Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói Vô Lối Nguyễn Quang Thiều nốc ao! Mấy năm trước tôi có nhiệm làm tiêu binh cho các cuộc quy tiên của các nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hôm ấy có đám tang của nhà văn Kim Lân ở nhà tang lễ Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tôi vừa gửi xe đi bách bộ vào chỗ lễ thì gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa nổi tiếng từ bé, nên tôi hay gọi Thần Đồng để xưng hô, vì tôi lớn hơn Khoa 10 tuổi mà chẳng danh giá gì!
Trần Đăng Khoa là người kỳ tài trong việc thẩm thơ.
Hồi tôi đang làm biên tập ở tờ Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, một lần đến nhà riêng anh xin bài thơ “Lính trẻ” để in trên Tạp chí.
Nhà Thần Đồng lúc ấy đang là căn hộ tập thể được quân đội phân cho trên đường Lý Nam Đế.
Vào nhà thấy tập thơ “ Sóng Reo” hay “Suối Reo:” gì đó của Nguyễn Đình Thi tặng Trần Đăng Khoa.
Tôi chưa nói gì thì Khoa đã mỉa:
- Bác thấy đó, tập này dở hết chỗ nói.
Tôi trăm phần trăm khâm phục:
- Thần Đồng thật là có con mắt xanh hơn người!
Tôi càng phục Khoa từ đó.
Nhưng Khoa không bao giờ làm mất lòng ai. Chắc Khoa đã học cách ứng xử của các nhà thơ tài danh lớp trước như Xuân Diệu, Huy Cận. Không thích thì cười cho qua.
Rồi Khoa làm được mấy cai chức còi nên Khoa càng im lặng. Kiểu mặc mẹ chùng mày, ông phải lo cơm ăn áo mặc, việc gì chen vào bình phẩm ba cáiVô lối của chúng mày!
Đi lên gần Khoa, tôi nói: - Thần Đổng cũng đi đưa tang Kim Lân à?
Khoa cũng cười nhưng không vào chủ đề mà lại nói:
- Bác đả Nguyễn Quang Thiều hay đấy!
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Thần Đồng cũng đọc mạng sao? – Tôi hơi ngạc nhiên.
Khoa cười: - Bác tưởng bọn chúng tôi không đọc mạng đấy chắc? Tôi là một cư dân mạng!
Hóa ra vừa rồi, nhân Nguyễn Quang Thiều đưa lên cái bài “Tấm Thảm Thổ Nhĩ Kỳ” bị la ó, tôi đọc nó tôi thấy đúng là một thứ bà dằn vô tích sự, thơ không ra thơ, văn không ra văn, một loại quái thai của văn chương mà lại được đám ba đầu sáu tay tung hô hết cỡ, tôi liền chuyển nó ra thể thơ song thất lục bát và lục bát để cho mọi người còn biết nó là cái gì. Tôi không ngờ Khoa lại đọc nó.
Tôi nói: - Tôi định viết một bài phê phán hoàn chình nhưng chưa làm xong!
Khoa nói ngay: - Bác đả thế là Nguyễn Quang Thiều nốc ao rồi, không cần nhiều lời nữa!
Hà Nội ngày 15 - 5 -2012
Đỗ Hoàng
Trích bài tham khảo
Dịch vô lôi - Nguyễn Quang Thiều
CÓ THẬT " THƠ KHÔNG ĐỂ HIỂU..." ?
Trần Mạnh Hảo
Báo Văn Nghệ tết Canh Dần ( số 6+7+8 -2010) trang 54 có in bài "Thơ không để hiểu..." của tác giả Nguyễn Chí Hoan, ghi chú dưới "tít" bài : "Đọc "cây ánh sáng", tập thơ của Nguyễn Quang Thiều, NXB Hội Nhà Văn 2008". Cũng cần phải nói thêm, cuối "tít" bài thấy xuất hiện ba chấm chấm (...) dụng ý tác giả muốn đưa ra một khái niệm đầy đủ nối với ba chấm chấm đầu bài viết ...rằng : " THƠ KHÔNG ĐỂ HIỂU MÀ ĐỂ TƯỞNG TƯỢNG". Khái niệm quá mới mẻ của Nguyễn Chí Hoan : " Thơ không để hiểu mà để tưởng tượng" dùng làm công cụ giải mã tập thơ "Cây ánh sáng" của Nguyễn Quang Thiều; người đọc, tất nhiên phải hiểu đấy là một sự khái quát bàn về thơ nói chung. Nếu tác giả muốn dùng thước đo quá riêng biệt của mình là : "Thơ không để hiểu mà để tưởng tượng" để lý giải riêng trường hợp thơ Nguyễn Quang Thiều, thì cái "tít" phải là : " Thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra không để hiểu mà để tưởng tượng"...
Trong bài viết này, chúng tôi không bàn về tập thơ "Cây ánh sáng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mà chỉ xin phép bàn về quan niệm thơ rất khác thường của Nguyễn Chí Hoan : " Thơ không để hiểu..." và vế thứ hai của mệnh đề : "...Mà để tưởng tượng" của ông mà thôi.
Văn học nói chung và thơ nói riêng vốn là nghệ thuật ngôn từ, sinh ra để truyền cảm, làm xúc động trái tim con người, đi từ TÌNH CẢM tới NHẬN THỨC. Hay nói một cách khác : văn học được nhận thức bằng tình cảm. Một tác phẩm văn học không hướng tới chân thiện mỹ, không có tính thẩm mỹ, dù tư tưởng của nó cao siêu đến đâu cũng quyết không phải là một tác phẩm nghệ thuật. Khác với toán học, vật lý học, hóa học...dùng công cụ duy nhất là hiểu biết để khám phá quy luật khách quan của thế giới vật chất, một tác phẩm thi ca đề cao sự sáng tạo chủ quan của người nghệ sĩ không đặt vấn đề cốt lõi "hiểu" hay "không hiểu" ra làm tiêu chí tối hậu, mà đặt ra lý do tồn tại của nó rằng thẩm mỹ hay không thẩm mỹ ? Một tác phẩm văn học nói chung, một tác phẩm thi ca nói riêng nếu đã đặt được cái "mỹ" ( Cái Đẹp), tức nhiên nó đã bao hàm cả cái "chân" ( hiện thực) và cái "thiện" ( cái tốt).
Dùng thước đo "hiểu" hay "không hiểu" để tìm bản chất của nghệ thuật thi ca, chúng tôi ngờ tác giả Nguyễn Chí Hoan đã đi lạc vào lĩnh vực khoa học tự nhiên, hay chí ít cũng lạc vào khu rừng triết học nơi các đệ tử của Socrate dùng sự hiểu biết để khám phá ra quy luật của các quy luật sinh tồn...chăng ?
Tiêu chí HAY hay dở, truyền cảm hay không truyền cảm mới là thước đo định giá trị của thi ca chứ không phải "không hiểu" hay "dễ hiểu" là phương pháp tiếp cận thơ lầm lạc của Nguyễn Chí Hoan. Do sự hiểu sai bản chất của thi ca như thế, nên khi Nguyễn Chí Hoan áp dụng vào trường hợp cụ thể là bài "thơ" dưới đây, dùng làm dẫn chứng của bài viết, rằng thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ra để chống lại sự hiểu, chống lại nhận thức, cốt chỉ để tưởng tượng mà thôi, xin trích lại sự trích dẫn của tác giả bài viết :
"...Một thí dụ tiêu biểu về câu chuyện trong thơ ở tập này là bài thơ "Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ", toàn văn như sau :
Bài " thơ " Nguyễn Quang Thiều
Lịch sử Tấm thảm Thổ Nhỹ Kỳ
" Người hướng dẫn : Được dệt thủ công bởi một người đàn bà Thổ Nhĩ Kỳ
"Người mua : Mua lại từ một ông già da đen Cuba ở Havana năm 1986
"Chủ nhân : Qùa tặng của con trai tôi. Được treo trên bức tường này 21 năm
Lúc gần sáng tiếng những cành khô gãy
Những con nai cái mùa động đực
Chủ nhân bức thảm 87 tuổi tỉnh giấc uống trà nguội
Những con nai đực ngùn ngụt
Ngôi nhà như không bao giờ mở cửa
Một bà già đi tiểu lần thứ 5 nói : "Mẹ đau lắm"
21 năm tấm thảm không thay đổi chỗ treo
Người đàn ông 50 tuổi thường trở về và đứng
Trong ngôi nhà nửa bóng tối
Tràn ngập tấm thảm tiếng hô hoán
Và phía sau tấm thảm
Một lưỡi dao lạnh lùng đợi
Và một cái chảo sùng sục sôi
Người hướng dẫn : Những ngón tay người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ giờ bị liệt
Người mua : ông già da đen Cuba đã tự vẫn
Chủ nhân : Tôi chỉ nhớ gương mặt con trai tôi khi nó mở bức thảm ra
Có một người lúc nào cũng rét
Đứng nhìn tấm thảm
Hai bàn chân bị đông cứng trong vũng máu
Ở chân tường
Người hướng dẫn : ( đã bỏ nghề)
Người mua : hình như không phải tấm thảm tôi đã mua
Chủ nhân : Tôi nhìn thấy những người thân đã chết cháy nấp sau những gốc cây trong tấm thảm
Bây giờ là năm thứ hai
Hết bài thơ Nguyễn Quang Thiều
Sau đó là gần một nửa bài nhà Nguyễn Quang Thiều học Nguyễn Chí Hoan dùng "lí luận" để giải thích bài thơ trên, mong giúp độc giả HIỂU ĐƯỢC sự KHÔNG HIỂU kia ! Thật là một trò trốn tìm thú vị. Bài thơ trên của Nguyễn Quang Thiều sinh ra, theo lí luận của Nguyễn Chí Hoan là cốt để "không hiểu", cốt để "tưởng tượng " mà thôi ! Sau đó thì nhà lí luận thi ca theo trường phái " kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà" kia giúp độc giả phiên dịch cái sự "KHÔNG HIỂU" kia thành sự HIỂU ...Vậy thì các ông đặt vấn đề KHÔNG HIỂU là mục đích của thơ ca ra làm gì ? Để rồi các ông lại phải dùng SỰ HIỂU giải mã bài thơ "không thể hiểu" trên? Nguyễn Chí Hoan càng giải mã bài thơ trên của Nguyễn Quang Thiều chúng tôi càng tắc tị, tuyệt nhiên không hiểu gì, hiểu được chết liền !
Cái gọi là bài thơ :"Lịch sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ" trích trên của Nguyễn Quang Thiều sinh ra trong sự mất trí của thi ca ( thơ không để hiểu) nên nó chỉ phục vụ cho mục đích hũ nút mà thôi ;nên nó tuyệt nhiên không có chút truyền cảm nào. Mà không có dấu vết của sự truyền cảm, của rung động thì theo chúng tôi, có dùng lí luận "con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi" theo kiểu phương pháp tiếp cận thi ca lầm lẫn của Nguyễn Chí Hoan cũng không thể biến con con gà bới bếp thành con công thi ca được...
Không có sự truyền cảm, sự rung động, không có cái hay cái đẹp đi kèm theo những con chữ thì không thể gọi chúng là thi ca. Dù mỗi bài thơ theo kiểu "tấm thảm" của ông già Khốt ta bít trên bao giờ cũng có nhà giải mã Nguyễn Chí Hoan kè kè bên cạnh dẫn giải, cũng không thể làm rung động lòng người. Vì cái rung động lòng người do thi ca mang lại thường là trực giác, tức thì, không cần lời giải thích vòng vo tam quốc. Ví như Truyễn Kiều của Nguyễn Du đã làm hàng vạn người dù không biết chữ rung động, đâu có cần các nhà hàn lâm dông dài dẫn giải ? Trước một cô gái đẹp, trước một vầng trăng đẹp, trước một câu thơ hay, một bài thơ hay con người bị truyền cảm một cách tức thời, một cách trực giác...
Đưa thi ca vào cõi mất trí, cõi không hiểu, để rồi đi vòng vo lí giải giúp người ta hiểu được cái sự không hiểu của nhà thơ chính là phương pháp giết thơ nhanh nhất do nhà lí luận "phản nhận thức" Nguyễn Chí Hoan vừa khám phá ra, để làm món quà tặng ngày thơ Việt Nam trên báo Văn Nghệ số tết Canh Dần. Không có sự hiểu biết, không có chính đời sống con người, chứ chưa nói đến những sản phẩm của con người như tôn giáo, khoa học, nghệ thuật...
Lầm lẫn phương pháp tiếp nhận thi ca bằng cách đuổi sự hiểu, đuổi lí trí, đuổi nhận thức ra khỏi thi ca, Nguyễn Chí Hoan còn không hiểu nổi ngữ nghĩa của từ "hiểu" và từ "tưởng tượng". Xin ông Nguyễn Chí Hoan hãy xem lại từ điển Tiếng Việt để thấy rằng, khi ông tách tưởng tượng ra khỏi sự hiểu ( thơ không để hiểu mà để tưởng tượng) chính là ông đang tách cá ra khỏi nước đấy...Không có một sự tưởng tượng nào của con người nằm ngoài sự hiểu biết, nằm ngoài lí trí, nằm ngoài nhận thức...Tưởng tượng có thể ví như hoa trái của sự hiểu biết, của lí trí, của nhận thức. Hay nói cách khác, sự hiểu biết và sự tưởng tượng là một quá trình đồng thời, không phải là bước thứ nhất rồi mới đến bước thứ hai. Tưởng tượng chính là ký ức về quá khứ hay những hình dung về một thế giới chưa có thật, không có thật xuất hiện trong sự kiểm soát của lí trí, của sự hiểu biết nơi con người...Bảo thơ sinh ra không để hiểu mà để tưởng tượng như Nguyễn Chí Hoan, vừa hết sức sai và hết sức buồn cười vậy .,.
Sài Gòn ngày 26-02-2010
T.M.H.
Đỗ Hoàng dịch Vô lối "Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ" ra thơ Việt
Người viết cứ viết ra theo sự suy nghĩ chủ quan của mình. Sau đó người ta phân và chia ra làm nhiều thể loại như: Văn, thơ, phú, tế, hịch, ca dao, tục ngữ, vè, nói lối, hát vui chơi, nói vui chơi...
Thời hiện đại các tác giả cũng có nhiều cách viết, cách nói, cách lập ngôn nhưng chưa thấy các nhà phê bình phần loại thể. Tôi đã có nhiều lần đề nghị với tư cách cá nhân khi thấy nhiều người viết ra nhiều kiểu lạ mắt lạ tai, thấy thơ cũng không phải thơ, văn cũng không phải văn, dịch cũng không phải dịch, truyền thống cũng không phải truyền thống; người trẻ cũng có, người già cũng có; tộc người đa số cũng có, tộc người thiểu số cũng có; các kiểu viết ấy nên gọi với cái tên phân thể loại là "Vô lối". Từ "Vô lối" cũng đủ giải nghĩa các kiểu viết trên. Đại biểu cho kiểu "Vô lôi" này là Thanh Tâm Tuyền, Lê Văn Ngăn, Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Phú Trạm Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Vũ Thuật...
Xin dịch bài "Vô lối"
Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ
Tác giả Nguyễn Quang Thiều
"Tấm thảm Thổ thăng trầm thiên biến,
Hướng dẫn viên dẫn chuyện rõ ràng:
- Thảm này dệt sợi dọc ngang,
Một bà Thổ có tay vàng làm ra.
Người mua lại một ông già,
Da đen quốc tịch Cu Ba rạch ròi.
Ở Ha va na hẳn hoi.
Vào năm tám sáu cũng thời mới đây.
Chủ nhân nói: - Tấm thảm này,
Quà con trai tặng cho thầy u thương!
Hai mốt năm treo trên tường.
Cỏ cây muông thú lạ thường hiển linh (1)
Sớm khuya vang vọng quanh mình,
Tiếng cây, tiếng suối thập thình đâu đây.
Tiếng nai gọi bạn hao gầy,
Mùa sinh sôi giục đàn bầy đến nhanh.
Chủ nhân tám bảy xuân xanh.
Sáng xơi trà nguội đã thành thói quen.
Những con nai đực khát thèm,
Nhưng nhà đóng cửa cài then chặt rồi.
Bà già năm lượt đi ngoài,
Lưng còng chân yếu kêu lời xót đau.
Thảm không dịch chuyển đi đâu,
Hai mốt năm vẫn gắn đầu chỗ treo.
Ông năm mươi tuổi dáng nghèo,
Trở về thường đứng vai đeo túi hờ.
Ngôi nhà tối sáng mập mờ,
Tràn lên tấm thảm tiếng hô hoán đầy.
Phía sau tấm thảm ai hay?
Lưỡi dao sắc lạnh đợi ngày bén xơi.
Một cái chảo sùng sục sôi,
Hướng dẫn viên: - Bà Thổ quả thiệt thòi tấm thân.
Mù loà liệt cả tay chân.
Người mua lại kể ngọn ngành xảy ra.
Ông già da đen Cu Ba,
Khốn cùng tự vẫn thế là đi tong.
Chủ nhân bày tỏ thật lòng:
- Nhớ con trai gương mặt hồng như hoa.
Chính lúc tấm thảm mở ra,
Một người lạnh cóng như là chết khô
Đứng nhìn tấm thảm trống trơ,
Hai chân đông cứng lặng tờ máu tươi.
Hướng dẫn viên bỏ nghề rồi.
Người mua quên bẵng một thời mình mua.
Chủ nhân: Tôi bạn khiếp chưa?
Người thân chết cháy chẳng lưa thứ gì,
Gốc cây trong thảm thâm sì.
Bây giờ là đúng năm nhì ai ơi!
(1) Người dệt tài tình đến mức cây cỏ, muông thú trog tấm thảm trở thành sinh linh có sức sống ngoài đời chạy nhảy.
Hà Nội, ngày 7 - 3 - 2010
Đỗ Hoàng