Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Nhà thơ Kim Chuông - Bút lực dồi dào, tài hoa

Nhà thơ Kim Chuông - Bút lực dồi dào, tài hoa!

Thứ hai - 21/10/2013 16:33

Nhà thơ Kim Chuông

  alt
Kim Chuông - nhà thơ dồi dào bút lục
 
Quanh co mãi mới tìm được ngôi nhà 126- Khu Cái Tắt 3, phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng), nơi tổ ấm mà nhà thơ Kim Chuông tìm về sau hơn 40 năm cầm súng và cầm bút đầy sóng gió. Năm 1965, Kim Chuông đi bộ đội, là phóng viên báo Quân khu Tả Ngạn, sau đó là Trưởng Ban biên tập xuất bản Văn học,Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Thái Bình và Phó tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo Thái Bình. Bây giờ Kim Chuông trở lại quê mẹ Hải Phòng, sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Cảng.

NHÀ THƠ KIM CHUÔNG


Kim Chuông là nhà thơ dồi dào bút lực trong các đề tài cuộc sống mà ông trải nghiệm. Ông có khả năng viết nhiều thể loại văn học. Về văn xuôi có: “Nửa khuất mặt người” (tiểu thuyết - NXB Hội Nhà văn - 2005, tái bản 2005) - “Dưới đám mây xa” (Tập truyện ngắn -2009). Ông cũng đã viết, in chung 6 tập bút ký tư liệu và một tập tiểu luận: “Nhìn từ áng văn chương” - NXB Hội Nhà văn - 2005. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Kim Chuông đầy ắp hơi thở cuộc sống, khơi dậy nhiều vấn đề trong suy ngẫm, trải nghiệm và luôn ngân rung chất thơ. Kim Chuông viết phê bình sắc sảo mà tinh tế. Cái quan trọng nhất trong các bài phê bình của ông bao giờ cũng có những phát hiện riêng và luôn hướng tới những giá trị thẩm mỹ. Cách “phê” của Kim Chuông đầy tính nhân văn, với thái độ chân tình, ấm áp, bằng cách nói giản dị, hình ảnh, dễ giúp người khác nhận ra những cái được, cái cần vươn tới qua sở trường, sở đoản ở từng tác giả và trên mỗi trang viết.
Tuy nhiên, phần để tạo thành chân dung Kim Chuông, vẫn là sáng tác thơ. Ngay từ năm 1986, tập thơ “Hoa nở ngày em đến” của Kim Chuông được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành hơn một vạn cuốn. Kim Chuông viết say mê nghiêm túc. Ông  tâm sự: “Trách nhiệm của người cầm bút là phải thật chân thành, tâm huyết. Nghĩ gì, viết gì trước giá trị hữu ích, trước đời sống xã hội, con người …” Có lẽ vì vậy, Kim Chuông có bài “Hạt thóc”, được in trong sách tiếng Việt lớp 1 và lớp 3 phổ thông. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Chung, nhận xét: “Thơ Kim Chuông bộc lộ tiếng nói giàu nghĩ suy và cảm xúc. Thơ với niềm đam mê trăn trở của một con người, một tấm lòng trước cuộc đời rộng lớn”. Đọc thơ Kim Chuông đã hay, nhưng nghe Kim Chuông đọc thơ mới thấy hết cái hay của nó. Mỗi lần, nghe nhà thơ “trình diễn” thơ mình, quả tình mắt, mũi chân tay anh “đều đọc cả”. Hình như, trong anh có sắc màu sân khấu (Kim Chuông từng viết chèo và viết nhiều vở diễn). Những lần, nghe Kim Chuông đọc thơ, nhìn anh như lên đồng, người nghe ngỡ bị anh mê hoặc, “bỏ bùa”. Trong giới thiệu chân dung nghệ sĩ, nhà thơ Võ Bá Cường, Nguyễn Bùi Vợi, đã gọi “Kim Chuông là nhà thơ lãng tử”. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết “Thơ Kim Chuông hào hoa và đào hoa”. Còn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bình luận: “Thơ Kim Chuông luôn tạo được chất men say trong cảm xúc. Kim Chuông luôn trở trăn ở sự chiêm nghiệm, giãi bày. Ông tự bạch: “Tháng năm làm cuộc hành trình/ Tôi khao khát đến được mình và thơ…”
Với văn chương, Kim Chuông đã đi qua một chặng đường dài hơn 42 năm và là người đi nhiều, viết nhiều. Ông đã có 23 đầu sách, trong đó 15 tập thơ lần lượt trình làng và đoạt nhiều giải thưởng văn học.
Hiện, Kim Chuông vẫn hăm hở đi và viết. Ông vẫn say mê nơi các diễn đàn văn học, ở nhiều buổi trò chuyện trước đông đảo công chúng. Và từ căn nhà nhỏ trong ngõ sâu này những áng văn chương của ông vẫn tiếp tục nở đều trên báo chí và văn đàn toàn quốc.

Thơ KIM CHUÔNG

 
THỊ MÀU
 
Thị Màu xưa của ta ơi
Tại trời cao, tại ông trời
                             trước tiên
Tại trời đã đẻ ra em
Núm cau chum chúm chồi lên yếm đào
Thắt lưng xanh quá ngọt ngào
Tạng anh chịu nổi làm sao nửa “chùy”
 
Màu lườm, Màu nguýt nữa đi
Bão giông cấp chín chắc gì đã hơn
Người đời thèm trận, thèm cơn
Thèm danh vọng, thèm tháp son, bạc vàng
Màu thèm chút “tỉnh tình tang…”
Thèm “cơn điên” cả thế gian vẫn thèm
Vị chua táo rụng bên thềm
Màu coi còn sướng hơn nghìn ngai vua
 
Không đâu, tạo hoá chẳng đùa
“Tình tang…”
                   yểm một lá bùa thăng hoa
 
Bảo Màu sống khác đi a ?
Màu mà sống khác
                   không ra Thị Màu.
                              19 / 10 / 2010
                                  
 
  
    GIẢI OAN  THỊ MÀU  
                       
 Đừng ai chê nữa, Thị Màu
Tôi yêu nàng nhất địa cầu này đây
Giá Màu , người của thời nay
Tôi thành kẻ cướp cao tay…
                                         chả đùa !
 
Bao người miệng lưỡi cay chua
Tội Màu ư, cái tội thừa lửa tim
Người ta biết dấu cái nhìn
Biết đem mình, tự nhấn chìm mình đi
 
Màu không.  Chả sợ qué gì
Yếm thì cứ tốc, oản thì cứ phơi
Sướng lên, bé cả ông giời
Tội thì Màu chịu ! Hơn ngồi nhịn suông
 
Lệ làng, cái lệ ẩm ương
Tội Màu, cái tội yêu thương con người
Trời sinh chuyện ấy trên đời
Gặp nồi, đã mở vung rồi thì thì ăn
Việc gì cứ phải lăn tăn
Miếng ngon, Bụt ứa chân răng…còn thèm
Quê mình có Thị Màu em
Nếm thêm miếng chả, miếng nem…
                                                       Chấp gì !
 
Thị Màu giờ mới quá đi
Chẳng e phép nước, ngại chi lệ làng
Ô kê ! Khi gặp bạn vàng
Hồn nhiên hai đứa “giải oan” Thị Màu…
                                            
                                10/ 2010
 
 
ANH NÔ 
 
Đời Nô làm kiếp tôi đòi
Ở đâu Nô cũng là người thừa ra
Trên răng, dưới “cat-tut” mà
Phú Ông cho ở đã là sướng rên
 
Trẻ trai, chỉ được cái hiền
Bảo mang xuống biển mà dìm cũng đi
Đã không thiết sống là gì
Trời đày Nô đến thế thì cũng chơi
 
Quanh năm lưng cõng nắng trời
Mặt Nô úp xuống mặt ngòi, mặt sông
Bóp đùi cho vợ Phú Ông
Sợ bàn tay bóp
Sợ lòng rối tinh
 
Thị Màu em mới thật mình
Màu đem lửa đốt Nô thành tro than
Ơn Màu
Ơn đến chan chan
Nhờ Màu Nô biết “thiên đàng” là chi
Nô đang ở tuổi xuân thì
Gặp Màu như thế làm gì chả điên
 
Bây giờ Màu nhận tội riêng
Màu cho Nô đứng bình yên vòng ngoài
Phó thường dân, lại bất tài
Tội Nô ai chấp ? Không ai muốn chòng
 
Ơn Màu, con gái Phú Ông
Đời Nô cũng được lưu trong tích chèo.
                                      11 -  2010
                                         K.C
Nô -  Nhân vật trong tích chèo Quan Âm Thị Kính
 
 
 
Lê Văn Luyện kẻ giết người khét tiếng ở Bắc Giang

CHI PHÈO

 
Chí còn nhiều lắm quanh ta
Chí thời nay mới bằng ba Chí Phèo
 
Vợ thì để đấy không yêu
Vài hôm lại một bồ đèo sau xe
Mình sai, mình trái lè lè
Động lên là vác gạch ghè mặt nhau
Yêu ư ? Quẳng xuống chân cầu
Gặp nhau chỉ vội ăn nhau rồi chuồn
 
Cướp nhà cao, cướp ruộng vườn
Đánh nhau cướp “ghế”, ra đòn cướp “phao”
Chí Phèo giờ ở tầm cao
Mặt đeo nhân nghĩa, lời dào dạt thương
Triệu Đô là cái “đinh rường”
Chí không dại
Rạch vết thương mặt mình
Giả danh này nghĩa, này tình
Mũi dao Chí dấu rập rình quanh ta
 
Chiều nay ngồi uống rượu mà
Một gian quán nhỏ gặp ba Chí Phèo.
                                                   K.C
 
 
KIM CHUÔNG
 

ĐẤT LÀNG
 
Đang chổng mông cấy lúa đồng
Bỗng nghe điện thoại bên hông đổ hồi
Giọng chồng nịnh vợ :  “Mình ơi !”
Trưa về “Quán gió” bia hơi, thịt cầy
 
Đất làng bán hết rồi đây
Chỗ lò mổ lấy, chỗ giầy da thuê
Cha ôm sổ bán số đề
Con mua xe sịn làm nghề “xe ôm”
Còn em tuyên bố ranh rờn
Em đi lên tỉnh vài hôm làm giàu
 
Quả nhiên, tay sáu vòng Tàu
Chồng không.
Nhưng bụng mang bầu đã to
Ba lần nhảy xuống sông Bo
Trời thương trẻ đẹp không cho trẫm mình
 
Đêm qua mở hội sân đình
Còn vành trăng với lung linh giọng chèo
Và còn giọt nước trong veo
Còn con thuyền với mũi neo cũ càng
 
Còn tình yêu với đất làng
Trong đôi mắt ướt mơ màng bạn …
                                                        tôi ! 
                                               K.C


Kim Chuông - nhà thơ lãng tử

 
 

            Nhà thơ Kim Chuông

Tôi có duyên may được gặp Kim Chuông cùng nhà văn Lê Lựu đệ đơn xin chuyển ngành từ Báo Quân khu Tả Ngạn về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình từ những ngày đầu Hội vừa thành lập.
Việc Kim Chuông về Hội văn nghệ và ngồi ngay chiếu giữa, được giới văn nghệ Thái Bình chấp nhận là lẽ đương nhiên, vì tài đức của anh.
Kim Chuông con cụ Đồ Vọng, người làng Thắng, Vĩnh Bảo- Hải Phòng. Làng Thắng nghèo. Nhưng, tự ngày nảo ngày nào, Cụ Đồ Nguyễn Vọng đã có bảy gian nhà gỗ do cụ tổ làm nghề Y để lại.
Năm mới mười sáu tuổi, cụ Đồ Vọng đã mở trường dạy chữ Nho tới 30- 40 năm. Mùa Đông năm 1981, hôm cụ mất, tôi có về viếng, gặp hình ảnh hàng trăm nho sinh quỳ lạy trước linh cữu thày. Mái tóc các nho sinh bạc trắng lẫn trong màu áo tang và hương khói. Ai nấy đi lại rón rén, ăn nói khẽ khàng, làm đúng nghi lễ của những môn sinh tiễn thầy về bên kia thế giới. Hôm ấy tôi mới thấy hết lòng sùng kính thầy dạy của các cụ ngày xưa. Đồng chí trưởng ban tổ chức thành uỷ Hải Phòng là môn sinh của Cụ đã nói:
- “Đám ma thày tôi hôm nay đã dạy cho tôi và thế hệ trẻ một bài học làm người”.
Từ nhỏ, một thời, nhà nghèo mà Kim Chuông lại giỏi chữ nghĩa. Điều ấy chứng tỏ anh là người hiếu học. Tôi đã đứng giờ lâu, nơi thuở nhỏ Kim Chuông kê cái bàn ọp ẹp, anh khoét tường đất để lọt cái chai đen đầy muội trên cổ vào cái hốc đó, để rồi đêm đêm ngồi viết, ngồi học chữ thánh hiền Cụ Đồ truyền lại.
Về Thái Bình Kim Chuông nhanh chóng quy tụ được bạn viết. Những năm chiến tranh phá hoại, tôi và Tường Lan cùng Kim Chuông đạp xe rong ruổi khắp nơi, có khi một hai ngày, có khi hàng tuần, nhưng chẳng lần nào chúng tôi về cơ quan đúng hẹn.
Đi đâu Kim Chuông cũng được công chúng đón nhận, yêu mến, vì anh có tài nói chuyện thơ, đọc thơ, để đến nỗi ông bố một cộng tác viên huyện Hưng Hà nghe tin nhà thơ đến, đã bỏ buổi cày đồng về nhà làm cơm đãi khách. Đêm ấy, nhà thơ ngồi ngắm vầng trăng ngâm nga đọc những bài thơ tình, khiến cô con gái ông đang rút rơm trâu cũng vội bỏ, vứt guốc ngủ dưới chân đống rơm rồi chân đất chạy về ngồi đầu hè nghe thơ đã.
Kim Chuông mang thơ đến công chúng bằng mọi cách, mắt anh lơ mơ, nghiêng ngó, mái tóc phủ xuống trán, đôi khi toá loa mồ hôi mà không biết. Anh làm việc ấy như có ma mực, vậy mà thù lao cho anh chỉ là cái ca men móm đựng rượu “Lậu”. Nhiều người nghe Kim Chuông nói đâm mê thơ. Khá nhiều người được anh bồi dưỡng thơ trở thành cộng tác viên của Hội, có người trở thành tác giả.
Có lần Kim Chuông  nói chuyện thơ với công nhân nông trường cói huyện Tiền Hải, tan cuộc chẳng ai muốn về cứ ngồi nán níu. Một cô gái tự nguyện xách đèn đưa nhà thơ lội bòm bọp qua đồng nước trắng về nơi nghỉ, đến trụ sở nông trường bộ lại đòi nhà thơ đọc thơ tiếp, để trả thù lao cô ta cầm đèn đưa anh lội ruộng.
Đối với anh như thế ai mà chả thích, đâu phải riêng tôi vì sau buổi bình thơ, sáng mai thế nào “đoàn chúng tôi” cũng được đánh chén một bữa thật thịnh soạn. Và sau những đêm chung chiêng như thế, không phải không có những cô gái mê thơ, rồi mê luôn nhà thơ của chúng tôi nữa.
Kim Chuông cứ dịu nhẹ. Anh có cách sống nhã, thật đến khờ khạo.
Kim Chuông làm việc hiếu, việc nghĩa thường im lặng, cái gì anh cũng sờ tận tay, để ý tận mắt tỉ mỉ, chỉn chu như người thợ may lên áo.
Năm nào cũng vậy, gần tết tôi thường hỏi anh đã sắm được gì gửi về cho mẹ. Một lần, tôi vừa bước vào phòng, anh mở tủ lôi ra hơn hai mươi túm, nào là quà mẹ, quà chị, quà em, quà cháu. Anh khoe tôi bằng cái giọng vui sướng. Rồi một tết ở Thái Thuỵ tôi nhớ không sai, vào ngày hai hai tết gì đó. Tôi và Kim Chuông đi làm sách “Thái Thuỵ miền biển hẹn”. Tối đến, sau khi cơm nước xong nhà thơ biến mù tăm, tôi ngờ chàng lãng tử bị cô nào cuốn mất hồn. Lúc sau nhà thơ đẩy cửa phòng vào, anh cười ồn ã, tay cầm tấm vải ướm thử vào người nói:
- Anh xem miếng vải này lên quần cho thằng cháu có đẹp không?
Tự nhiên, bọc trong tay anh đổ toá loa mấy gói mì chính xuống sàn nhà. Kim Chuông nhanh tay dọn dẹp và đi nằm ngay. Được mươi phút đã thấy anh “kéo gỗ”, giấc ngủ thật sâu, thật no nê, tôi đọc được cái “khoái” của anh trong giấc ngủ. Tôi nằm hai mắt cứ chong chong nghĩ lại chiều nay cả hai “đánh thuê” đến cật lực cho một huyện, được thanh toán tý chút, có lộc nhà thơ đi lo cho vợ con, anh chị và đàn cháu nội ngoại. Tôi thèm khát được làm như Chuông, nhưng bố mẹ đều khuất núi. Nước mắt tự nhiên chảy, thấy mình chưa được hạnh phúc bằng anh, chưa có lòng vị tha như anh.
Cơ quan thời ấy cũng nhiều chuyện chẳng lành. Chẳng may, ai bị tai bay vạ gió gì, khẽ quệt vào cũng dễ “mất sổ gạo”. Thường khi có chuyện mọi người mắm môi chạy cho xa, dại gì mà dính vào …
Thế mà lạ thật, khi anh bạn bị “hắt hủi” cơ quan không ai dám hé răng hé lợi, Kim Chuông đứng lên bảo vệ. Tan họp, anh còn dắt xe đưa người bị “phế truất”, đi bộ đưa anh về đến tận nhà. Tấm lòng ưu ái ấy sau này bị “thượng cấp” “lườm”. Nhưng Chuông không sợ.
Những khuyết điểm của anh em trong cơ quan không phải Kim Chuông ngơ ngác không biết. Anh biết cả, nhưng không nỡ lòng, nếu có nói cũng tìm đến sự dịu nhẹ, vòng vo theo cách nói của Kim Chuông. Anh sợ cái giọng thít buộc, băm bổ theo cái lối quan toà.
Kim Chuông yêu thơ và chung thuỷ với nàng. Dù hoàn cảnh nào anh cũng giữ được chất đam mê vốn có. Con người anh là vậy, Kim Chuông mê thơ, đến nỗi đi đến đâu, nói chuyện gì chỉ một lúc, anh lại tìm cách quay lại với thơ ngay. Anh triết luận về đạo, đời, anh lý giải về Khổng Tử, rồi liên hệ phẩm bình … Ngồi với anh được một lúc, người nghe dù ở trình độ nào cũng nhận được điều gì có ích cho mình. Anh yêu chữ Lễ nên biết sống giữ gìn như các cụ đồ là phải. Anh phân tích chữ Lễ chi phối tất cả, ví như trong ngũ thường “Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín” thì chữ Lễ vẫn đứng giữa và gánh dậy tất cả.
Kim Chuông có phong cách người thầy, anh vốn là người khổ học, có tới gần hai mươi năm anh phụ trách lớp đào tạo năng khiếu viết cho thiếu nhi cùng với nhiều đồng nghiệp, sự hướng dẫn, khơi nguồn của Kim Chuông đã giúp nhiều cháu sau này thành người tốt, có người đã trở thành cây bút khá sắc sảo ở  làng văn, làng báo, ở  tỉnh và trong phạm vi cả nước.

Thơ Kim Chuông có tình, nó như ngọn lửa liu riu thổi vào ta. Tôi mê anh từ “Giấc ngủ người đi rừng” bài thơ được giải của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978. Rồi bài “Quê ngoại”. Những bài như thế, anh em chuyền tay nhau đọc. Nó như thứ cơm gạo mới, được bàn tay cô gái làng khéo thổi, ăn vào cứ thơm trong miệng, trong cổ cái nhựa của gạo. Có những câu anh viết đọc một lần người ta thuộc ngay:
Em như một mảnh trăng chìm
Cầm lên thì mất đứng nhìn thì đau
Kim Chuông là người đa tình, điều này thơ anh đã thú nhận:
Bởi tôi đa tình cho đêm ấy trăng nghiêng
Cho trăng hoá thuyền ai lênh đênh không bờ bến
Hoặc:
Tôi tự mình góp lửa, tự nhóm nhen
Để làm khổ ngọn gió chiều cuối phố
Để trời lặng, tôi vẫn còn giông tố
Còn gió bay, cát bụi mịt mù đường …
Ngày ấy, ai đã từng nhìn thấy Kim Chuông một tay bế con gái Bảo Giang, một tay xóc gạo thổi cơm, nhặt rau, ở cái hè khu tập thể văn nghệ, mới cảm mến anh tấm lòng người cha với con. Với một gian nhà hợp ngói độ 10m2 dột nát, có đêm chờ “nữ hoàng” Thu Nguyệt ở nhà in tan ca về, gặp ngày mưa sân trước lõng bõng nước, cây liễu và rặng xanh táo trước cửa nhà thơ cũng mướt mát như nhà thơ vậy. Trong gian nhà ngăn vách bằng cót, bố con anh đang lấy xô chậu hấng nước mưa hết chỗ này đến chỗ kia để khỏi tràn lên nền. Lúc ấy có ai vô tình đẩy cửa vào, bắt gặp cái khốn khổ của anh, thì anh vẫn nở nụ cười mời khách ngồi uống nước và cuộc đọc thơ lại diễn ra một cách say sưa.
Kim Chuông lý giải nỗi dày vò trong anh bởi sẵn mang một tâm hồn đa cảm:
Tự tôi là chua xót mãi tôi thôi
Vì em đấy “Nữ hoàng” riêng tôi biết
Hoặc:
Nỗi buồn trong mắt người ta
Tôi giong bão tố, phong ba về mình
Và:
Ta như cây ở trong vườn
Đứng bên nhau để mà thương nhau mà.

Kim Chuông hay buồn một cách vô cớ. Đó là cái chất lãng tử trong anh. Những lúc như thế, để giải toả cho mình, anh lại bốc đồng trong những chuyến ngao du, để mai rồi bạn bè lại nghe anh đọc những bài thơ mới nhất với chất mê say ấy.
“Bỗng dưng em ạ tôi buồn
Hoặc:
Đùng đùng tôi bỏ nhà đi
Thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao
Hoặc:
Tôi đi đã hết mùa thu
Mà lòng tôi cứ tưởng như vẫn còn

Kim Chuông luôn cầm nắm lấy cái buồn vu vơ ấy, để rồi:
Em như tăm cá lững lờ
Tôi quăng lưới vớt dọc bờ sông trôi.

Lúc Kim Chuông buồn nhất cũng chẳng hại đến ai, bởi anh luôn hết mình với thơ với bạn.
Bởi:

Đêm nay bong bóng một mình
Một mình ta gọi cho thành ba ta

Bởi :
Mọi nỗi buồn đều hướng về cái đẹp
Cái khát khao, mơ tưởng phía đường lên

Kim Chuông đã  có  trên 10 tập thơ xuất bản, từ “Tình yêu mùa gặt”, “Câu hát người đang yêu”, đến “Một phương trời gió”, tuyển “Thơ lục bát”,
Phương trời ngôi sao thức, Ở một góc cuộc đời… v.v....
Dễ nhìn thấy, từ khi tốt nghiệp khoá II trường viết văn Nguyễn Du, (1983 -  1986) trong bước chuyển tiếp của tuổi tác, của khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật, thơ Kim Chuông quay sang triết luận. Sự thực, tôi không thích. Tôi lo Kim Chuông phá mất cái “tạng” của mình là chất sóng sánh ở những bài thơ Tình. Cái ngọn lửa thơ anh liu riu thổi vào lòng bạn đọc ở sự giản dị, giàu hình ảnh, rất ấn tượng ở sự cá thể hoá.
Nhưng nào anh có bỏ được một thứ “đặc sản” trời phú, đó là Kim Chuông với những áng thơ tình.
Có thể nói, trong Kim Chuông luôn chan chứa mối tình của chàng Kim với chị Hằng. Kim Chuông mê vầng nguyệt, có lần anh với tôi về làng vườn Bách Thuận ở nhà anh Thự. Những đêm ở Thuận Vi trăng sáng, anh ngồi một mình ngắm trăng dưới ao nở đầy hoa súng. Anh lang thang đi dọc làng Bách Thuận trong sương đêm gần hết canh hai, anh quay vào nhà bảo:
- “Trăng sáng quá, đẹp quá, những đêm như thế này anh cứ ngủ phí đi mất”.
Nhiều lúc, Kim Chuông thật vu vơ và có lẽ từ đó, anh viết được nhiều bài thơ tình khá hay.
Phải nói, nhiều công chúng bạn đọc, bạn viết Thái Bình nói rằng, ở đâu không biết chứ ở vùng châu thổ sông Hồng cũng có nhiều nhà thơ viết về tình yêu, nhưng chưa ai vượt được thơ tình Kim Chuông.
Với anh, đây là những câu thơ tự cảm và tự vấn trước mình:
Tơ non đến thế là cùng
Bên em núi đá xem chừng cũng non

Hoặc:
Tôi thì sợ cái mình tin
Máu lên, sao Hoả, sao Kim cũng gần

Hoặc

Tôi còn chút khác người ta
Buồn thương dắt trái tim qua dặm buồn

Hoặc :
Bây giờ cầm được câu ca
Lại rơi giữa chính tay ta nâng cầm
Lòng tôi ươm một hạt mầm
Tơ non không nỡ lỗi lầm bẻ đi

Bây giờ, đã có trên 40 năm cầm bút. Trên 20 tập sách với đủ các thể loại : thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bình phẩm văn học...Kim Chuông, người làng Thắng, đất Vĩnh Bảo, quê Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất nho sinh, nhiều bậc anh tài, có nhiều nhà văn, nhà thơ được trưởng thành từ nơi ấy.
Tự hào thay, làng Thắng sinh hạ được một Kim Chuông, 19 tuổi khoác áo lính, làm phóng viên trong chiến tranh ở một tờ báo quân khu, rồi về làm biên tập, Phó chủ tịch, Tổng biên tập một tờ tạp chí, một Hội viên Hội Nhà văn của đất nước, một trong những trụ cột của Văn nghệ Thái Bình. Mỗi khi về quê, người làng không chỉ trọng anh ở sự học, sự từng trải... Kim Chuông còn mang theo cái danh, cái giá cho đất làng quê ấy.
Nhiều lần, tôi ngước nhìn và nghĩ, một thời, nếu ở Hội văn nghệ Thái Bình thiếu bóng nhà thơ lãng tử Kim Chuông cùng các nhà văn có tên tuổi khác ra vào, thử hỏi trụ sở của Nhà văn một tỉnh còn gì đáng nói nữa hay không?
Với ý nghĩa ấy, tôi viết về anh, Kim Chuông - một gương mặt thơ riêng trong đội ngũ nhà văn từng sống và gắn bó với đất này.
Thái Bình,  Ngày Mạnh Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét