủi mặt trăng buồn/ Chợ tan đường cũng tan như chợ/ Bán được buồn hay mua được buồn hơn”
Hai câu đầu rất không hiểu vì sao lại viết thế, sao lại “mây héo”, sao lại lên “an ủi mặt trăng buồn”? Thế mà hai câu sau thì rợn cả người, đọc lên tôi thấy người tôi có sự thay đổi trạng thái, nó gây sốc cho cái sự tình cảm với mẹ với quê hương của tôi thuở nào, mà tôi tưởng nó đã xa lắm lắm rồi.
Rồi nữa:
“Chong chóng quay đón mẹ dưới chân đồi/ Tay mẹ héo ruộng bậc thang cấy rẽ/ Tôi đỡ lấy chiếc áo tơi của mẹ/ Mụn cua càng bò trên mảnh sân con”
Thôi, tôi không trích thơ Hữu Thỉnh nữa. Tôi cũng còn nhiều chuyện để kể về Hữu Thỉnh, nhưng có lẽ ở đây, thế này cũng xin đủ. Ở đời biết dừng lại đúng chỗ là không làm phiền người khác.
TT Đ

Trí thức Việt không hiểu người ta khen hay chê

              TRÍ THỨC ViỆT KHÔNG HIỂU NGƯỜI TA KHEN HAY CHÊ

                                                                        Nguyễn Hoàng Đức

Trong một bài gần đây, tôi thấy tác giả phê bình dùng câu của triết gia Pháp Francois Jullien làm cơ sở rằng: “triết học của Việt Nam lẩn vào trong văn học”. Nhà phê bình này tôi nghĩ không cần nêu tên bài và tên gọi, bởi lẽ, tôi muốn nói về một quán tính rất dễ dãi, mù mờ, và thiếu khả năng phán đoán của hầu hết trí thức người Việt.

Câu này là một câu nói khích lệ, có sự xuê xoa, mặt trận, ngoại giao quốc tế, nói chính xác hơn là úy lạo, vỗ về, an ủi, bón cơm, nhét kẹo vào miệng “dân mọi” chưa trưởng thành. Và một nỗi buồn lớn hơn xuất hiện là: không phải dân vô học, mà chính những người có học hàm học vị cao bậc nhất hẳn hoi lại hí hửng tưởng rằng đó là người ta khen mình.

Lãnh tụ Mao Trạch Đông đã nói một câu thể hiện sự lạc hậu của một đại quốc khổng lồ chiếm gần một phần tư dân số thế giới rằng: Trong khi Liên Xô đưa được người lên mặt trăng, còn Trung Quốc chưa bắn được một củ khoai tây lên trời. Giờ giả sử, một chuyên gia kỹ nghệ vũ trụ của phương Tây đến Trung Quốc nói rằng: Các bạn chưa có kỹ nghệ tên lửa nhưng nó đang nằm lẫn trong đám gang nấu trong lò hợp tác của các bạn. Thử hỏi Mao Trạch Đông cùng dân Trung Quốc nếu hí hửng, thì ngày nay họ có vệ tinh không?

Suy rộng ra, nếu một chuyên gia đến Việt Nam chưa thấy sản xuất được đường, liền bảo đường đang nằm trong những cánh đồng mía của các bạn. Nghe có được không? Hoặc một nhà kiến trúc đến Việt Nam bảo tòa nhà cao nhất thế giới của các bạn đang nằm trong những lò gạch ấy. Nghe thế nào, hay cái lò gạch ấy chỉ đẻ ra “Chí Phèo”?

Giờ xét kỹ vào câu nói của triết gia Jullien “Triết học của Việt Nam nằm lẫn trong văn học”. Nói thế có khác gì bảo, trung tâm triết học của các bạn bằng tranh tre nứa lá còn đang nằm lẫn trong rừng?! Triết học bao gồm ba thể loại chính:

1-    Triết học bản thể: tức hữu thể luận nhắm nghiên cứu bản chất bên trong thiết yếu của vạn vật cũng như hữu thể.
2-    Logic: là cách quan sát, cách tiếp cận, để đảm bảo cho sự nghiên cứu có cơ sở chắc chắn nhất nhằm tiếp cận bản thể đích thực.
3-    Ngôn ngữ: cũng là biện chứng pháp giúp con người lý giải, biện thuyết, minh chứng cho những vấn đề của tư duy phải đem từ ý thức bên trong thể hiện ra bên ngoài như tư tưởng phô bày ra bằng ngôn ngữ, và bản thể minh nhiên ra ngoài bằng hiện tượng.

Như vậy văn học nhiều lắm chỉ là phần ngôn ngữ, không thể ù xọe leo lên hai phần trên được. Mà ngôn ngữ của văn học là ngôn ngữ hư cấu chưa đầy đủ, là thứ phần mềm không thể hóa phần cứng của tư duy. Thực ra chưa cần đến triết gia Jullien, một lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã từng hỏi một nhà thơ không dấu vẻ khinh thị rằng “anh xem ở Việt Nam đã có triết gia nào chưa?” thì được nghe trả lời “Chưa!” Câu hỏi này trong một khung cảnh bao hàm nghĩa: văn thơ của mấy anh làm gì có tư tưởng và triết học, mới chỉ là vài bình hoa vặt trang trí cho chính sách, có gì mà cứ ngậu nhĩ lên?! Thực tế hơn, tại các nước như Pháp hay Nga có rất nhiều nhà văn là bạn với lãnh tụ, còn riêng văn học tem phiếu Việt Nam chỉ toàn thấy “sau lưng theo một vài thằng con con”. Giới lãnh đạo Việt nhìn các nhà thơ đông rinh rích chẳng khác gì “lớp thiếu nhi trồng cây cảnh”. Đặc biệt với các loại nhà thơ đại ca chỉ có văn hóa làm trường ca “gãi háng” thì không đáng để đuôi con mắt quẹt qua. Thử so sánh, ở Trung Quốc, “hoàng đế đỏ” oai phong lẫm liệt như Mao Trạch Đông, được ví chỉ bằng một nửa Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn… ông không tự ái mà còn cười ngất (trong câu, chỉ có hai người rưỡi hiểu Trung Quốc, một là Tôn Trung Sơn, hai lỗ Tấn, một nửa là họ Mao). Giờ thử so đi, các nhà thơ, nhà văn Việt nếu gộp lại cả thành đại hội cả nghìn người, chưa nói đến giới lãnh đạo, mà ngay những người phục vụ ở hội trường quốc hội, họ bảo “chưa thấy cái đại hội nào thiếu văn hóa, bét nhè, và tùy tiện như đại hội này, toàn những nhà văn và nhà thơ nhớn”. Nhà thơ nước non gì, mà cả nghìn trường ca không tìm được xương sống của kiến trúc, cũng không nhân vật luôn, lại còn khoe cảm xúc của mình là thiên bẩm và siêu việt. Hãy nhìn cả thế giới và nước ta xem, có lãnh tụ kiệt xuất, vị tướng thiên tài, người xuất chúng nào chỉ có cảm xúc không???

Rõ ràng là người Việt chưa có nền triết học, thí dụ cụ thể nhiều lắm, để tôi sẽ thí dụ dần dần. Vì thế ngài Jullien phải nói “triết học Việt Nam ẩn trong văn học” vậy mà mấy ông không hiểu gì lại còn hí hởn kiêu hãnh thì buồn làm sao?!

Đây cũng chỉ là một thí dụ thôi. Trước đây, nhiều chuyên gia nước ngoài bảo “Người Việt đẹp lắm vì phong cách tự nhiên”. Người Việt có câu “tự nhiên như ruồi”, đó là chỉ ra: hạng vô giáo dục. Người Trung Quốc có cả một dãy lý thuyết về việc này, họ coi “nhân bất học bất tri lý”, không được giáo dục, không được học hành thì chỉ là đám tùy tiện, hạ tiện, làm sao thành người ưu việt được. Người ta khen mình “tự nhiên” tức là khen mình bản năng, thiếu giáo dục, nhiều cô gái ngồi giãi thẻ hết cỡ, tè he bất cứ chỗ nào. Ngay như việc cúng tế ngày xuân đang diễn ra, có chuyên gia viết: người Hàn Quốc đến chùa để thiền cho tâm linh bên trong, còn người Việt thì đến chùa để cầu xôi cầu oản, ngay cả quan lại cũng đến để cầu thăng quan tiến chức. Trong tâm linh, cầu xin vật chất được gọi là “bái vật giáo”, một hình thức thấp nhất, coi chùa chiền không khác gì nhà bếp hay phòng tổ chức nhân sự?! thế mà người ta khen “người Việt tự nhiên” cũng có vô số tờ báo hí hửng, cho thế là hay.

Còn đến các nhà thơ Mỹ, họ không còn biết khen chê thế nào về trí tuệ của mấy anh chiến binh nhảy đại vào thơ. Họ bảo: “Mỹ thua Việt Nam, là vì logic nhà thơ của các bạn. Nó khó hiểu, nó phóng tác được chăng hay chớ không thể lường được, cần nghỉ thì các bạn không nghỉ, cần đi thì các bạn không đi… vì thế mà hỏa lực Hoa Kỳ không thể đánh úp các bạn được”.

Mỹ không chỉ sa lầy ở Việt Nam, còn nhiều vùng khác như I rắc, Pakistan, Afganistan, đặc biệt ngay cả vùng Trung Đông nhỏ xíu… Vậy chúng ta không nên quá ảo tưởng về việc này. Nhưng tôi muốn nói một điều khác, than ôi ở đời làm sao có thể gọi là “logic nhà thơ”? Không tin thử mời một ông nhà thơ bàn về chiến lược vĩ mô của quốc gia xem nào? Người ta có thể nói về khát vọng, hay trí tưởng tượng của nhà thơ, nhưng có nên nói về một rúm kiến thức của nhà thơ là logic không? Ở Việt Nam mới năm ngoái thôi, cả ban sơ khảo và chung khảo Hội Nhà văn không cần biết đến một tác phẩm nổi tiếng bậc nhất thế giới là “Giờ thứ 25” của văn hào Rumani Gheoghiu Virgil, rồi cứ nhắm mắt trao bừa cho Phạm Đương, ngay cả khi đã được mọi người cảnh báo. Đúng là giả điếc để không sợ súng. Trong trường hợp này nói chính xác là: giả ngu để không cần dùng đến lương tri.

Có nên than, hỡi ôi văn sĩ Việt Nam tôi, triết học thì còn nằm ở dạng quặng thô trong văn học, hay là dạng xì xụp canh cua chưa thành tiệc, văn hóa thì bản năng tùy tiện tự nhiên vẫn ngẩng cao khuôn mặt tự hào, còn tư duy lô gic thì là của đám đông “xã viên” ưa thích mua vui vần vèo… Chẳng thế mà người ta mới cho mấy lời khen như vài vụn đường bám vào chiếc quẩy còi đã tưởng mình là văn hào, thi bá ở dương gian này. Có tin mới nhận được: Căm Pu chia vừa sản xuất được ô tô, còn Việt Nam làm nội thất 30% chưa xong, ngay cả cái kim khâu hay bi xe đạp vẫn còn chưa làm được. Hỡi ôi mấy ông “trường ca gãi háng”, logic nhà thơ kia hãy leo lên bè bẹ chuối mà hát khải hoàn ca như ta đang phiêu lãng  trên tầu sân bay. Nào mấy chiếc kèn lá cùng ca khúc vỗ bụng hát hãy tấu giao hưởng lên, số lượng “xã viên” của chúng ta rất đông lo gì không thành giàn hợp xướng?!

NHĐ  18/02/2114



Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Mã Giang Lân đại biểu của thơ cóc xoáy ao chuôm- Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức

Mã Giang Lân đại biểu của thơ cóc xoáy ao chuôm- Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức

Thứ tư - 08/01/2014 15:09
 
          MÃ GIANG LÂN ĐẠI BIỂU XUẤT SẮC CỦA

                     THƠ CÓC CÁY AO CHUÔM

             Nguyễn Hoàng Đức

           Giải thưởng thơ 2013 của Hội Nhà Văn không xum xuê dồn dập như vụ được mùa giải năm trước, mà nó hiếm như một mụn trứng cá được nặn ra, đủ thấy một sự thật khác: giải thưởng không nằm trong giá trị các tác phẩm  văn chương mà là do các ban giám khảo của hội quyết định rộng tay hay chùn tay. Năm nay rõ ràng là một năm chùn tay, dù có nhiều tác phẩm hay hơn “Những lớp sóng ngôn từ” chăng nữa cũng không thể hào hiệp phát đại trà theo lối “tháo khoán” định hướng được.

Nhân việc giáo sư, tiến sĩ Mã Giang Lân được giải nhất Hội Nhà Văn 2013 với tập thơ “những lớp sóng ngôn từ”, tôi thấy chúng ta có cơ hội được xem một vở kịch văn học với nhân vật phía trước và các nhà đạo diễn phía sau.

Trước hết về giá trị tập thơ, có hai điều chính yếu không thể cãi:

1-     Theo Bách khoa kinh điển nhất: chỉ là Văn chương khi nào nó vượt qua ngôn ngữ thông tin cấp một.

Đầu đề luôn là một câu gói gọn nhất cho cả tác phẩm cũng như nội hàm của tác phẩm. Nó luôn là một câu đầu tư thời gian nhiều nhất, cũng thường hay bậc nhất. Vậy thơ của họ Mã thì sao? Thơ thì toàn kể lể liệt kê sự kiện lối thông tin cấp một. Ngay cái đầu đề như các bài “Mưa tuyết Sa Pa”, “Tùy hứng”, “Đi tầu” rồi “Ông chài”… hầu hết là ngắn cụt lủn, và đưa tin cấp một chưa đầy đủ. Người ta bảo, nghệ thuật là cái riêng biệt, “Đi tầu”, và “ông chài” là những danh từ riêng nhưng mang nghĩa chung, đâu có thể hiện một chút nào cái cảm xúc riêng rẽ của tác giả?! Đó có phải vì thơ vu vơ chẳng có gì phản ánh nên đầu đề mới chung chung chẳng có gì để nói?!

Ngôn ngữ phản ánh giá trị của trí tuệ. Trước kia trình độ dân Việt 99% là nông dân, ngôn ngữ của họ rất nghèo nàn, ngay cạnh thủ đô thôi người ta không đủ trình độ đặt tên địa danh 2 âm tiết, mà chỉ có một âm như “Sặt”, “Nhổn”, “Trôi”, “Phùng”…

Đến lượt GS, TS họ Mã, dạy đại học hẳn hoi đâu có thể ít chữ, vậy mà các bài thơ thường chỉ có vài âm tiết chưa đủ “bổ ngữ từ” để làm câu văn duyên dáng hay hùng mạnh. Có đủ thấy ông trình độ thế nào không?!

2-     Mục đích biện minh cho phương tiện. Cái gì không có mục đích thì phương tiện chỉ là vô nghĩa. Một chiếc xe bò có ý nghĩa khi nó chở hàng. Một chiếc vé tầu có ý nghĩa khi nó đưa người ta đến xứ nào đó… hầu hết các bài thơ của họ Mã không có mục đích. Mục đích của thi ca ở đây là nó phải nâng con người lên, nhưng với thơ của họ Mã chúng ta chỉ được nghe một câu chuyện sơ sài cảm xúc, không nhân vật, không tình tiết, không cốt chuyện, và cũng không phải cây đàn lia để nâng cao tâm hồn thanh khiết cao sang…

Nhân đây tôi cũng xin đánh giá chung lại trình độ thơ chung của chúng ta. Việt Nam hiện nay có hơn 80% nông dân theo con số nghĩa đen, nhưng theo những gì rây rớt trong tâm hồn thì chúng ta vẫn còn hơn 99% nông dân. Lực lượng đông thứ hai, chắc chắn là các nhà thơ, vì rất nhiều phường, làng xã, các tổ hưu trí có câu lạc bộ thơ, điển hình mới đây khi câu lạc bộ thơ chui được thành lập trong vài tháng đã có dăm nghìn hội viên. Hàng ngày tôi đều xem truyền hình, thấy rõ ràng người Việt chủ yếu là hát nói dề dà, xem các bộ phim Việt thấy các diễn viên nói ê a rất chậm rãi, rồi gặp nhiều nhà thơ không nói được câu dài chỉ nói lới lơ cắt ngắn câu kiểu xuống dòng, tôi cho rằng đó là sức khỏe của thể lực và trí tuệ. Nhìn các diễn viên ăn mặc quần bò áo phông kiểu hiện đại lại ăn nói ê a, tôi thấy rõ dù anh chị có ăn mặc hiện đại thế nào thì trong tâm hồn vẫn là thứ tiểu nông tranh tre nứa lá. Thơ Việt Nam chủ yếu là bản nháp cho sinh hoạt cải lương, tuồng, chèo, đặc biệt là thơ lục bát, người ta soạn để hát. Vì thế thật hài hước khi chúng ta cứ bàn thứ văn thơ quần còn sắn móng lợn là hậu hiện đại nghe phì cười lắm!

Một bài thơ có thể sửa soạn cho ca từ, hay ca khúc, nhưng nó không bao giờ là ca khúc vì ca khúc đòi hỏi nhạc lý và tiết tấu. Một bài thơ có thể nghiệp dư, nhưng để trở thành một ca khúc được biểu diễn trên sân khấu thì tính chuyên nghiệp bắt buộc phải xuất hiện. Nhưng ánh sáng lấp lánh của sân khấu vẫn là thứ vinh quang đáng khát thèm, vì thế có vài nhà thơ mang thơ lên sân khấu biểu diễn, có nhà thơ còn triển lãm thơ như tranh… họ muốn vậy vì muốn có vinh quang cấp tốc của đèn đuốc, phèng la.

Thơ Việt chủ yếu còn ở dạng lúa gạo thô “chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non” chưa thành đại thụ được. Cụ thể, năm 2012, Thanh Thảo với trường ca “Chân đất” chẳng trăm phần trăm quê cáy là gì?! Chân đất người Việt gọi thẳng tưng là loại mạt hạng, trên răng dưới dái, không có nổi đôi dép mà đi. Người Việt bảo “Thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”. Ở thôn quê, kẻ không có tiền giúp đỡ, thì phải đến làm công thay thế, ở thành thị cũng vậy, còn kẻ nào đến người không thì làm sao được kính trọng? Thử hình dung một đạo quân đến nước khác giúp đỡ, lại đi người không, vũ khí không có, lương thực cũng không, thử hỏi sẽ trở thành gánh nặng thế nào cho nước đang lâm nguy? Toàn bộ trường ca của Thanh Thảo không có câu nào đáng nhớ  (nếu ai có ý kiến khác xin nêu giùm), chỉ có một câu đáng nhớ nhất thì lại là thẩm xú “bác Năm Trì gãi háng”.

Ngay đó là Phạm Đương với “Giờ thứ 25” đạo văn nguyên đai nguyên kiện. Giải thưởng này là “vé kèm” theo đại ca, đúng là thứ đặc sản văn hóa ao chuôm chỉ Việt Nam mới có. Phạm Đương văng “đếch” vào thơ để làm gì? Để bước một nhát từ ruộng phèn lên phố. Người Việt có câu “ăn mày nhà quê không bằng ngồi lê thành thị”. Người quê văng tục rất tự nhiên, nhưng chủ yếu họ văng tục vào cơ quan sinh sản. Người trên phố văng tục bằng cách chửi thề. Phạm Đương văng “đếch” để được thị dân hóa, mà thị dân bằng văn bản thơ. Tất nhiên văng bậy cả vào thơ hẳn phải là dân phố đầu đường xó chợ. Nhưng dù sao vẫn là phố!

Tập thơ “Mầu tự do của đất”, của Trần Quang Quí rõ ràng là nhà thơ Việt chủ yếu còn “chơi bi” đất cát, hết chân đất lại đến mầu tự do của đất. Đất trong văn học biểu tượng cho ù lỳ, bất động, hay vốn tự có… chỉ có máu mới biểu tượng cho tự do, chứ đất thì chưa bao giờ? Người Việt có câu “bọn đầu đất” là biểu hiện cho sự kiệt cùng của đần độn. Sự kiệt cùng đó liệu có mầu tự do?

Nhóm “Tự lực văn đàn” có đề ra phương châm cho nghệ thuật: “Sự nghiệp cao trọng hơn vinh quang”. Sự nghiệp tức là người ta làm được gì, cống hiến gì đó cho đời. Còn vinh quang chỉ là hào quang bên ngoài, nhiều khi lại chỉ là hào quang giả với bằng cấp giả hay chạy giải. Thơ Việt Nam còn tiểu nông, tiểu chí, tiểu khí, tiểu phẩm, tiểu cảm lắm, muốn có tác phẩm lớn chúng ta phải có cách nghĩ khác hẳn, chứ không phải cách “vui chơi có giải” xì xụp đọc vài bài lèo tèo, đem bốn hòn gạch tứ tuyệt sang Thụy Điển để khoe lâu đài thơ thì buồn cười lắm. Ở quê người ta đánh cá bằng cách thả lưới, rồi gõ phèng la dồn đuổi, rút cục nhấc lưới nhặt được vài con cá tép to cỡ ngón tay. Đó là hình ảnh bữa tiệc vinh quang của văn thơ Việt. Muốn săn cá voi, chúng ta phải đóng tầu lớn vượt biển đi đến những vùng nước lạnh, săn được cá rồi thì tầu phải đủ công xuất và chỗ chứa để chở cá về. Liệu có mấy nhà thơ, nhà văn của chúng ta sắm tầu để săn cá voi?

Vinh quang văn thơ của chúng ta chủ yếu mới chỉ là mây tre đan xuất khẩu. Hàng triệu gói tăm tre đâu có thành tầu sân bay? Hàng tỉ viên gạch đâu có thành lâu đài? Vạn ức mây tre đan có bõ một nguyên tử phóng xạ? Nếu cứ quanh quẩn với tư duy làm duyên chân đất đánh giậm tép ao chuôm thì bao giờ chúng ta mới có tác phẩm xứng tầm thời đại?

Vinh quang của văn thơ là tiếng sột soạt của giấy đang lật dở hồi hộp âm thầm nóng chảy nôn nao xao xuyến tha thiết bất khả cưỡng như nhịp đập của con tim. Là nhà văn, nhà thơ thì nên khao khát thứ vinh quang đó, chớ nên ham hố vinh quang thả lưới mấy vần thơ vớt được cả phèng la, cả thẻ hội, cả giải, và cả ghế ăn trên ngồi trốc.

NHĐ  08/01/2014

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013: - Giải phi Văn chương

Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013: - Giải phi Văn chương

Thứ tư - 29/01/2014 13:29
Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013: - Giải phi Văn chương


TỰ LÀM KHÓ MÌNH
Một bài viết trên báo lề phải Sức khỏe& Đời sống, nhưng rất đáng đọc. Rất đáng trách hằng trăm tờ báo gọi là Văn nghệ, từ Trung ương đến các tỉnh thành, kinh phí bao cấp do nhân dân đóng thuế nuôi, lại cứ tụng ca phe cánh, đú đởn bè phái, không dám động chạm Hội Nhà văn vì các quan văn nghệ đầu đường xó chợ sợ quan văn nghệ Trung ương không kết nạp...Tưởng rằng các cụm từ "lợi ích nhóm""tư duy nhiệm kỳ" trong nghị quyết của đảng chỉ xảy ra ở lĩnh vực kinh tế xã hội, ai dè nó đầy rẫy trong văn chương mậu dịch.
Bởi vậy, cư dân mạng rất thích đọc Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Hoàng Đức, Đỗ Hoàng, Nguyên Hải, Trần Mỹ Giống, Hồ Thanh Ngân, Vũ Đình Ninh, Thạch Minh, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Đào Hiếu, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh...trên các trang mạng. Giờ xin mời quý vị đọc chút báo trên báo"lề phải có lương tâm"với đồng tiền thuế nhân dân:

Ảnh: Hai nhà phê bình Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Hoàng Đức, khắc tinh của bọn người chạy giải.
20/01/2014 13:00
Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2013:

Tự làm khó mình?

Giải thưởng thường niên năm nay người ta thấy phần lớn là những gương mặt hoặc đã quá “nhàu” hoặc lạ hoắc như thể không còn gì để xếp đầy “mâm cỗ tất niên”, nên đành vậy. Bởi lẽ, như luật bất thành văn, cứ đến mùa thứ 5, mùa của giới văn nhân, bao giờ mà chẳng có giải, giống như các cụ nhà ta thường bảo “cỗ nào chẳng có thịt gà”, năm hết Tết đến, không có giải, mất vui.Vì thế, không ít người cho rằng Hội Nhà văn đang tự làm khó mình xem ra cũng có lý.
“Méo mó, có hơn không?”
Giải thưởng năm nay được trao cho các tác phẩm: tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí; tập tiểu luận và bút ký về nghề văn Phút giây huyền diệu của Ma Văn Kháng; tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân; tiểu thuyết Nông dân của nhà văn Ba Lan Wladyslaw St. Reymont do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ.
Tự làm khó mình?
Có thể nói, Ma Văn Kháng là một nhà văn gạo cội của làng văn chương Việt, người dường như đã quá “no” các giải thưởng, trao thêm một giải thường niên nữa liệu có làm cho tiếng tăm của ông tăng thêm chút nào hay chỉ làm khổ ông thôi. Dư luận cho rằng lý do duy nhất để trao giải cho tác phẩm của ông chỉ mang tính chất hiếu hỉ theo kiểu “kính lão đắc thọ”. Vì trong giới lý luận phê bình, dạng các tác phẩm như hồi ký, bút ký cá nhân, tự truyện... chỉ được xem là “cận văn chương” chứ chưa phải là văn chương đích thực nên không thể bàn về chất lượng nghệ thuật.
Không biết đây là chuyện mừng hay lo, vui hay buồn khi một thành viên Hội đồng chấm giải cho hay, đến phút 89 mà vẫn không tìm ra bất cứ tác phẩm nào khả dĩ đại diện cho mảng văn xuôi mùa này, cuối cùng, tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí vừa đặt lên bàn xem xét và bỏ phiếu, ngay lập tức đạt số phiếu tuyệt đối (9/9). Một đại diện Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) trao đổi với báo giới về tập truyện ngắn này đã cho hay: “Đây là một phát hiện lớn của giải thưởng hội năm nay...”. Nhưng cũng từ sự “phát hiện” này có người lo ngại, giải thưởng văn chương năm nay có xu hướng đề cao loại văn chương “huỵch toẹt”, “bốp chát”, “bặm trợn” cũng như những tác phẩm thuộc loại “làng nhàng” khác. Có người còn nghĩ quá đi, tương lai có thể loại văn chương viết về những tên buôn lậu ma túy, các má mì gái mại dâm, những tên cướp giật đường phố, bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ qua biên giới... bất luận là có hay không có văn chương đều có thể đoạt giải. Dường như trong những năm gần đây, không ít người cố tình đề cao một cách thái quá loại văn chương này, đẩy nó lên thành mặt “hàng độc”, “quí hiếm”, cần phải tôn vinh, cổ vũ (!?)
Những lớp sóng ngôn từ là tập thơ đuối nhất so với mặt bằng thơ những năm gần đây cũng như so với các tác phẩm đoạt giải năm nay. Nhiều bài viết như nói, chẳng phải thơ, cũng không ra văn xuôi, nó chỉ khác là những câu nói bình thường, nhưng tác giả rất “chịu khó” xuống dòng.
Tiểu thuyết Nông dân - một tác phẩm đã từng đoạt giải Nobel văn học năm 1924, được Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ cũng nhận được giải văn học dịch năm nay. Chất lượng nghệ thuật của tác phẩm gốc đã được cả Hội đồng văn học Giải Nobel quốc tế kiểm định từ cách đây gần thế kỷ, khỏi phải bàn. Có người bảo, với đà này, thời gian tới, cứ “đè” những tác phẩm đoạt giải Nobel của thế giới ra mà dịch, chắc chắn sẽ đoạt giải. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp dịch cho rằng tác phẩm còn khá nhiều lỗi khi chuyển ngữ, nhất là khả năng Việt hóa một số thuật ngữ có yếu tố Hán - Việt là không chuẩn.
Đi tìm nguyên nhân “vì sao nên nỗi”
Tất cả những người được giải năm nay đều thuộc lớp tuổi U 60, trẻ nhất là Nguyễn Trí (sinh năm 1958), tiếp đến là Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1945), rồi đến Mã Giang Lân (sinh năm 1941) và cuối cùng là Ma Văn Kháng (sinh năm 1936). Như vậy, có thể nói, không có gương mặt nào trẻ về tuổi đời được giải năm nay.
Tuy nhiên, năm nay, cả bốn tác phẩm đoạt giải đều nằm trong tầm “soi” của dư luận. Nhiều người cho rằng các tác phẩm nói trên đều “có vấn đề” về mặt chất lượng nghệ thuật.
Theo lẽ thường tình, bản thân tác giả và những tác phẩm được trao giải những năm trước đây cũng như sẽ trao giải năm nay không có lỗi gì, vì chẳng mấy ai cầm bút viết văn, làm thơ cốt vì giải. Chuyện xét giải là việc của Hội đồng chấm chứ tác giả làm sao quyết định được? Thế nhưng cũng không thiếu chuyện ì xèo rằng người này, người nọ bằng uy tín tuổi tác, nghề nghiệp, quan hệ thân sơ với nhiều thủ thuật khá tinh vi đã tác động nhất định đến các thành viên Hội đồng, làm cho cán cân công lý nhiều khi chao đảo, thậm chí chệch hướng.

Ảnh: Những tác phẩm nội dung dở chạy giải giỏi: Trường ca chân đất văng cứt vào thơ, Giờ thứ 25 đạo văn, Màu tự do của đất hay Màu tự do quê một cục...

Theo chúng tôi, nguyên nhân sâu xa nhất xảy ra tình trạng trên là sự thiếu công khai minh bạch các tiêu chí cũng như quá trình xét giải. Từ nhiều năm nay, những tác phẩm được giải, công chúng chưa hề biết mặt mũi nó ra làm sao, đến khi tác phẩm được giải họ mới mắt tròn mắt dẹt, chẳng hiểu cơ sự ra làm sao. Có người còn mạnh mồm nói trắng ra rằng những tác phẩm được giải là không đáng đọc. Dư luận cho rằng trong việc xét giải lúc này, lúc khác đã bị lợi ích nhóm và các yếu tố tiêu cực chi phối. Dù đấy chỉ là ý kiến của một vài cá nhân nào đó, nhưng cũng đủ để tạo nên một màn sương đục làm hoen ố ít nhiều giải thưởng văn chương, một trong những giải thuộc loại cao quý.
Thiết nghĩ, một hội nghề nghiệp có uy tín và đã ra đời cách đây gần 60 năm (1957) như Hội NVVN cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bộ tiêu chí nào làm cơ sở khoa học cho sự định giá tác phẩm văn chương. Nếu có bộ tiêu chí thực sự khoa học để đánh giá tác phẩm cũng như công khai quá trình xét chọn tác phẩm, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự ỉ eo, đàm tiếu của dư luận về những áp lực từ lợi ích nhóm, từ những việc tiêu cực (nếu có), từ quan hệ thân sơ, những lá phiếu cảm tính và nhất là sự tắc trách trong khâu đọc và thẩm định tác phẩm.
Hà Ngân