Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Đỗ Hoàng - Tưng tửng sống...

Đỗ Hoàng - Tưng tửng sống..


                              Nhà thơ Đào Tiến

TƯNG TỬNG SỐNG…
 
Quý tặng Thi sỹ Đỗ Hoàng

      Kể ra con người có nhiều cái lạ, sự lạ càng bí ẩn, càng khó hiểu thì cái sự lạ ấy mới là hay. Bởi cái hay ấy nó rất lạ mà càng lạ thì càng gây ra sự tò mò, mà càng tò mò lại càng thú vị… Sự thú vị ấy được nâng lên đến mức nghệ thuật thì mới quý, mới trọng . Còn những gì đã rõ mười mươi rồi thì có gì là lạ, có gì là hay.
     Tôi tình cờ gặp anh một con người hơi lạ. Anh uống rượu và uống mãi không say, càng uống lại càng tỉnh tình tinh, thế mới sướng chứ .Tưng tửng uống, tưng tửng nói và tưng tửng từng tưng cái đời thường mà mọi người sướng mà chẳng dám nói ra… sự đời là thế.
   Vô tư đến tưng tửng cái đời thường để anh sống, anh làm việc dù có nhọc nhằn trên biển chữ cuộc đời anh vẫn tưng tửng thế thôi. Dẫu có lúc người đời chưởi anh là khùng, là ngu gì gì ấy… và cũng có những người thương và đồng cảm với anh. Anh vẫn tưng tửng uống rượu, tưng tửng viết.
  Viết và uống rượu đến thánh thần cũng kiêng nể thế mới sướng. Với hơn 30 đầu sách gồm nhiều thể loại như thơ, văn… và các tác phẩm dịch thuật của anh dù ít hay nhiều cũng đóng góp vào ngôi nhà chung trong cuộc sống đời thường, trong văn hóa dân tộc và thế giới.
  Cuộc sống còn biết bao bộn bề công việc của mỗi con người, nhưng nếu ai đó có được cái duyên với tác giả dù chỉ một lần được đọc tác phẩm của anh cũng thực sự là có duyên với nhau.



                            Nhà thơ Đỗ Hoàng
 
  Đặc biết hơn nếu được ngồi đàm đạo với anh về tác phảm “Kiều Thơ” thì ta mới thực sự ngỡ ngàng với vồn kiến thức sâu rộng của anh từ kim cổ đến đông tây cứ tưng tửng hòa vào 6 122 câu thơ lục bát được chắt lọc trong tâm hồn và thể xác của anh.
  Khi viết xong tập “Kiều Thơ” thi sỹ Đỗ Hoàng như lạc vào cõi mộng du. Cũng từ nơi sâu thẳm ấy anh chỉ mong sao một ngày gần nhất được cung kính thắp nén tâm hương trước Đại thi hào
Nguyễn Du, xin được thưa với bậc tiền nhân trong thời đại ngày nay con cháu đã dám mạo phạm viết “Kiều Thơ” dẫu còn nhiều khiếm khuyết nhưng cũng đã phần nào sẻ chia với cuộc đời còn bao nắng mưa vất vả. Xưa và nay cuộc đời vẫn nhọc nhằn vẫn dâu bể thế thồi. Nếu ai chưa đọc tập “Kiều Thơ” của thi sỹ Đỗ Hoàng là một sự thiếu hụt trong cuộc sống hôm nay!

  *
   Và ngày ấy đã đến như một phép nhiệm màu! Gia đình tôi mời thi sỹ Đỗ Hoàng về Tiên Điền đúng vào mùa thu năm 2010, cũng là năm đất nước tổ chức kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long.
  Hôm đó chúng tôi đi trong mưa gió… Nhưng kỳ lạ thay, khi đến Tiên Điền đứng trước tượng đài Nguyễn Du, khi thi sỹ bùi ngùi thắp nén tâm hương, miêng lầm rầm khấn lạy thì bỗng dưng trời tạnh bừng sáng. Tôi không nghe Đỗ Hoàng khấn như thế nào, nhưng khi tạm biệt ra về, tôi cảm nhận Đỗ Hoàng vừa trút bỏ mộng du, nét mặt anh bừng sáng.
  Anh nói với tôi: “Tiến à! Anh cảm ơn cô chú đã giúp anh đến thắp nén tâm hương để tỏ long thành kinh trước đại thi hào Nguyễn Du. Người đời và các văn sỹ… sẽ có nhiều ý kiến  khác  nhau về tác phẩm “Kiều Thơ” của anh, nhưng anh tin rằng đó cũng là một đóng góp đáng kể vào nền thi ca nước nhà. Anh cảm ơn hai em!”
  Vừa ngồi vào trong xe ô tô thì trời lại tiếp tục mưa cho đến khi chúng tôi về đến Hà Nội. Mưa cứ tưng tửng như thế. Mưa rơi không cần biết mưa rơi vào đâu. Chỉ biết rằng mưa cũng như văn thơ… làm cho cuộc sống ngày một tốt hơn, đẹp hơn!

                                             Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 2013
                                                          Đ - T
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét