Nhà văn Đặng Ái (phần 2)
Thứ ba - 03/09/2013 14:53
Sau khi vannghecuocsong giới thiệu nhà văn Đặng Ái - một cây bút văn xuôi tài hoa bẩm sinh trên các trang mạng xã hội, blogs, febook…có trích truyện ngắn Đò ơi, được độc giả cả nước và một phần hải ngoại commet, gửi thư muôn được đọc nhiều trang văn của Nhà văn Đặng Ái. Vannghecuocsong tiếp tục giới thiệu về Nhà văn Đặng Ái sau khi anh đã xuất bản Tổng tập Đặng Ái, gồm 5 tập trên 4 000 trang sách in. Công trình này do Nhà xuất Thanh Hóa đảm trách. Xin chúc mừng Nhà văn.
vannghecuocsong.com
NHÀ VĂN ĐẶNG ÁI
vannghecuocsong.com
NHÀ VĂN ĐẶNG ÁI
Bây giờ có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết tràn ngập văn phong báo chí loại xơ cứng, khô khan, tuyên truyền một chiều viết theo bài bản định sẵn thì đọc lại truyện ngắn Nam Cao – cây đề cây đa của văn chương nước Việt trước đây và đọc truyện ngắn của nhà văn Đặng Ái người thường gặp với chúng ta hôm nay, làm ta càng thêm yêu quý truyện ngắn nói riêng và văn xuôi, văn chương nói chung của Đất Việt.
Nhà văn Đặng Ái viết văn rất sớm với năng khiểu bẩm sinh, được bạn đọc chú ý từ đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Nhà văn Đặng Ái đã vẽ nên một một thế hệ, một thời sống tốt, sống đẹp, cồng hiến hết mình cho quê hương đất nước trong cuộc kháng chiến ái quốc chống Mỹ xâm lược. Những nhân vật đủ thánh phần, đủ thấp cao giới tính đã vì nghĩa cả hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc.
Nhà văn Đặng Ái viết văn rất sớm với năng khiểu bẩm sinh, được bạn đọc chú ý từ đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Nhà văn Đặng Ái đã vẽ nên một một thế hệ, một thời sống tốt, sống đẹp, cồng hiến hết mình cho quê hương đất nước trong cuộc kháng chiến ái quốc chống Mỹ xâm lược. Những nhân vật đủ thánh phần, đủ thấp cao giới tính đã vì nghĩa cả hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc.
Những người mà thế hệ hôm nay có thể không biết và không hiểu về họ, có người quên họ, nhưng đọc văn Đặng Ái chúng ta phải nhớ họ, suy ngẫm về họ.
Một cô gái mù lặng lẽ năm này qua năm khác kéo bè sang sông chở bộ đội đi ra chiến trường không cần mọi người biết tên, một phi công bị thương nặng vẫn lái máy bay chiến đấu như anh hùng phi công Meretxep ở Liên Xô (cũ), một cô gái chung thủy đợi người yêu từ chiến trường về, một người thợ say mê học tập để nắm vững tay nghề làm việc cho tập thế, một anh kỹ sư được làng cử đi học đại học vẫn quyết tâm về xây dựng làng quê khốn khó…
Bây giờ Đặng Ái rất ít viết và hầu như không viết nữa, ngoài vài quyết sách báo chí thi thoảng trình làng. Hỏi anh, anh cho biết – Văn báo chí nó giết văn chương, với lại thần tượng mình tôn thờ không còn lóng lánh như xưa nữa.
Điều đó tôi nghĩ hoàn toàn đúng. Đời hôm nay có được là nhờ những người vô danh ấy. Họ đã đổ máu và mồ hôi cho cuộc sống thanh bình hôm nay.
Nhưng đời đã quên họ. Bởi họ là những con người thật thà chân chất, họ làm sao biết được thế hệ mình và mình bị lừa để phục vụ cho một lợi ích phe nhóm.
Xin chia sẻ với nhà văn Đặng Ái
vannghecuocsong.com
Đò ơi
Có lẽ đã quá nửa đêm. Trong cơn mưa lâm thâm rầu rĩ, gió bấc thổi lồng lộng. Lũ côn trùng kêu rỉ rả càng làm cái lạnh thêm khắc nghiệt.
Tiểu đội chúng tôi đi đến cuối một cái làng không biết tên.
Dép tháo ra cầm tay, quần xắn móng lợn. Vải nhựa choàng kín cả chiếc ba lô cồng kềnh sau lưng, chúng tôi đi theo hàng một. Không ai nói một lời bởi ngại gió thốc. Trời tối đến mức cách vài bước chân đã đen đặc. 10 ngón chân bấm xuống đường làng, hễ đụng vạt cỏ lại tránh đi để khỏi dẫm xuống bờ ao hoặc ruộng lúa.
Chúng tôi đi xuống một cái dốc dài lúc nào không biết, chỉ khi hai bàn chân đạp lên những hòn đá tảng lát đường mới hay.
Một con sông đã chắn trước mặt. Chúng tôi đứng dồn cả lại ở bờ sông. Hai hàm răng thừa dịp đánh nhau tới tấp. Con sông rất nhỏ, nước chảy lặng lờ nhưng gió từ mạng sông thổi lên thì như chích vào da thịt.
Một người bắt tay lên miệng làm loa:
- Đò ơi! … đò…ơ ơ ơ i i i…
Không thấy tiếng trả lời. Có người càu nhàu:
- Đêm hôm thế này! đò ở đâu mà đò.
- Bơi qua?
- Rét chết cha!
- Hư…ừm! Kềnh đây thôi!
Mỗi người góp vào một câu, chán nản. Không hy vọng sẽ có đò.
Nhưng không lâu, nghe từ bên kia có tiếng người văng vẳng:
- Ai gọi đò đớ…ơ ơ i i i…
Tiếng “đới” kéo dài đến đuổi hơi, tha thiết. Mừng quá, chúng tôi trả lời:
- Đò ơi! đò ơi! đò… ơ ơ i i…
Một tiếng “pạch” phát ra dưới mặt nước ngay chỗ chúng tôi đứng.
Trong ánh nước toé lên, thấy một sợi dây to bằng cổ tay chằng ngang sông. 0Sợi dây rung rung vài cái rồi chìm hẳn vào bóng tối. Chững một phút hay hơn gì đó, từ giữa sông có tiếng người con gái:
- Ai đi đò chuẩn bị xuống nhá…
Tiếng nói trong trẻo quá làm chúng tôi ấm lòng ngay. Người có giọng nói ấy phải là một cô gái rất đẹp, rất duyên dáng và nhất định là chưa có chồng, có thể chưa một lần yêu nữa.
Con đò đụng bờ cát loạt soạt. Một bóng đen lặng lẽ lên bờ, lướt nhanh suýt đụng vào chúng tôi.
- Các anh bộ đội phải không ạ?
- Vâng! chúng tôi là bộ đội.
- Có nhiều không ạ? Nếu nhiều thì 6 anh xuống thôi, còn các anh khác chịu khó chờ đến chuyến sau.
Cô gái nói và quay lại con đò. Chúng tôi theo cô lần xuống. Đò của cô là một cái thuyền nan loại chúng ta hay thấy chở phân, chở lúa ngày mùa ở bất cứ vùng nào của đồng bằng Bắc Bộ.
- Các anh cẩn thận không lật đò thì khổ.
Cô gái nhắc mọi người đã ngồi xuống. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cẩn thận. Chẳng ai dại gì mà tắm sông lúc này. Cô lái ngồi ở mạng thuyền đằng mũi nắm lấy sợi dây kéo mạnh. Chúng tôi cùng kéo dây với cô. Đò bắt đầu rời bến, chẳng mấy chốc sang đến bờ bên kia. Cô lái nói:
- Các anh lên nhà em nghỉ một lát, em sang đưa nốt các anh ấy.
Chúng tôi ào lên bờ. Đường lạ, gập ghềnh như hàm quỷ. Một người vừa bước được mấy bước đã trượt chân loạng choạng, kêu ôi ối.
- Rõ khổ! Có sao không?
Cô lái lúc ấy đã ở dưới đò vội kêu lên. Rồi cô hối hả lên bờ dắt chúng tôi đến đầu dốc, dáng đi nhanh nhẹn lạ thường. Ngỡ như là mắt cô nhìn xuyên đê, xuyên cả bóng tối dày đặc vậy.
- Nhà em đây rồi! các anh đốt lửa vào sưởi. Có củi khô đấy.
Chúng tôi bước vào nhà. Nói đúng hơn là chúng tôi bước vào một cái lều rộng, rộng thưng kín cả ba mặt, mặt thứ tư ngoảnh ra đường che bằng tấm liếp. Đèn được thắp lên. Trong lều không có gì cả, ngoài một cái giường tre không chân kê cao hơn mặt đất độ hai ngang tay. Trên giường có một cái chăn chiên mỏng, bị xô dồn. Rõ ràng cô gái đang ngủ bị chúng tôi đánh thức dậy. Cởi áo mưa, bỏ ba lô xuống rồi chúng tôi cứ đứng thế mà run cho đến khi cô lái cùng mấy đồng chí kia bước vào. Cô cởi áo bạt, cởi mũ nhanh nhẹn treo lên cái đinh đóng ở đòn tay cạnh cửa ra vào. Song, cô quay lại nhoẻn cười:
- Rét quá! Mai sẽ ối thiên cá chết các anh ạ.
Thấy chúng tôi chưa đốt lửa, cô lôi trong xó nhà ra một đọn dạ, một bó củi cành chất thành đống ở giữa nhà. Cô móc bao diêm trong túi. Lát sau ngọn lửa bùng lên. Tiểu đội chúng tôi ngồi xung quanh mấy chục bàn tay xoa xoa trên ngọn lửa. Cô lái đò cử luôn mồn giục chúng tôi : chất thêm củi vào, đừng tiếc. Theo lời cô thì quanh đây cơ man là củi. Nom cô chúng tôi đoán chừng ngoài 18. Nét mặt bầu bĩnh, trắng, rất dễ ưa. Đôi mắt đen láy dưới hàng lông mày cong cong và hai cái lúm đồng tiền như là bẽn lẽn. Một cái đẹp duyên dáng của cô gái quê. Ngay cả cái áo màu mận chín cổ trái tim, chẽn lưng, bó tay và mấy cái cúc trắng nhỏ xíu trên người cô cũng toát lên điều ấy. Lính chúng tôi rất tợn nói trước những cô gái sắc sảo, nhưng với một cô gái thế này thì ai cũng phải rụt rè. Bởi vì chúng tôi thấy mình dung tục trước một vẻ đẹp thanh tao.
Chẳng lẽ cứ ngồi im, một anh hỏi:
- Bến đò này tên là gì hở cô?
Cô gái quay về phía anh lắc đầu, đôi lúm đồng tiền thoáng hiện lên một cách duyên dáng.
- Chả có tên đâu anh ạ! Bến đò nhỏ í mà.
- Cô chở đò ở đây lâu chưa?
- Bốn năm ạ!
- Bốn năm?
- Vâng! lúc bấy giờ em mới 16 tuổi, sau cái lần đầu tiên nó bom vào làng em.
- Từ bấy đến giờ nó có bom nữa không?
- Nhiều ạ!
- Cả bến đò chứ?
- Vâng ạ! Nó bom bến đò luôn. Đến trăm quả có đủ rồi. Em nhớ có một hôm đò vừa ra giữa sông, thế là máy bay nó đến bom ngay. Em chả còn kịp hiểu gì cả, thấy mình rơi tõm xuống sông rồi. Bơi thì kém, em chả biết đâu là bờ, ngoi ngóp mãi, thiếu chút nữa là phăng teo, nếu không có người ra cứu. Từ đó anh xã đội sợ em chết bắt em về. Nhưng em không chịu. Thầy bu em lúc đầu cũng thế, sau thương em xin cho em vẫn cứ được ở lại đây chở đò.
Nghe vậy, chúng tôi đâm ái ngại, hỏi:
Ở đây một mình thui thủi thế. Đi bộ đội hay thanh niên xung phong không thích hơn à?
Nhìn đăm đăm vào ngọn lửa, cô gái thở dài:
- Cái hoàn cảnh em nó không thể đi được.
- Nhà neo người?
- Không ạ! Thầy bu em còn khoẻ. Ba đứa em làm được việc cả rồi. Một đứa đi bộ đội năm ngoái. Viết thư về nó bảo nó đang ở Trường Sơn. Nó bảo nếu mà chị không bị…à không…các anh ạ, em nghe nói nhiều nhưng chưa biết cái Trường Sơn nó ra sao, khổ tâm lắm!
Cô lái đò lại thở dài.
Chưa hiểu vì sao cô không đi được, nhưng một đồng chí đã an ủi cô:
- Ai cũng vào Trường Sơn cả thì lấy ai ở hậu phương, lấy ai ở cái bến đò này. ở đây cũng vất vả lắm chứ!
Cô nhỏ nhẻ:
- Vâng ạ! Em cũng nghĩ là làm được một việc nhỏ mọn còn hơn không làm gì cả.
Cô gái đứng lên lấy thêm củi. Lửa đang đượm chúng tôi gàn thôi, cô nói:
- Ngày mai em lại kiếm được vô thiên áy mà! Các anh cứ đốt đi cho ấm. Mấy khi các anh qua đò của em.
Trong giọng nói của cô có cái gì như là nài nỉ, ép buộc người ta. Nó cũng tỏ ra cô sẵn sàng tủi thân nếu bị từ chối.
Sức lửa làm chúng tôi ấm lại và má cô gái đỏ bừng.
- Em hỏi các anh nhé! - Đột nhiên cô gợi. Rồi ngập ngừng cô dừng lại, ngồi im như không muốn tiếp tục nữa.
Chúng tôi giục:
- Hỏi gì cứ hỏi đi. Nếu biết chúng tôi sẽ trả lời…
- Nhưng các anh phải nói thật cơ! chả là em có một cô bạn thân lắm, nó đi trực chiến rồi bị bom ngay từ trận đầu. Xúi quẩy nó thế. Nếu không thì nó đã đi đến tận đâu đâu, làm được vô khối việc các anh ạ. Nó bị bom rồi người ta khiêng nó lên bệnh viện huyện. Bác sỹ bảo bị đứt dây thần kinh thị giác rồi. Khổ nó, nó có hay gì đâu các anh. Nó cứ tưởng mấy hôm sẽ khỏi. Nhưng khi biết mù hẳn rồi…mù hẳn rồi, buồn quá, nó khóc, không ai dỗ được. Các anh đừng bảo nó yếu đuối. Nhưng khổ nó quá các anh ạ, mới lớn lên, nó đã làm được gì để đóng góp đâu! giờ thì mù rồi, mù rồi còn làm gì nữa. Có thể nối lại được không các anh?
Chúng tôi nhìn nhau dò hỏi rồi cũng nói:
- Được cô ạ!
Có lẽ cô gái chỉ đợi có thế, cười sung sướng, mặt bừng sáng lên vì hy vọng.
- Người ta cũng nói với em như thế, các bác sĩ ý. Khi em, không, con bạn em nó khóc, bác sĩ vỗ về nó: “Cháu đừng khóc mà hư người. Bác sẽ cố gắng lấy lại ánh sáng cho cháu, nào, nín đi!” bác ấy nói rằng phải đợi lúc tống cổ bọn cướp Mỹ đi mới có điều kiện. Ôi! … lúc bấy giờ việc gì chả làm được, các anh nhỉ. Khó mấy cũng chấp í chứ! Các anh có biết không? con bạn em nó chẳng khoanh tay ngồi đợi, nó cũng làm một việc dù nhỏ mọn, góp vào công việc chung cho chóng đến ngày vui ấy.
Trong khi nói chuyện, lúc thì cô gái nhìn ra khoảng không, lúc thì nhìn thẳng vào mắt người nào đó trong bọn chúng tôi, đôi mắt mở to cứ chớp luôn như muốn nhìn rõ hơn, rõ hơn nữa. Bình thường, những người con gái không ai lại hớ hênh thế trong khi nói chuyện với đàn ông lạ. Thỉnh thoảng cô lại mỉm cười, cái cười mơ hồ như khi người ta ngồi một mình ở nơi tĩnh mịch, nghĩ những chuyện không đâu. Chúng tôi hỏi tên, cô cứ nghẹo đầu sang một bên:
- Các anh cứ gọi em là cô lái đò thôi mà!
Lúc này trông cô như trẻ con, bướng bỉnh mà nũng nịu.
Chừng đã ấm người, cô lái đò đứng dậy. Cô đi lại giường, lật chiếu lấy ra một cái túi nhựa màu nâu, luồn tay vào trong túi cô lấy ra một cái bút chì, mấy cái cặp ba lá, mấy cái huy hiệuđoàn, một cái gương tròn bằng cái lá lót bánh dì giò mà các cô gái bây giờ rất ít dùng. Sau đó là một cái lược sừng đen nữa. Cô để tất cả các thứ đó lên giường bằng sự thận trọng có hơi lẩm cẩm của một bà già hoặc như trẻ con chơi đồ hàng vậy. Cuối cùng cô lấy ra một cuốn sổ học sinh dầy, bìa xanh. Một thỏi sắt theo cuốn vở rơi xuống đất. Cô ngồi ngẩn ra một lúc như suy nghĩ rồi lấy chân lùa ngang mặt đất mà tìm. Khi chân đã chạm thỏi sắt cô mới cúi xuống, nhặt lên. Đó là một mảnh bom dài khoảng hai đốt ngón tay. Trước khi cô đặt mảnh bom lên giường, chúng tôi đã kịp nhìn thấy những cạnh sắc lởm chởm của nó.
Quay mặt về phía chúng tôi, cô rụt rè:
- Các anh ghi cho em một dòng làm kỷ niệm nhé!
Chúng tôi giở quyển vở ra. Một trăm trang đặc những kiểu chữ khác nhau khi bằng bút chì, khi bằng bút bi, khi bằng bút thường … không còn chỗ nào để ghi cả. hình như khi qua đò, không nhiều thì ít ai cũng ghi lưu niệm cho cô gái. Tuy cô không nói ra nhưng chúng tôi biết cô gái này giàu và quý tình cảm đến chừng nào!
Vẫn ngồi ở giường, tay chắp vào lòng, cô nói thêm:
- Các anh ghi cho em một chữ cũng được. Sau này em giở ra đọc và nhớ tới các anh, nhớ tới đêm nay em đã chở các anh qua sông.
Một người trong chúng tôi – anh chiến sĩ trẻ nhất – lặng lẽ mở ba lô lấy ra cuốn sổ tay mới toanh của anh. Anh ngắm nhìn một lúc rồi giơ cuốn sổ lên trên ngọn lửa, nói với cô:
-Chúng tôi biếu chị cuốn sổ này nhá! Làm kỷ niệm …
Cô ngúng nguẩy:
- Em chẳng lấy đâu! Anh còn đi xa, lấy gì mà dùng.
- Quyển vở của chị hết giấy rồi!
- Ồ… Như bị bất ngờ, cô lặng đi một lúc lâu, sau nói nhỏ như nói một mình – Hết rồi à? … - Rồi cô vội thanh minh – em tưởng là còn.
Chúng tôi trao tay nhau lần lượt ký tên vào cuốn sổ.
- Nào, cô cứ nhận lấy cho anh em chúng tôi bằng lòng.
Có anh đùa:
- Hay là chê của bộ đội?
Cô vội vã:
- Không! Em chẳng dám chê bao giờ!
- Vậy thì nhận lấy chứ!
- Các anh đã cho thì em xin vậy – cô nói thật là miễn cưỡng.
Chúng tôi trao cuốn sổ cho cô, nhưng thật là lạ lùng (tựa như chơi bịt mắt bắt dê vậy) cô chìa tay ra hướng khác, quờ quạng. Cầm được cuốn sổ cô áp vào ngực như một vật quý giá nhất đời. Đặt nó xuống đùi, cô đưa cả hai tay ra mà sờ, lật đi lật lại, mắt hơi ngước lên, miệng vẫn hé cười, cái cười mơ hồ dài dại …
Mắt cô chớp luôn, chớp luôn, đôi mày cong cong, đôi lúm đồng tiền…
- Ô …! Bỗng thấy một cái gì khác lạ ở cô lái đò, chúng tôi ngạc nhiên, rồi từ từ, lòng như bị ai thắt lại. Có thể như thế được ư. Trời! Chúng tôi không nhìn cô lái mà nhìn nhau …
Ai cũng hiểu rồi.
Im lặng.
Ngoài trời mưa như nặng hạt hơn. Gió bấc vẫn thổi lồng lộn. Căn nhà rung lên từng đợt muốn ụp xuống. Những đám đuôi kè khua nhau xào xạc như lá rụng. Bếp lửa đang đượm, bốc lên đùng đùng. Những lưỡi lửa cháy vật vã, sôi sục…
Chúng tôi lặng im nhưng cô gái sung sướng đến nghẹn lời:
- Ôi! Quyển sổ các anh cho đẹp quá!
Đang say mê với quyển sổ chợt cô dừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng. Cô khẽ nói: “Lại có người qua đò”. Rồi đứng dậy.
Chúng tôi tạm biệt cô lái đò, theo tiểu đội trưởng lần lượt ra đi. Ai cũng nhìn như cố níu lấy hình ảnh cô gái, nhất là đôi mắt đen láy, chớp luôn, chớp luôn ấy. Cô gái bước ra ngoài mưa tiễn chúng tôi. lát sau chen giữa tiếng gọi đò văng vẳng, tiếng cô gái vọng lên: “Ai gọi đò đới!” tiếng “đới” kéo dài tha thiết đến nôn nao cả lòng người.
Đêm ấy mưa gió rét như cắt da thịt, nhưng chúng tôi cứ bước phăng phăng. Lòng chúng tôi như bị bốc cháy bởi một ngọn lửa nóng vô cùng.
Tháng 7/1972
Nước mắt đồng quê
- Kìa, Ăn nữa, ăn no đi con; kẻo lại đói suốt đêm!
Bà Thừa thấy Niệm buông bát đũa bèn giục nó. Niệm lắc đầu.
- Cháu no căng bụng rồi đây ạ!
Ông Thừa không nài Niệm ăn thêm. Ông biết nó ăn tới bốn năm bát cơm cá là no lắm rồi.
- Uống nước súc miệng rồi chuẩn bị đi! - Ông bảo Niệm và cũng là lùa cho xong bát cơm trên tay.
Lát sau, mặt trời lấp ló đỉnh núi, hai ông con đi ra cửa. Ông chân đất, mặc chiếc quần âu xanh bạc màu, đầu gối đã thụng xuống, với chiếc áo bộ đội bạc thếch, tay dắt chiếc xe đạp cũng đã cũ kỹ, trọc lốc. Niệm chỉ cao đến tai ông Thừa, lại gày guộc, vừa hăm hở, vừa lúng túng trong bộ quần áo mới,vai khoác ba lô, chân xỏ đôi dẹp cao su tám quai cũng rất mới. Cậu bé trước đến nay chỉ mặc những đồ tầm tầm, nay bỗng dưng tất cả đều mới…Gì mà chả lúng túng.
Rồi Niệm lên xe, ngồi sau lưng ông Thừa. Mới ra khỏi làng một đồi đường, nghĩ sao hắn nắm lấy áo ông giật giật rồi nhảy đại xuống, làm tay lái ông lạng đi. Ông nhìn thấy thằng bé mếu máo:
- Cháu… cháu… không đi nữa đâu!
- Sao? - Ông Thừa ngạc nhiên hỏi! – Sắp đến giờ tàu rồi!
Niệm nhìn về làng, cái làng nằm lọt thỏm giữa ba bề là núi, đang ửng đỏ lên trong đáng chiều. Chiếc ba lô đã tháo ra khỏi vai, đặt bịch xuống đất từ lúc nào.
- Cháu sợ lắm…
- Ơ cái thằng! Đi học chứ đi chết đâu mà sợ!
- Nhưng mà cháu nhớ làng, nhớ nhà lắm!
Thằng bé mồ côi, bố mẹ anh em đều chết bom cả. Nó nói “nhớ nhà” đây là nhớ gia đình ông. Kể ra nó đi, ông, vợ ông và mấy đứa trẻ cũng nhớ thương, thiếu thốn như xa một đứa con. Nhưng càng thương quí nó như con ông lại càng cương quyết cho nó đi học. Ông nắm lấy quai ba lô của nó ngoắc lên tay lái xe, sẽ sàng nhưng cương quyết:
- Làm trai phải đi đây đi đó học lấy điều hay lẽ phải, chứ ru rú trong làng thì làm được tích sự gì!
- Cháu cứ ở làng… bác ơi, bác đừng đuổi cháu đi!
Nếu là con ông đẻ hẳn là ông cho mấy cái bạt tai nẩy đom đóm, bắt lên xe. Nhưng với nó ông lại phải dịu dàng, thẽ thọt:
- Ơ cái thằng! Rồi hết tết lại về với bác chứ đi đâu!
Ông Thừa nói hết nhẽ, nó vẫn cứ ì thần xác.
Nhìn bộ dạng nó mà ngao ngán: Nước mắt chạy vòng quanh, run rẩy, ngờ nghệch…
…Kể từ ấy thế mà đã sáu năm, sáu năm trôi qua…
Cái thằng bé dạo đó bây giờ đang ngoài kia. Hắn xắn quần ngang gối, để lộ đôi bắp chân rắn chắc, nâu rám giội nước uồm uồm. Thằng bé giờ đã cao dễ đến mét bảy mươi, cân đối, lực lưỡng. Hắn dội nước chán chê rồi cứ xách cái gầu đầy nước như thế, ngửa mặt nhìn lên giàn lý che mát giếng nước. Rồi hắn lại phóng tầm mắt nhìn chung quanh, chắc là phải hài lòng lắm, với hai chậu cảnh bên bờ giếng, với rặng ớt đỏ chót, quả nào quả nấy cứ như củ cà rốt, với bức tường hoa thâm thấp quét màu xanh đỏ… Cơ ngơi nhà ông Thừa đã đổi khác nhiều so với ngày ấy. Chẳng riêng gì nhà ông, nhà cửa bà con trong làng giờ cũng đã đẹp, sáng lên tất cả. Cái hợp tác xã Kim Hưng này không phải là hợp tác tiên tiến. Chưa bao giờ nó được cấp trên khen ngợi. Nhưng nó cũng không phải là cái anh bí bét. Nó không bị quở trách bao giờ. Nó cứ nhích lên, tiềm tiệm mà nhích lên năm này qua năm khác. Và thế là cuối cùng bộ mặt của nó cũng thay đổi. Người ở nhà khó thấy nhưng người đi xa lâu ngày chắc chắn nhận ra rõ. Có thể vì thế mà thằng bé rất hài lòng…
Rửa ráy xong, Niệm đi vào, trước khi bước chân lên bậc thềm lát gạch bát, Niệm lại còn ý tứ giậm chân ở sân láng tro lò cho rũ hết nước. “Ở tập thể lâu hắn cũng đã học được cái thói quen cẩn thận chùi chân vào thảm của người thành phố” - Ông Thừa nghĩ.
- Nước ngầm rồi, vừa ngon, vào uống đi cháu!
Từ nãy ông Thừa vẫn ngồi im trên chiếc tràng kỷ tre bên chiếc bàn gồ lim với tích nước hãm. Bây giờ ông với lấy cái tích rót đầy hai bát. Nước chè vừa độ xanh , óng ánh, bốc khỏi nhè nhẹ, toả ra một mùi hương thơm làm cồn cào nơi cổ họng.
- Cháu dứt khoát xin về hợp tác xã nhà? Nhấp một ngụm nước, ông Thừa hỏi:
- Dạ…cháu thấy xin về làng công tác là thuận lợi hơn cả. Bác tính, cháu lớn lên ở đây, từ đây ra đi…
Niệm bỏ dở câu nói. Nhưng nhìn nét mặt bần thần của anh ông Thửa hiểu anh đang nghĩ gì: Trong lòng anh hẳn là đang dâng lên một tình yêu quê hương tha thiết.
- Như thế càng tốt! Về quê, làm ăn bác cháu có nhau. Tao bây giờ nhiều lúc thấy mình cũng dốt nát lắm rồi, theo kịp được thiên hạ cũng bở hơi tai đấy! Có các anh tuổi trẻ, lại học thức, mới thong dong được!
- Dạ…bác cứ nói!…Bác đã lăn lộn, cống hiến cả cuộc đời. Còn bọn cháu đã làm được gì đâu!
Niệm nói rất thực lòng. Ông Thừa lấy thế làm phấn khởi. Con nít làng ni được cho đi học cũng nhiều, nhưng quả là chả mấy đứa bằng được Niệm. Có tới cái đại học rồi mà vẫn khiêm tốn!
Hai ông con nói chuyện với nhau, tâm đầu ý hợp. Cuối cùng Niệm hỏi:
- Hợp tác định cho cháu ở đâu ạ?
- Hử, sao mày lại hỏi thế? - Ông Thừa nhìn Niệm ngạc nhiên – Thì cứ ở đây chứ ở đâu?
- Bác xem có một căn phòng nhỏ ở hội trường, ở văn phòng hay ở đâu cũng được, để cháu làm việc cho tiện!
- Vẽ ra! - Ông Thừa gạt đi, song ông nghĩ một lát lại thấy ý Niệm muốn xin chỗ ở là đúng. Mặc dù trước Niệm vẫn ở đây nhưng nay lại là khác. Nay anh ta đã là cán bộ của làng, cần cho anh ta một chỗ của mình. Vả lại, cái The và Niệm có tình ý với nhau, rồi chúng sẽ lấy nhau. Nhưng trước khi thành vợ chồng chính thức, ở chung một nhà cũng không tiện.
xxx
Đám thanh niên, chỉ vài người cùng lứa, còn là mới lớn, tuổi mười bảy, mười tám, quây quần quanh Niệm. Anh được hợp tác nhất trí cho một chỗ ở riêng. Thế là chi đoàn kéo đến, tổ chức một buổi lao động xã hội chủ nghĩa. Người ta chở gạch về, ngăn lấy một gian ở văn phòng hợp tác. Rồi đục cửa mới, quét vôi, đóng giá sách…Hầu như tất cả các thanh niên hăng hái đều ra sức tô điểm cho căn phòng của anh kỹ sư. Việc xong xuôi rồi, chi đoàn lại trích quỹ liên hoan, “rước” Niệm vào. Chẳng phân biệt chủ khách, họ tự bóc kẹo, pha chè mời lẫn nhau, chuyện cứ um lên.
Gần mười giờ đêm, lại một người con gái nữa đến. Mới bước chân vào cô đã nhanh nhảu:
- Nhà anh Niệm vui quá!
Đó là The. Cô mới hân hoan, duyên dáng làm sao: Vầng trán dâm dấp mồ hôi, bết mấy sợi tóc con. Đôi mắt long lanh cùng cười với khoé miệng có hàm răng trắng đều đặn. Chiếc áo cánh gụ nền nã ôm chặt lấy eo lưng thắt đáy, phủ trên đôi bờ vai nuột nà, chảy dài theo đôi tay tròn trặn và tôn cao lồng ngực khoẻ mạnh.
Anh Đông, bạn học cấp ba của Niệm, giờ đã có hai “tí nhau”, người gầy sắt, rắn rỏi, rất bạo miệng, đứng dậy gõ vào đầu The:
- Nếu vì thằng Niệm thì không cần nhà. Hắn ngủ đống rơm cũng được, hiểu chưa?
Anh nói sát sạt quá, má The thêm nóng ran. Nhưng cô tỏ ra không phải tay vừa, cô khéo đánh trống lảng:
- Bộ anh thế mà khinh người ra mặt nhé!
- Ai dám khinh anh kỹ sư với chị bí thư!
Vui nhộn hẳn lên. Nhưng vài phút sau người ta bấm nhau rút lui, mang theo cả không khí vui nhộn toả ra những con đường làng. Trong phòng tự nhiên ắng xuống đến ngượng ngùng. Niệm cứ xoay cái chén đã uống cạn trong tay, trong khi The vò nát tấm giấy gói kẹo.
Nghĩ tới lúc Niệm về, lòng The thường rạo rực hình dung cô sẽ áp đầu vào lồng ngực to rộng của anh, kệ cho bàn tay anh vụng về mà cuồng nhiệt siết chặt lấy vai cô. Và anh sẽ còn nâng cằm cô lên, nhìn mãi, nhìn mãi vào mắt cô bằng ánh mắt chói chang không chớp của anh…Cho đến lúc cô phải nhắm mắt lại… Nhưng sự thể lại khác, hoàn toàn khác. Từ lúc Niệm về, hai người chưa có dịp ngồi riêng với nhau. Công việc bận rộn, người ra vào tập nập, thời cơ để gặp riêng không xuất hiện. Cho đến bây giờ… The cảm thấy khó nói chuyện. Anh hơi nghiêm. Vì sao? Hay anh giận cô mãi bây giờ mới…Tính anh, The còn lạ gì, hễ giận dỗi là cứ lì lì, cậy răng không có nửa lời…
- Cuộc họp ở huyện đoàn kéo dài quá, mãi đến tối mịt mới xong – The ngước lên nói như thanh minh – Các anh chị ấy bảo đến mai hãy về, nhưng em…nóng ruột qúa…
- Em nóng ruột cái gì?
The ngước nhìn lên. Anh vẫn xoay cái chén trong tay, mặt hơi tai tái, thảng thốt. Giá như anh kèm theo câu nói là một nụ cười giễu thì The nghĩ khác. Nhưng anh vẫn nghiêm thế. The thấy ấm ức vô hạn. Anh còn hỏi người ta nóng ruột cái gì nữa! Cô đứng dậy:
- Khuya rồi, em…về đây!
- Ừ, khuya rồi thật!
Cứ nghĩ anh sẽ giữ cô lại, xong anh lại nói thế. Đã giận dai thì đây cũng giận lại cho coi. Xem ai phải làm lành trước. Vừa nghĩ thế, The vừa bước nhanh ra khỏi cửa. Trăng sáng lạnh; cô giâm mình vào ánh trăng. “The…The…” Cô nghe tiếng anh gọi với theo. Nhưng cô cứ rảo bước.
Niệm nhìn theo The một lát rồi sững sờ quay vào. Anh nằm vật xuống giường cằn cựa, trong lòng vừa đau đớn, vừa kinh hãi, vừa hối hận…
Trước khi quyết định xin về làng Niệm đã suy nghĩ rất nhiều. Không như phần lớn bạn bè khác, nhận bằng tốt nghiệp rồi là mơ ước một bộ, một viện, hoặc một công ty lớn nào đó… Niệm nghĩ đến việc về quê. Làng anh, cái làng Kim Hưng của anh là một vùng quê bị bao bọc bởi ba bề núi cao, quanh năm độc một thứ gió quẩn. Thỉnh thoảng lại một cơn lốc mà mọi người vẫn tin rằng đó là con ma cụt đầu, xoáy tít, bốc theo cả rơm rác chạy từ đầu làng đến cuối làng. Rẻo đất hẹp ven chân núi xơ xác, cằn cỗi, còn cánh đồng thì lấy thụt. Hễ một trận mưa là nước trên núi dồn xuống, trắng băng. Làm được một hạt lúa trên đất ấy thật là nhọc nhằn. Hợp tác ì ạch, tuy được nhà nước đầu tư nhiều nhưng sự tiến bộ vẫn bấp bênh. Làng đã mọc lên nhiều nhà ngói, nhìn vào cũng thấy đẹp mắt. Nhưng hơn ai hết Niệm hiểu đấy chỉ là cái vỏ. Tháng ba ngày tám chẳng dỡ ngói bỏ nồi được. Ngày ngày trẻ con, người già vẫn phải lên núi hái lá sim, bẻ hoa đót làm củi, làm chổi đem bán tận chợ tỉnh. Niệm cũng từng gánh sim, gánh đót oằn vai. Chắc là có người nhìn những đứa trẻ gánh gánh lá to cao hơn người, chạy con cón từ đỉnh núi xuống lấy làm vui mắt. Còn Niệm, nghĩ đến Niệm chỉ thấy đau lòng…Rồi còn bao điều nghèo khó của làng quê chích vào lòng anh, gọi anh trở về. Hơn nữa, anh – một đứa trẻ côi cút được hợp tác, được gia đình ông chủ nhiệm đùm bọc, nuôi nấng, giờ đã trở thành kỹ sư…anh thấy không thể không trở về làng, trước là đem sức lực, học vấn của mình đền đáp quê hương, và sau nữa, xây dựng cuộc sống, sự nghiệp của mình ngày trên mảnh đất tình nghĩa ấy. Nghĩ đến quê, lòng anh rạo rực, phấn chấn.
Nhưng còn một lẽ làm anh băn khoăn, khó xử… đó là The. The! Con gái ông chủ nhiệm, là đứa em ngoan ngoãn của thằng Niệm còi cọc, côi cút ngày xưa… The, người con gái tươi tắn, trong lành như dòng nước xạ, chân chất, ngọt ngào như chùm sim mọng sum suê bên triền núi…đã hơn một lần tin cậy ngả mái đầu thoang thoảng mùi lá sả vào đôi tay khoẻ mạnh của anh…The đã trở thành nỗi day dứt lớn nhất trên con đường trở về quê của anh. Bởi vì anh đã không yêu The nữa. Mối tình sinh ra bởi sự bồng bột, thiếu chín chắn không thể sống lâu. Cái bóng của nó đã trở thành nỗi giày vò, ngượng ngùng và đau đớn. Anh đã có một người con gái khác, một bạn học, mà anh tin đó mới thực sự là tình yêu…Nhưng ác nghiệt nhất là The vẫn yêu anh, vẫn đau đáu chờ anh. Nếu anh không về quê, anh sẽ dễ dàng cắt đứt với The – có sao đi nữa cũng xa mặt, cách lời. Rồi thời gian sẽ xoa dịu tất cả. Nhưng còn quê hương, chả lẽ vì việc đó mà phải từ bỏ quê hương? Và chả lẽ anh phải trốn tránh lỗi lầm của mình như một tên đốn mạt?
Anh về với hy vọng sẽ dàn xếp với The ổn thoả. Anh sẽ nói một câu… Nhưng từ ý nghĩ đến việc làm còn là một khoảng cách khó khăn. Trông thấy The, anh không nói được. Mà nói gì, nói làm sao với người con gái ấy? Anh phân tích cho The hiểu anh không yêu The chăng? Hay anh sụp xuống chân cô, xin cô quên anh đi? Anh lẩn tránh mọi cơ hội gặp riêng The với ý nghĩ “Lần sau…ngày mai sẽ nói tất cả”…Cho đến hôm nay, sự thể vẫn đẩy anh đến chỗ không thể nói. Kể ra cũng có một lúc anh dám làm việc đó: ấy là lúc The rảo bước ra ngoài trăng vàng rười rượi, khi anh cất tiếng gọi cô. Nếu cô dừng lại! Nhưng cô cứ đi. Anh biết, chẳng phải vì giận mà vì yêu…Nhớ lại ánh mắt cô, khuôn mặt cô, việc cô hăm hở mò mẫm đêm hôm từ huyện về, anh hiểu cứ mỗi ngày qua tình yêu ở cô càng thêm nồng nàn. Anh cứ lần lữa một ngày là thêm khó, là thêm có tội với cô. Ngày mai, ngay sáng mai, nhất định anh phải chấm dứt tình trạng này. Anh về quê không phải là để sa lầy vào đây.
Niệm tỉnh dậy lúc trời đã mờ sáng. Anh giật mình vì đêm qua không đóng cửa, không mắc màn, cũng không tắt đèn. Ngọn đèn cháy suốt đêm đã cạn phao dầu, giờ chỉ còn leo lét. Niệm choàng dậy cũng vừa lúc nó bùng lên lần cuối, để lại cái hoa bấc đỏ như một tàn nhang. Đầu óc anh vẫn còn nóng bỏng những ý nghĩ đêm qua. Phải, phải…không thể khác. Niệm đi ra khỏi cửa.
Đường làng còn vắng vẻ quá. Sương đêm ướt dằm hai vạt cỏ, thỉnh thoảng lại một giọt lộp độp rơi khỏi phiến lá sở ướt láng. Làng nhiều sở, rải rác trên đất cằn. Người ta ép quả sở lấy dầu ăn, tích trữ năm này qua năm khác. Mỗi mùa lượm sở là một mùa vui. Nhiều gốc sở kín đáo là nơi trao đổi tâm tình…Niệm bước vào cái ngõ quen thuộc đầy những kỷ niệm của năm tháng qua lòng dâng lên một nỗi bâng khuâng. Ông Thừa cũng đã dậy, ngày nào ông cũng dậy sớm, ngồi thu lu trên tràng kỷ hút thuốc lào. Dưới bếp bập bùng ngọn lửa nấu bữa sớm: một mùi cá kho mặn sốc lên mũi Niệm. Cá kho trong nồi đất, chỉ nồi đất cá mới chắc, thơm thế. Bên hồi nhà, nhịp cối giã gạo vang đều đều. “Kẽo kẹt…thịch! Kẽo kẹt…thịch!”. Cái nhịp chày kiên trì, khoan thai ấy là của The, Niệm nhận ra ngay. Anh bước vào nhà trên. Thấy anh, ông Thừa cười khà khà:
- Kỹ sư mà cũng dậy sớm kia à?
Niệm ngồi vào ghế đối diện với ông, nói dăm ba câu chuyện gọi là có, rồi anh vờ hỏi:
- Bác gái đang giã gạo à?
- Con The! Bà ấy dưới bếp!
- À, hôm qua The đi họp huyện đoàn, chả biết có chuyện gì mới không? – Niệm hỏi và anh nhấp nhổm đứng dậy.
Tuy mải giã gạo nhưng The nghe thấy hết. Cô đã thấy anh từ ngoài ngõ. Cho nên khi Niệm vừa ra đến mái hiên, The đã dừng chày.
Niệm đứng dưới sân một lúc rồi quyết định đến gần The, lấy giọng thật tự nhiên:
- The ạ…anh có chuyện này muốn nói với em:
The không trả lời, trên đôi môi đỏ thắm của cô thoảng nở một nụ duyên làm cho khuôn mặt cô bừng sáng. Cô kín đáo bước lên một bước, một chân trụ ở bệ, chân kia đặt hờ hững lên chày, để lộ phía sau bàn chân trần ấy một khoảng đuôi chày có khắc bậc nhẵn thín, đủ cho một người nữa đứng cùng giã gạo. Người cô lao về phía trước, hơi nghiêng sang bên, vai dựa vào tường, một tay vẫn vươn cao nắm thanh vịn, một tay đưa ngang, nắm hờ làn tóc vắt chéo qua ngực, trùm kín cả đầu gối. Đầu cô cũng nghiêng đi, mắt hững hờ nhìn phía trước. Sau gáy mấy sợi tóc con khẽ bay bay để lộ một cái cổ trắng mịn màng… Niệm đã bao lần thấy cái dáng hình ấy, cái dáng hình từng là vô vàn thân yêu có sức quyến rũ lạ lùng ấy. Anh từng bước lên chày, làm như vô tình đặt tay mình lên mấy ngón tay nhỏ nhắn, mềm mại trên thanh vịn. Và trong cái nhịp “Kẽo kẹt…thịch! Kẽo kẹt…thịch!” đều đều, bền bỉ, những lời tâm sự đôi khi ngớ ngẩn nhưng đằm thắm quyện chặt lấy nhau…
Nhưng lúc này, Niệm không muốn bước lên chày. Cũng không thể nói lời muốn nói. Làm sao anh có thể nói điều tàn nhẫn thế, với cô gái đang chờ anh trong dáng đứng thế kia…
xxx
The giở cuốn sổ tay ghi tóm tắt chương trình họp đoàn xã tối nay. Cô sẽ nói tình hình sinh hoạt đoàn một tháng qua, sau đó nói đến nhiệm vụ tuyển quân, rồi đến việc chọn đoàn viên ưu tú đi học đối tượng Đảng, rồi hướng công tác thời gian tới. Xã đoàn do The làm bí thư vẫn được coi là một đơn vị mạnh trong huyện, phong trào lúc nào cũng sôi nổi. Đoàn viên và thanh niên chịu thương chịu khó, lao động vất vả, sinh hoạt còn thiếu thốn nhiều nhưng chẳng mấy ai thoái chí hoặc lơi lả công tác. Phong trào hẳn là sẽ mạnh thêm vì naydã thêm một đoàn viên mới có nhiệt tình và trình độ cao: đó là Niệm. Hôm nay Niệm sẽ sinh hoạt buổi đầu tiên với đoàn xã. The muốn anh phát biểu ý kiến.
Mấy lần trước, trong lúc làm thuỷ lợi, anh Đông nói với The: “Coi cái tướng thằng Niệm, chiều vợ phải biết”. Cái anh Đông, thật là đầu têu gán ghép, bất cứ chỗ nào có The anh ấy cũng kiếm chuyện nhắc đến Niệm. Những người khác hùa theo anh, làm The xấu hổ suốt ngày.
Mẹ The đã tính trước cái ngày bà chia trầu cho cả làng.
- Tết này là con The ra ở riêng rồi! – Mỗi khi bàn tính công việc trong nhà bà thường nói thế.
Nhưng sự thể đã đâu vào đâu. Anh về đã gần một tháng. Vẫn chưa lúc nào được gần nhau. Có lúc, The gặp anh xắn quần lội bì bõm ngoài đồng hay hì hục đào bới gì bên chân núi. Ngồi xuống với nhau một lát. The lấy nón quạt, hướng ngọn gió về anh phần nhiều.
- Anh có chuyện vẫn muốn nói với em, chuyện rất hệ trọng… Nhưng anh cứ sợ rồi em sẽ nghĩ… Vả lại chúng mình cũng đang bận lắm. Anh mới về làng, còn cần phải bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu tình hình sản xuất…
The thấy mặt anh tái đi, giọng run run, đến lạ. Con người có lúc bồng bột, cuồng nhiệt đến thế, khi bàn đến chuyện ấy lại có thể run rẩy đến thế! The đã sẵn sàng tất cả rồi. Nhưng quả tình lúc này cũng chưa nên đặt vấn đề ấy ra thật. Từ nay đến tết còn dài, bốn năm tháng nữa, vội gì…
Cô úp nón lên đầu gối, quay sang anh, mắt lóng lánh:
- Chứ anh đã “nghiên cứu” được gì rồi?
Mặt anh dần hồng hào trở lại. Anh bốc một nắm đất núi, bỏ vào lòng bàn tay:
- Em coi, đất bạc màu mất cả. Còn dưới kia – anh day mặt về phía cánh đồng – có những chỗ màu mở quá chừng, nhưng lại chua, ngập ngang bụng. Chie năn lác là béo! Chúng ta phải chế ngự được nguồn nước trên núi đổ xuống, làm lại mặt bằng đồng ruộng, nhiều việc khác nữa…Bà con khổ quá, bưng bát cơm, chẳng bõ với mồ hôi công sức đổ ra… Với lại cái phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất…Anh muốn nói đến những con người…Phải làm sao có một cách nhìn thật mạnh dạn và hiểu biết. Chứ lúc này cứ lúng túng như gà mắc tóc, thiển cận, vụn vặt thì chả ăn thua, khổ mãi.
Anh nghĩ tới những điều sâu sắc lớn lao như vậy. The thông cảm với anh, thương anh hơn. Lúc nào anh cũng đăm chiêu, tất tưởi, mới có gần tháng mà gầy vạc hẳn đi, da dẻ sạm nắng. Căn phòng anh lạnh lẽo. Có hôm, The mở cửa vào thấy quần áo bẩn anh vo tròn ném ở góc nhà, đính đầy bụi. Cô quét dọn nhà cửa, xếp đồ dùng lại gọn gàng, giặt giũ quần áo cho anh tử tế. Anh về không hay biết gì, lại bôi bẩn, lại bề bộn. Nhưng sau thấy The lặng lẽ làm việc như cô Tấm ấy thì từ đó anh cũng lặng lẽ thu xếp lấy tất cả.
- Anh cứ để em! Gì mà ôm lấy cho khổ! – The nói.
- Em cũng bận, với lại…Không…Không…- Anh lắc đầu, nét mặt đăm đăm buồn và bắt sang chuyện khác…
“Tối nay anh sẽ phát biểu ý kiến…” The gấp quyển sổ lại. Cô rủ một cô gái nữa lên núi hái chè, đun nước để tối anh em có cái uống.
Buổi tối mấy chục thanh niên và đoàn viên ngồi xúm xít vào một góc sân kho, hướng vào cái bàn mộc trên đặt cái đèn, ngọn lửa như cái lưỡi cháy sáng, reo phì phì, toả ra chung quanh núi đất đèn nồng và hắc. Cuộc họp đoàn đã tiến hành được quá nửa, The đứng sau bàn, mắt chớp chớp, tươi cười:
- Bây giờ xin mời đồng chí Niệm phát biểu!
Niệm rời chỗ ngồi đi đến bên The. Đột nhiên, một tràng vỗ tay ran ran, và những tiếng là lên:
- Đẹp đôi quá!
- Tuyên bố luôn đi!
Niệm gắng mỉm cười, còn The vội vàng chạy xuống, đấm vào lưng mấy bạn gái thùm thụp. Nhộn nhạo mất một lúc làm Niệm cứ phải đứng chờ. Sau rồi cũng yên ắng lại, anh bắt đầu nói lên những suy nghĩ của mình. Anh nói những điều mới mẻ, tạo bạo không chỉ với tư cách một cán bộ kỹ thuật mà còn là một đứa con, một thanh niên của làng quê. Anh coi những thuận lợi là cơ bản nhưng cũng không coi thường mức độ trầm trọng của những khó khăn to lớn mà trên con đường đi lên, hợp tác xã đã và sẽ vấp phải. Một số điều thực tế ở làng được dẫn ra, được phân tích bằng cái nhìn thẳng thắn và hiểu biết. Những lời nói của anh có sức thu hút mạnh mẽ, lay động mọi người.
- Tôi tin rằng với cách nhìn mới về nông nghiệp, chúng ta biết làm ăn, chẳng mấy chốc mà giàu to. Tiềm lực đất đai và sức người của ta còn lớn lắm. Vấn đề là ta khai thác như thế nào? Với khoa học kỹ thuật, với tình yêu đất đai và cuộc sống, chúng ta sẽ không như bây giờ, bốn, năm tấn trầy trật mà là mười, mười lăm tấn lương thực trên một đơn vị canh tác.
Bài diễn văn ứng khẩu của anh bị cắt bởi những tràng pháo tay nồng nhiệt. Nhìn những khuôn mặt tưng bừng phấn khởi của các bạn trẻ anh biết anh đã không nhầm khi quyết định xin về quê hương. Với những con người này, ước mơ cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ cho quê hương của anh sẽ đựơc thực hiện…
Cuộc họp đoàn có dư luận xôn xao. Ngay đêm đó, một số lời nói cảu Niệm theo gió đã bay vào khắp mọi căn nhà. Mỗi người để ý một khía cạnh. Và ngay cả những người cùng quan tâm một vấn đề cũng có những lời bình phẩm khác nhau.
- Anh ta nói gì mà trứng khôn hơn vịt, động đến cả bậc chú bác quản trị, chi bộ thế?
- Chả chi anh ấy cũng là kỹ sư, anh ấy biết chứ!
- Cái thằng nói cũng có lý, nhưng vạ miệng chưa chừng!
Lời đồn đại nhiều quá, ông Thừa biết là sẽ có chuyện không hay xảy ra, bèn đến hỏi Niệm:
- Này, chả phải chuyện chơi đâu! Cháu đã quy nghĩ kỹ chưa?
Niệm cười, nhìn ông như ngạc nhiên rồi trả lời nhỏ nhẹ, nhưng chắc như đóng đinh:
- Cháu có cơ sở khoa học mới nói.
Ông Thừa không chờ đợi một câu trả lời như thế. Đối với ông, cứ mỗi ngày Niệm lại bộc lộ thêm một chút khó hiểu. Đầu tiên, ông cứ tưởng anh vẫn là một đứa trẻ ngây ngô thì anh đã trở về với tư cách một kỹ sư chững chạc. Rồi ông ngỡ anh sẽ sắm sửa thu vén chuẩn bị cho cái gia đình con con nay mai của anh thì anh lại lang thang bì bõm ngoài đồng. Buổi tốn lẽ ra anh phải hay đến nhà ông vì đó cũng như thể nhà anh và vì cả cái The nữa, thì anh ngồi tận khuya lầm bầm cái tiếng Anh, tiếng Nga gì đó…Rồi nhìn cái gì của hợp tác xã cũng nhíu mày, lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng. Lại còn mơ ước trời biển gì đâu nữa! Nhất là lại phát biểu vung lên trong cuộc họp đoàn…Ông vẫn thường nghe nói bọn trẻ có học hay khinh nhờn, tự mãn, bài bác chẳng nể ai. Nhưng nghe ở đâu đó thì chưa ai động đến ông, ông vẫn có uy tín tuyệt đối ở cái làng này. Ông bình thản nói với các bạn già: “Cánh ta lắm anh cũng bảo thủ ra phết: bọn trẻ cũng có lý của chúng chứ!” Nhưng nay, ông thấy khó chịu thực sự. Chẳng hiểu anh ta nghĩ thế nào?
Vừa lăn quả cà nhặt được ở đâu đó từ tay nọ qua tay kia như đứa trẻ mải nghịch. Niệm vừa nói:
- Cháu cứ băn khoăn tự hỏi vì sao làng ta đến nay mới được thế này? Thiên tai, địch hoạ, vâng, cái đó thật là ghê gớm…Nhưng Vũ Thắng, Định Công thì sao, họ khác gì chúng ta? Vấn đề là nếu ta có cách nhìn nhận và có biện pháp tốt. Cháu muốn nói là…
Ông Thừa thấy trong lời nói của Niệm có những cái gì khó lọt lỗ tai ông. Bị mếch lòng, nhưng ông lại cười vẻ dễ dãi! (để xem hắn còn nói những gì):
- Cứ nói thẳng! Anh muốn góp ý phê bình thì cứ nói mạnh! Chỉ những ai không muốn tiến bộ, mới sợ phê bình, sợ người khác vạch cái non kém của mình ra thôi!
- Cháu định viết một bản đánh giá khái quát về hợp tác ta, trên cơ sở đó sẽ đề ra những biện pháp hành động cho tương lai.
“Ghê chưa!” - Ông Thừa nghĩ nhưng lại sốt sắng:
- Ừ! Anh viết đi!
“Cái thằng, ngu dại ngông cuồng làm sao!”. Ông nghĩ và vẻ bực bội hiện lên nét mặt.
Bà Thừa thấy ông có vẻ bực bội, sẽ sàng bảo:
- Hắn trẻ người non dạ, ông coi phải trái đằng nào thì nói hắn một tiếng!
- Ừ thì nói, nhưng bà tưởng hắn chịu nghe cho à? Lại cho là mình bảo thủ chuyên quyền ngay!
- Chết! Chết! Gì mà ông cứ oang oang! Nhỏ nhẹ nói, không thì cũng che đỡ cho hắn, cứ ai lại! Con rể chứ người dưng nước lã đâu!
“Sai thì đến bố rể tôi cũng không bênh được!”
Ông Thừa nghĩ bụng nhưng không nói ra. Giải thích được cho bà ấy hiểu cũng còn xơi. Mà rồi bà ấy sẽ chì chiết ông không biết thương con cái. Trong quan hệ với vợ ông lấy nín nhịn làm đầu.
Mấy đêm liền Niệm trằn trọc. Những ý nghĩ căng thẳng lôi anh về hai phía ngược nhau. Lúc anh ngả bên này, lúc ngả bên kia. Cuối cùng anh thấy rưàng cần phải làm sáng rõ thật nhanh những quan hệ riêng với The nữa. Anh sẽ phơi ra trước mắt mọi người, để mọi người nhìn nhận, đánh giá và quyết định…Anh viết thư cho cô gái, người sẽ là bạn đời của anh gọi cô đến. Và trong sự day dứt mãnh liệt, anh dồn tất cả sức lực vào những trang viết, những trang viết mà anh hiểu rằng nó không chỉ có ý nghĩa với anh mà còn quê hương anh nữa.
xxx
- Im đi! Không phải việc của bà!
Chén rươụ đầy rung rung trong tay ông Thừa. Ông kề vào đôi môi đã say mềm, uống ừng ực. Rồi dằn mạnh xuống mâm, ông đưa tay với cái chai. Nhưng ông đã dánh đổ loảng xoảng.
Bà Thừa tái người, ngừng tay bện chổi. Từ nãy bà vẫn tỉ tê than thở, chì chiết ông chồng nuôi ong tay áo, ra công gây dựng cho cái kẻ bội bạc kia. Ông không trả lời, cứ lặng lẽ rót uống. Thì bà đã vạch cho ông thấy cái ngu dại của ông rồi, đối đáp gì nữa. Nghĩ thế bà càng làm nê, mỗi lúc một “mát mẻ”…cho đến lúc này, ông quát tướng lên, thì bà tái người, bao nhiêu uất ức tiêu tan, chỉ còn nỗi hãi hùng…Bà lấm lét nhìn ông. Trong ánh mắt sáng nhập nhoạng của ngọn đèn dầu treo trên xà nhà, khuôn mặt ông chìm đi, chỉ thấy một đôi mắt như lồi ra, đỏ đòng đọc.
Làng xã vẫn coi ông là người mát tính, chẳng bao giờ cáu giận, có chuyện gì, rắc rối cũng cười khà khà tìm cách giải quyết êm thấm. Mấy mươi năm sống với ông, bà Thừa càng hiểu điều này lắm. Lúc ông trái ý, bà gắt om nhà, ông chỉ lắp đi lắp lại độc một câu chống chế: “Ê…mẹ con The…làm chi mà…”. Và rồi ông lẩn đi đâu đó… đến khi cơn giận của bà nguôi. Những tưởng cho đến khi về theo tổ tiên ông cũng chẳng to tiếng với vợ. ấy vậy mà…
Run rẩy, sẽ sàng, bà tìm một lời hạ máu nóng của chồng:
- Thì tôi cũng nói rứa…ông có nghe thì nghe…chứ ai đời…
The ngồi băm rau lợn ở góc sân, nghe rõ mọi chuyện, cô không thể bình thản được nữa. Xấu hổ, tủi thân, cô ném dao chạy ra sau bếp, ngả vào bóng tối cây rơm, nước mắt ứa ra. Những cọng rơm sột soạt, lao xao mỗi khi cô nấc rung cả vai. Có cái gì ngọt ngào cay đắng quá. Cây rơm chẳng phải chỗ để cô trốn được…Cái tết năm ấy vào lúc pháo nổ ran ran khắp làng đón giao thừa, nồi bánh chưng sôi sùng sục trong bếp, cô đã để cho người ta hôn lên má cô nóng bỏng vì lửa, ngay trong bóng cây rơm này!…Cô lùi lũi đi ra ngõ. Gió thổi lạnh lùng. Ngõ cũng không phải nơi vô tình. Dưới dãy tre ngà vít cong như cổng tò vò và những cây sở âm thầm này có bao nhiêu kỷ niệm đưa đón… The đi ra đường làng, muốn trốn tránh, muốn quên đi. Thực tình cô không thiết tha gì con người đó nữa, nhưng sao lòng cứ nhói đau. Cô tìm đâu được một chốn yên tĩnh? Này đây con mương đào theo sáng kiến cuả người ta, đây là pa-nô người ta cùng tổ thông tin xã dựng lên…đây nữa… đây nữa…lại kia, mảnh đất đang bỏ hoá cạnh nguồn nước xạ mà hợp tác xã đã có ý định cho những ai đó dựng lên một tổ ấm nho nhỏ…Con người ấy ở đây. Chẳng thế nào khác được? The trốn tránh làm sao? Mà việc gì cô phải trốn tránh?
Mệt mỏi, The ôm mặt ngồi xuống một gốc sở.
Trong làng, vài ngọn đèn còn le lói giữa đêm mênh mông. Phía núi càng đen kịt, chỉ có trên chóp bắt ánh sáng bạc của vầng trăng cuối tháng sắp mọc. Ngoài ga Đò Lèn huýt lên một tiếng còi tàu nghe thăm thẳm. Rồi lại yên tĩnh, yên tĩnh lạ lùng…
Chuyện vỡ ra thật bất ngờ, nhưng tất yếu. Một người con gái lạ xuất hiện ở làng. Chị ta mặc quần âu, tóc uốn, nét mặt tuy không đẹp nhưng thông minh, sâu sắc. Và The hiểu vì sao từ lúc về làng Niệm lại có thái độ lạ lùng với cô như vậy. Cô cũng hiểu “một chuyện quan trọng” mà bao lần anh định nói là gì. Cô đã mất anh từ lâu rồi. Có điều cô không biết mà thôi. Nhưng The bình tĩnh. Chẳng hiểu sao The lại có thể bình tĩnh đến thế khi nói chuyện với “nhà chị kia”: “Anh ấy yêu chị…em mừng cho chị có hạnh phúc!”.
Làng xóm lại xôn xao lên một lần nữa. Là người rất thương quý, tự hào về Niệm, Đông thấy như bước hụt.
- Mày làm sao thế? Chả hiểu nhà cô kia đẹp hơn cô The chỗ nào? Có lẽ mày lại định nói đến qui luật chi chi đó của tình yêu chứ gì? Nhưng muốn gì thì mày cũng phải chịu trách nhiệm nghe chưa? Lẽ ra mày phải mở mồm nói với người ta một câu có đầu có đuôi chứ! Lúc trước sao dẻo mồm nịnh hót, hứa hẹn thế? Mày tưởng mày đã thế, con The lại còn thiết tha bám lấy hẳn?
Đông mắng té tát Niệm một trận như thế rồi tìm lời an ủi The. The nghẹn ngào, mắt lưng tròng:
- Em cũng chẳng thù ghét gì anh ấy! Nếu chẳng yêu nhau lại sinh thù ghét thì cuộc đời còn nghĩa lý gì!
The muốn mọi người quên đi, nhất là đừng tỏ ra thương hại cô, cũng đừng nghiệt ngã với người ấy. Dù sao thì mọi chuyện đã xảy ra rồi và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Cô vẫn làm việc của cô, một xã viên, một bí thư thanh niên; anh ấy vẫn làm việc của anh ấy, một kỹ sư của làng. Hai người chung một mục đích nên vẫn phải gắn bó với nhau, nương dựa vào nhau.
The tìm đến gốc sở này để khóc cho nguôi, cho vợi nỗi đau khổ đi. ở đây, cô được tự do hoàn toàn, chẳng ai nghe, chẳng ai thấy cả. Cô chôn chặt nó ở đây.
Khuya lắm the mới về. Nhà tối om, nhưng cô biết bố vẫn ngồi đó, trên cái tràng kỷ tre. Mấy hôm nay nhà như đang trong một trận bão. Mẹ từ chỗ nằng nặc buộc bố phải “che chở” cho Niệm đã nhiếc móc bố, nay lại nguyền rủa Niệm và đòi phải làm cho ra nhẽ! Mẹ như vậy cũng xuất phát từ chỗ yêu con. Nhưng với cái tình yêu nhỏ hẹp, đàn bà ấy, mẹ chẳng biết rằng chính mẹ đã làm The thêm tủi thân, đau khổ, làm cho bố phải giận dữ đùng đùng. Còn bố, nỗi lòng của một người cha có con gái bị bỏ rơi lẽ nào không tê tái? Nhưng ông bình tĩnh hơn. Cái đó cũng chưa làm ông phải suy nghĩ nhiều bằng những điều Niệm đề nghị trên con đường tổ chức lại sản xuất. Nó động chạm đến cuộc sống của hàng tram, hàng nghìn con người, đến uy tín của ông, của các đồng chí như ông…
The dậy sớm nhưng đã lại thấy bố ngồi đó. Chẳng lẽ bố ngồi vậy suốt đêm? Thấy The, ông gọi cô lại. The nhìn bố mà giật mình. Khuôn mặt ông hốc hác, gò má nhô cao lên, đầy những xương xẩu. Mắt quầng thâm mà long lanh như trên cả người ông chỉ có nó là còn hoạt động. Mặt đất, mặt bàn đầy bã thuốc lào, bốc lên mùi nôn nao.
- Bây giờ con nghĩ sao? - Ông hỏi.
The hiểu là bố nói đến Niệm. Cô lắc đầu cương quyết:
- Bố đừng hỏi con, cả mẹ nữa, con không muốn ai nói đến chuyện ấy nữa!
- Không! Bố hỏi con về chuyện hợp tác kia!
- Tuy chưa có nhất trí nhưng phần lớn thanh niên cho rằng anh ấy nói đúng! Phần con, con cũng nghĩ thế!
- Bố cũng nghĩ như con. Nhưng nhiều người vẫn căng thẳng với cách đặt vấn đề của anh ta, lại thêm cái chuyện riêng của con nữa! Song bố sẽ có ý kiến, dù có phải tranh luận nhiều. Tất cả phải rạch ròi, sòng phẳng, phải được nhìn nhận sáng suốt thì mới làm ăn được!…Con chịu khó quét nhà cửa sạch sẽ hộ bố…
Ông Thừa lững thững ra ngõ. Hơi ẩm của đường làng, một ngọn gió phóng khoáng thoang thoảng hương thơm đất đai làm cho ông thấy tỉnh táo hẳn sau một đêm thức trắng. Ông bước trên những con đường quen thuộc, nơi gắn bó cả cuộc đời ông, cuộc đời bao người khác và nhận ra từ xưa nó không như thế này, nó đã trải qua nhiều cuộc đổi thay có khi đau đớn, và sắp tới, nó còn đổi thay để bắt tay vào một vụ cày cấy mới.
1979
Bông cúc thuỷ tinh vàng
Không phải là chuyện nói về một bông cúc vàng hay cúc trắng trong các vườn hoa, nhưng đây đúng là chuyện nói về một bông cúc. Bạn hãy theo dõi.
Buổi tối hôm ấy không phải mùa thu mà là mưa hạ. Đường phố đã lên đèn. Những ngọn đèn vàng dịu toả ra xung quanh thứ ánh sáng mở tỏ. Vì là tối thứ bảy nên đường phố tập nập lắm. Những dòng người đi lại ồn áo như mắc cửi. Trong dòng người ấy bạn thấy Cang, anh công nhân nhà máy cơ khí Chiến Thắng. Cang bước rất nhanh như đang vội vã đuổi bắt ai. Gót giày anh nện xuống lòng đường cồm cộp. Đúng là gót giầy chứ không phải đôi dép cao su như thường ngày. Bạn cần biết thêm rằng Cang đi giày uy-níc, mặc quần “téc” và áo phin pha nilon. Tất nhiên mặc như vậy bị coi là lố. Bởi vì tối hôm nay nóng lắm, mọi người đều chỉ mặc nhẹ thôi.
Có lẽ hôm nay là một ngày gì đặc biệt của Cang chăng? Ví như anh đi ăn cưới một người bạn chả hạn (giả thiết này tỏ ra không vững vàng bởi bây giờ chưa phải mùa cưới…). Vậy thì có thể là anh đi…đấy, Cang đã đi đến đường Lê Lợi rồi, bây giờ anh rẽ vào phố Ngọc Trạo. Mọi chuyện đã rõ ràng: Cang đi thư viện. Hàng năm nay bạn đã thấy vậy rồi! Nhưng đi thư viện mà diện “mốt” như vậy ư? Thật là kỳ cục.
Nhưng cần gì, bởi vì trong túi Cang có một bông hoa. Bông cúc Cang mua ở Hà Nội. Bạn đừng sợ Cang làm bẹp bông hoa, cũng đừng sợ nó đã héo. Bông cục này không bao giờ héo được bởi nó được tạo bằng thuỷ tinh. Cang mua bông cục này cũng là ngẫu nhiên thôi.
Phải nói chuyến đi Hà Nội vừa rồi là một chuyến đi lịch sử. Có hai lẽ để khẳng định như vậy: một, chuyến đi đầu tiên; hai, đại diện hàng trăm người khác.
Ở trụ sở Trung ương Đoàn, Cang đã trình bày một cái báo cáo ngắn. Anh nói về mình đã học tập như thế nào để trở thành người thợ giỏi, có nhiều sáng kiến giá trị. Anh nhấn mạnh đến tác dụng của những cuốn sách kỹ thuật… Hội trường hàng mấy trăm người vỗ tay như sấm dậy, tán thưởng bản báo cáo của Cang. Mắt Cang cứ loá đi vì những ánh chớp liên tiếp của những cái máy ảnh hiện đại. Suốt mấy ngày lòng Cang tràn ngập những xúc cảm rạo rực bởi những cuộc tiếp xúc, những lời thăm hỏi của các đồng chí phóng viên, các đồng chí Trung ương Đoàn, các bạn công nhân trẻ cũng có nhiều thành tích cũng được mời về đại hội như anh. Có những giây phát sung sướng đó là do anh đã cố gắng phấn đấu hàng mấy năm trời với tất cả sự say mê, nhiệt tình đến quên ăn, quên ngủ, đến bỏ cả những thú vui thường tình (cũng chính đáng) đối với một người thanh niên. Phải, trước hết là do đấy. Sau phải kể đến sự giúp đỡ của các kỹ sư, công nhân, cán bộ trong nhà máy đến sự hỗ trợ của những cuốn sách kỹ thuật mà anh mượn được trong thư viện.
Đại hội kết thúc rồi, lòng bừng như một hòn than, Cang xông ngay đến ga Hàng Cỏ. Anh nhở tới quê hương, nhớ tới bạn bè, muốn bay về ngay. Tất nhiên mọi người sẽ đón anh như đón một niềm vinh dự của họ.
Nhưng đời có bao giờ chiều người. Nó thường có những cái rắc rối chẳng ai ngờ được. Sau khi đã xếp hàng đến tê dại đôi chân, nhàu nát cả quần áo, Cang đành ra khỏi phòng đợi nhà ga. Hết vé!
Sáu tiếng đồng hồ nữa mới có tàu.
Anh thanh niên tỉnh lẻ ra thủ đô lần đầu cũng chẳng khác gì con nai tơ lạc xuống đồng bằng. Cang không dám đi đâu hết, chỉ sợ lạc đường. Cái gì đối với anh cũng lạ lùng: nhà cửa,đường phố cao rộng. Những cái biển quảng cáo. Những nét mặt, giọng nói người xung quanh… Đối với Cang tất cả mọi người xung quanh đều là “người Hà Nội” vì thế anh đâm rụt rè một cách quá đáng. Anh tò mò nhìn tất cả. Giữa những thứ hàng hoá xinh xắn, sặc sỡ trên sân ga luồng mắt anh bất chợ chói lên vì một thứ gì đó phản ánh nắng vàng trực trong cái mẹt hàng của một đứa bé xinh xắn.
Đứa bé gái biết được cái nhìn đó của anh, nó chào mời đon đả ngọt ngào:
- Chú ơi! Chú mua một cái gì làm kỷ niệm này…
Nếu lịch lãm thì anh hiểu những lời ấy chỉ là những lời rao hàng bình thường và có thể từ chối. Nhưng lời chào mời với anh tha thiết quá, anh không nỡ bỏ đi. Con bé nhón cái bông cục đưa anh em:
- Chỉ có bốn đồng thôi chú ạ. Cháu bán hoà vốn cho chú đấy!
Bông cúc nhỏ xíu, chỉ bằng cái miệng chén vàng rực, tinh vi, lấp lánh. Một cái lá cũng tinh vi không kém ngả ra đỡ lấy bông hoa. Anh ngạc nhiên về sự khéo tay của người thợ thủ công nào đấy. Tuy nhiên bốn đồng thì đặt quá. Nhưng anh không dám mặc cả. Thanh niên, mua bán ai lại mặc cả. Vậy là ngẫu nhiên anh có bông cúc thuỷ tinh vàng.
Về đến nhà, mẹ, các em anh ra đón mừng rỡ, lúc bấy giờ anh mới ớ người: Anh đã không mua được một thứ quà cáp nào cho các em cả. Thật là hối hận. Nhìn những đôi mắt tưng hửng của mấy đứa em Cang ngượng vô cùng.
Ởû xưởng thì tình hình khác hẳn. Bởi vì mẹ đã mắng anh vì tội không mua quà. Cụ buộc anh mua ít gói thuốc lá, mấy cái kẹo, chia cho bạn bè…
Người ta đón tiếp Cang thế nào, anh kể chuyện ra sao, thật là dài dòng…chỉ biết rằng mọi việc đều như ý. Anh được nghỉ nốt ngày thứ bảy, nhưng anh không an tâm, cứ lang thang hết chỗ này chỗ nọ trong xưởng…
Và bây giờ thì anh đi đến thư viện. Anh định bụng tối thứ bảy này sẽ mời Cúc đi chơi, anh sẽ tỏ tình với Cúc và tặng Cúc bông hoa. Lòng rạo rực, anh thầm cảm ơn con bé bán hàng ở ga Hàng Cỏ sao nó lại đưa cho anh bông cúc này nhỉ? “Cô ta” cũng tên là Cúc. Có cái số má gì đây. Biết đâu, ừ, biết đâu đấy…Duyên xe trời buộc là cái chuyện xưa nay. Cô ta tên là Cúc, mà anh thì lại có một bông cúc vàng…Thật là một sự ngụ ý mà nếu như những cuốn sách anh đã xem là đúng sự thực thì…
Anh không dám nghĩ tiếp nữa. Những ý nghĩ sau đó có cái gì như một sự vụ lợi, một sự làm thoả mãn mình một cách không chính đáng, rất đáng xấu hổ. Bởi vì Cúc bây giờ đã là của anh đâu.
Anh bước lên bậc tam cấp vào hành lang “phòng mượn” của thư viện. Ánh điện trong nhà hắt ra sáng loá. Đứng ở ngoài đã thấy những giá sách ngồn ngộn, cái tủ phiếu với những ngăn kéo có dán những miếng giấy trắng : “Văn học”, “ Dân tộc học”, “ Kỹ thuật”, “ Ngoại ngữ”… rất quen thuộc với anh.
Cúc đang ngồi ở sau bàn, quay lưng lại những giá sách. Xung quanh cô những người đến mượn đang chờ đợi. Phòng đông người nhưng vẫn im lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng giở sách loạt soạt. Những mái đầu cúi xuống trang sách say mê. Người ta bảo muốn đánh giá đúng trình độ văn hoá của nhân dân trong một thành phố, chỉ cần đến các hiệu sách, đến các thư viện của thành phố đó. Nếu các phòng đọc của thư viện ăm ắp người thì chứng tỏ một trình độ văn hoá, một sự ham học cao. Số lượng người đến thư viện và hiệu sách làm cho người ta có thể tin được hay không tin ở sự thực hiện những kế hoạch to lớn của đất nước trong tương lai.
Cang dừng lại ở hành lang. Anh đứng ẩn mình vào khoảng tối giữa những luồng sáng trong phòng chiếu ra. Để giấu sự hồi hộp anh chăm chú nhìn bầu trời đen đặc những mây. Có thể nửa đêm nay sẽ mua vì bây giờ oi quá. Không khí đầy hơi nước bao giờ cũng ngột ngạt khó thở. Mồ hôi lần mần bò ra khắp người anh. Tại sao mình lại hồi hộp thế này? Đâu có phải còn ít tuổi nữa. Hăm nhăm rồi còn gì. Cúc nhìn ra kìa…Cô ta có thể thấy mình không nhỉ. Không, mình đang đứng trong tối. Dù sao thì cũng phải chờ cho ngớt người đi đã. Năm nay Cúc bao nhiêu? Hai mươi à, hay hăm ba. Mình thích cô ta hăm ba. Trai hơn hai, gái hơn một. Tại sao suốt mấy năm mình không hỏi Cúc bao nhiêu tuổi, cứ chúi mũi vào sách vở. Đã đành mấy quyển sách nó làm mình mê đi như bị thôi miên, nhưng quên phắt cả đời tư chưa hẳn đã là một cách sống hay. Mà mình thì thấy Cúc đẹp từ lúc nào chứ ban đầu mình chẳng thấy rung động gì cả…
Cang cứ nghĩ quanh quẩn như vậy ở hành lang.
Từ lần đầu tiên anh đến thư viện đến nay đã được hai năm. Khi người ta đã say mê cái gì thời gian trôi đi rất nhanh. Hồi ấy anh là một người thợ bậc hai. Một anh thợ máy bậc hai cũng có nghĩa là thợ xoàng. Đang còn ít tuổi anh không muốn mang cái tiếng ấy. Nhất là khi mấy “cô bé” kỹ thuật viên “nhí nhố” cứ làm bộ làm tịch. Cang mày mò học, đôi tay anh tỏ ra khéo léo trong mọi công việc. Việc gì người ta bày cho anh một lần là anh làm được, không phải đến lần thứ hai. Và cũng chỉ có thế. Đôi khi làm nhưng anh không hiểu lắm, những nguyên tắc của máy móc. Nghe các cô kỹ thuật viên trình bày những bản vẽ anh cứ như con vịt nghe tiếng sấm, chả hiểu mô tê chi chi. Bởi vì anh là một người thợ chỉ được kèm cặp. “Cần cóc chi lý thuyết, cứ làm đi!”. Một ông thầy anh từng dạy anh thế từ những ngày đầu khi anh bước chân vào nghề, có những băn khoăn, thắc mắc. Bây giờ anh thấy rằng không thể nghe thầy được nữa. Cang tìm đến kỹ sư Sơn.
- Cậu muốn học ư? Mình bày cho cậu nhé! – Sơn nói – cậu cứ đến thư viện. Ở đấy có đủ các thứ sách. Bước đầu mình giới thiệu với cậu một cuốn: Lý thuyết động cơ nổ. Mà này, cô giữ tủ sách khá ra phết đấy.
Cang đến thư viện vì như thế. Anh đến phòng Giám đốc xin giấy giới thiệu, ông Giám dốc khen anh có chí và cấp giấy ngay. Hôm ấy anh vào thư viện với một bộ đồ công nhân còn lấm lem dầu máy và nặng mùi mồ hôi. (Hết giờ trưa anh tranh thủ tạt vào luôn) Cúc là nguời đầu tiên đón anh. Cô này tay Sơn khen đẹp đây. Thằng cha đúng là “bốc”. Một cô gái hơi béo quá, mắt một mí, lông mày lá liễu nhưng không hợp với khuôn mặt có làn môi thô. Chỉ được nước da trắng.
- Chị cho tôi cái thẻ thư viện.
Cang nói và đặt giấy giới thiệu xuống bàn. Cúc xem giấy một lúc lâu rồi lấy một cuốn sổ ghi tên anh vào. Cô rút ra một tấm giấy cứng. Cang đọc được ngay: Thẻ độc giả. A, thì ra cái thẻ độc giả nó như vậy.
Cúc viết tên anh, chữ khá đẹp.
- Anh nộp cho hai hào – không ngẩng lên, Cúc nói.
Cang cuống cuồng, trong túi anh không có một xu nào cả. Bây giờ phải thú nhận với cô ta là anh không có tiền ư? Sơn nói với anh: “Cậu cứ mang giấy giới thiệu đến đưa cho cô Cúc, cô ta sẽ thu giấy và cấp thẻ cho cậu ngay. Rồi cậu muốn chọn sách gì thì chọn”. Sơn không nói đến hai hào oái oăm này. “Người ta đang khuyến khích công nhân đọc sách cơ mà! Khuyến khích gì lại bắt nộp hai nào mới được đọc!” – Cang nghĩ như vậy và sau này anh thấy mình thật là thộn.
- Anh cho hai hào nhé! – Cúc nhắc.
Cang đỏ bừng mặt lên, muốn rút lui nhưng không được nữa rồi.
- Tôi…nói thực là tôi không…mang tiền…
Anh thấy Cúc mỉm cười. Cười mỉa mình chăng? Coi chừng đấy em ạ, khi em xúc phạm đến danh dụ tôi, em sẽ thấy! Nhưng Cúc đã nói:
- Thôi được. Hôm sau anh mang đến vậy. Bây giờ anh mượn cuốn gì?
Nhẹ nhõm quá. Cang nói:
- Lý thuyết động cơ nổ.
- Ký hiệu?
- Hả?
Cang phát chán, lại còn ký hiệu nữa! Ký hiệu là cái quái gì? Lắm chuyện rắc rối quá.
Chừng như hiểu ý Cang, Cúc nói:
- Anh chờ tôi một tí nhá!
Cô ghi nốt những giấy tờ đang ghi dở rồi đứng dậy.
- Anh lại đây.
Đứng trước tủ phiếu, Cúc giảng giải:
- Thế này nhé, trong thư viện có hàng vạn cuốn sách với hàng chục loại. Anh cứ xem trong thẻ đã thấy hàng mười mấy loại rồi. Chúng tôi không thể nhớ hết tên sách. Cho nên người mượn phải nói ký hiệu sách, biết ký hiệu chúng tôi mới tìm được.
Và cô chỉ cho anh trong một tờ phiếu thì ký hiệu nằm ở chỗ nào. Một cô gái rất lễ độ, dịu dàng. Cang nhận xét. Và anh đã nhận xét không nhầm vì sau đó lần nào anh đến Cúc cũng rất ân cần. Cúc nhớ tên anh và biết rõ anh chỉ đọc sách kỹ thuật. Điều đó làm anh thú vị. Giữa hàng trăm người cô đã nhớ tên anh mặc dù một tuần anh chỉ đến một lần và mỗi lần dăm phút. Đôi khi anh và Cúc lặng lẽ không nói với nhau một câu. Anh đến, rút ngay ngăn kéo phiếu ra lúi húi tìm, ghi ký hiệu sách vào một mảnh giấy nhỏ, đặt lên bàn Cúc. Cúc cầm lấy, đi vào lục lọi trong những giá sách đều chằn chặn. Một lúc sau cô mang ra quyển sách anh cần. Anh giở giở vài trang nhìn cho đỡ tò mò rồi để khỏi gây ồn ào, anh gật đầu chào Cúc và Cúc đưa mắt nhìn đáp lại.
Mang những cuốn sách về nhà Cang say mê đọc. Ai bảo đọc sách kỹ thuật khô khan. Mới đầu nhìn vào những con số, sơ đồ, mô hình…Kể cũng ớn người thật. Nhưng khi đã bập vào và anh có một chút kiến thức để có thể hiểu được nó và nhất là công việc ở nhà máy thúc bách anh phải đọc nó để giải quyết kịp thời thì anh sẽ tìm thấy hứng thú. Kỹ thuật dường như là một chuỗi bí mật liên tiếp và vô tận. Anh như một người thám hiểm cứ dò ra cái bí mật này, thấu hiểu nó lập tức lại gặp một bí mật khác hứa hẹn với anh bao nhiêu điều kỳ lạ trong đó. Anh không thể dứt ra được. Và anh cũng không muốn dứt ra bởi anh gặp trong những cái rắc rối, những cái làm đau đầu ấy, những hứng thú thần tiên, cái hứng thú của một người mở toang một cánh cửa bí mật để lấy ra trong đó từng đống ngọc ngà quý giá…
Tay nghề của Cang tiến bộ rõ rệt. Anh đã bắt đầu có thể tranh luận với các cán bộ kỹ thuật được đào tạo ở nhà trường những vấn đề kỹ thuật phức tạp và nhiều lúc chiến thắng vẻ vang. Anh đá có một vài sáng kiến nho nhỏ. Anh không còn thấy những buổi tối không biết đi chơi đâu, những ngày chủ nhật rảnh rỗi nữa. Lúc nào hình ảnh những mặt cắt, những mô hình những công thức cũng như nhảy múa trong óc Cang. Có lần anh đã thốt lên: “Thời gian! Tôi cảm thấy thời gian khắc nghiệt quá!”. Sơn, vẫn cái anh chàng kỹ sư ấy, vỗ vai anh:
- Đấy là tiếng kêu than muôn thuở của những người ham học. Cậu cũng đã thấy thời gian khắc nghiệt rồi à?
Một hôm Cang tìm thấy tên một cuốn sách cẩm nang về nghề nghiệp của anh. Phải nói là anh mừng ghê gớm. Anh chép lấy ký hiệu đưa cho Cúc:
- Cho mình mượn cuốn này nhé!
Anh đã xưng “mình” với cúc từ hôm nào anh không còn nhớ nữa. Xưng hô như vậy thân mật hơn. Cúc đi tìm một lúc quay ra nói:
- Chỉ có hai cuốn nhưng người ta đều mượn cả rồi. Hai hôm nữa họ mới giả.
- Hai hôm nữa mình đến Cúc để cho mình nhé. Cần lắm.
Đúng hẹn, anh đến. Nhưng người mượn sách chưa đưa lại. Từ đó hôm nào anh cũng đến chầu chực. Thấy anh cứ đến mãi, chỉ đòi mượn cuốn ấy, Cúc đâm nể anh quá:
- Thôi thế này anh Cang ạ. Đúng là ông ta vớ được cuốn sách thú nên cứ om lại mãi. Rồi cũng phải giả thôi. Nhưng chưa biết đến hôm nào. Để anh khỏi mất thì giờ, hôm nào có sách tôi sẽ báo cho anh biết nhé.
Cang đành ra về.
Vào cái buổi tối chủ nhật đó…có thể coi đó là một buổi tối đáng ghi nhớ đi. Vì sau đó Cang thấy…Khoan! Cần phải hết sức thận trọng trong lúc này. Buổi tối đó Cang đi làm về muộn. Một ca máy hỏng đang làm anh đau đầu nên anh không thể rời nhà máy khi còn sớm được. Nhưng loay hoay mãi cũng không chữa được máy,người bảo vệ giục anh về. Cang về tới nhà, mẹ anh đã để cơm trên bàn. Giở chiếc lồng bàn ra anh chỉ thấy có một liễn cơm, một đĩa vừng rang và một vếch mắm tôm. Cởi chiếc áo đầy dầu mỡ ra để bên cạnh anh đánh trần ngồi ăn luôn. Cái sơ đồ máy anh vẽ ở xưởng để trên bàn, vừa ăn anh vừa nhìn. Mẹ anh gắt lên: “Thì ăn cơm xong đã nào!”. Anh ngồi ăn đến hàng tiếng đồng hồ vẫn chưa xong bữa. Mấy đứa em đã đi xem cả rồi. Nhà rất yên tĩnh, tiện cho việc suy nghĩ.
Bỗng dưng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Anh hơi bực vì có khách đến chơi lúc này. Mẹ anh đứng dậy mở cửa.
- Chào bác ạ!
- Vâng chào chị.
- Thưa bác, đây có phải là nhà anh Cang không ạ?
- Phải. Em nó đang ở trong nhà. Mời chị vào chơi.
Cang giật mình thấy tiếng ai quen quá. Anh ngẩng mặt lên thì đã thấy Cúc đứng trước mặt.
- Chăm thế! – Cô nói.
Anh hơi bối dối, vội úp chụp cái lồng bàn lại. Không hiểu cô ta có trông thấy cái đĩa mắm tôm không. Phải nói là hầu như chưa bao giờ có một người con gái đến chơi với Cang nên anh mới vụng về như vậy. Nhẽ ra thì phải mời Cúc ngồi xuống còn mình thì đi thay quần áo sạch sẽ vào. Nhưng anh cứ ngồi đực ra.
Mãi sau anh mới mạnh bạo nói, giọng như bị vỡ.
- Kìa, Cúc đến chơi!
Thấy cung cách thằng con trai như thế người mẹ vội nhắc nhở tất cả những điều anh cần phải làm. Hôm ấy Cúc đến đưa cho anh cuốn sách; cô đã đến nhà máy anh và người ta chỉ đến đây.
- Mình làm phiền Cúc quá! – Anh nói khi đưa tiễn Cúc.
- Không! Có gì đâu, em sợ anh mất thì giờ. Biết là anh đang cần cuốn sách ấy làm, nhân tiện mang lại thôi. Chứ anh đang nghiên cứu gì đấy?
Cang nói cho Cúc nghe vài việc anh làm được nhờ đọc những cuốn sách của cô.
- Sách của thư viện đấy chứ!
Cúc tỏ ra rất phấn khởi. Hai người cùng cười nhỏ. Thuận chân anh cứ đi mãi với Cúc, đến lúc Cúc giục anh về, thì anh như một thằng đần, quay đi ngay, cũng không nhớ ra rằng nên hẹn Cúc thỉnh thoảng đến chơi, dù để xã giao.
Mẹ anh cứ hỏi cô ấy con nhà ai và cũng được đấy, ngoan, làm anh cứ ngượng chín người. Bà cụ hiểu nhầm.
Nhưng chính sự hiểu nhầm của mẹ gợi mở cho Cang những ý nghĩ rất đầm ấm về Cúc. Anh mơ hồ cảm thấy hình như với mình Cúc có một tình cảm gì đặc biệt. Cúc tỏ ra rất quan tâm đến anh, lại đã xưng em! Cô yêu anh chăng? Không! Nói yêu thì quá sớm. Hai tiếng ấy nó như thế nào ấy! Có thể là Cúc “để ý đến anh…” và từ đó có thể nảy sinh một tình yêu lắm chứ! Người ta chỉ yêu được khi biết rõ về nhau. Biết đâu chả lấy cớ mang sách đến cho anh để Cúc làm quen anh. Đó là cái đêm đầu tiên anh khó ngủ vì bóng dáng một người con gái. Cũng may mà hôm sau là chủ nhật, anh có thể ngủ trưa hơn mọi ngày. Từ đó Cúc cứ luôn luôn hiện lên trong trí tưởng tượng của Cang. Một thời gian sau đó Cang nhận thấy nhịp độ đến thư viện của anh có dày hơn. Anh cứ tự dối mình đó là do yêu cầu học tập. Nhưng rõ ràng là ngày nào không đến thư viện là anh bồn chồn lạ. Anh để tâm cắt nghĩa tất cả những câu nói, cử chỉ của Cúc đối với anh và nhận thấy Cúc rất âu yếm với anh, với riêng anh! Một đêm anh còn nằm mơ thấy Cúc. Giấc mơ thật kỳ lạ. Anh đang đứng ở một nơi nào đó thì Cúc hiện ra. Cô tươi cười đến bên anh. Tay cô cầm một cuốn sách gáy vải, đưa cho anh. Anh mở cuốn sách ra, trong đó có bao nhiêu sơ đồ công thức mới lạ. Chúng nó nhảy múa tung tăng và cứ nhu một đàn tép trong te, dần dần nhảy hết vào đầu anh. Chỉ một loáng anh hiểu hết chúng và trở thành một người nắm được những kỷ thuật tối tân nhất về máy móc. Những trang giấy hết chữ, chỉ còn lại trắng tinh. Rồi anh thấy trên trang giấy đó hình ảnh anh và Cúc, hai người khoác tay nhau đi chơi. Anh âu yếm vuốt ve mái tóc Cúc, nhưng không phải nói về tình yêu mà nói về một thứ máy móc gì sau này anh không thể nhớ ra, chỉ biết chúng kỳ diệu lắm. Cúc thì luôn luôn tươi cười, khen anh ngoan, khen anh giỏi. Lúc ấy Cúc đẹp lắm. Một thứ màn sương gì bay bổng, thơm thơm vây quanh hai người. Anh và Cúc cùng nhìn về nơi chân trời. Nơi ấy, ánh hào quang toả ra chói sáng. Cuộc đời thật là đẹp. Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau chan chứa hạnh phúc. Anh hôn một cái rất dài, cháy bóng lên đôi môi đang cười của Cúc. Nhưng ơ kìa, sao Cúc lại dỗi, Cúc đẩy anh ra: “Anh không đứng đắn”… Anh chợt tỉnh dậy, trái tim đập như muốn bung ra. Trong tay anh, chiếc gối…
Một hôm nhân có đoàn Ca múa Trung ương về biểu diễn, trong lúc ở thư viện Cúc có trao đổi với anh vài câu về buổi tối đi xem. Anh đã mạnh dạn rủ Cúc cùng đi. Cúc cười:
- Được anh Cang mời đi xem thì hân hạnh quá!
- Ồ! Mình chỉ là một anh thợ – Buột mồn Cang nói rất ngọt ngào. thì ra lúc cần người ta cũng có thể sinh duyên được.
- Ấy, được một anh thợ bây giờ mới có giá. Lắm cô ao ước mà người ta có thèm đoái hoài đến đâu!
Chắc chắn là Cúc sẽ đi xem với mình, Cang mua hai vé loại sáu hào (sang nhất). Nhưng Cúc đã từ chối ngay từ đầu:
- Tối nay em vẫn phải làm…
Buổi ấy thư viện vắng, hai người nói chuyện thoải mái. Cang thao thao nói cho Cúc nghe tất cả những gì ở nhà máy mình, đặc biệt là những cuốn sách với công việc của mình. Cúc cũng chuyện rất là niềm nở. Đôi lần Cang muốn bóng gió thế nào cho Cúc biết lòng anh nhưng rồi anh lại thôi. Đằng nào thì Cúc cũng là “của anh” rồi! Tình yêu cũng như trái quả: Đến ngày tự dưng là nó chín. Mà quả chín cây mới ngon. Khi ngồi trên tàu về Cang đã tính đến chuyện đem bông cúc về tặng cho Cúc, và chẳng “oong đơ” gì cả, anh sẽ nói thửng với cúc rằng anh yêu Cúc. Tất nhiên anh sẽ yêu cầu Cúc trả lời ngay. Một tí ép buộc, một tí hờn giận, có thể được lắm chứ! Anh cảm thấy nếu không nói ra điều này thì chẳng bao giờ anh an tâm làm việc được nữa…Và Cúc, Cúc hãy hiểu điều đó mà dứt khoát đi…
Nhưng sao đông người mượn sách thế nhỉ? Cứ chờ thế này thì đến lúc nào? Tất cả những người kia chẳng tế nhị tí nào cả!
Cang bước vào phòng. Nhưng anh không lại chỗ Cúc mà đến bên tủ phiếu sách giả vờ tìm tòi. Có thể Cúc sẽ không nhận ra anh vì hôm nay anh diện “mốt” quá.
Cang ngồi, thỉnh thoảng đưa mắt ngắm Cúc một cách âu yếm. Cúc đã thấy anh. Cô khẽ gật đầu chào. Lúc này trông Cúc đẹp quá! Tại sao anh không nhận ra Cúc đẹp ngay từ những ngày đầu nhỉ. Cái đẹp của Cúc là cái đẹp duyên dáng làm rung động lòng người. Một cái đẹp có chiều sâu, bền chắc. Nếu phải đánh đổi Cúc lấy một trăm nàng công chứa đài các trước kia Cang cũng không đổi…
Một anh càng khoảng ba mươi tuổi, đeo kính gọng vàng, có vẻ là một nhà trí thức cũng đang lúi húi tìm sách cạnh Cang. Anh ta chúi mũi vào cái ngăn kéo đựng phiếu sách triết. à, một nhà triết học. Một lúc sau anh ta đứng dậy đến bên Cúc:
- Cho mình mượn cuốn này. “Chống Duyrinh”.
Cúc tìm đưa cuốn sách dày cộp cho anh ta:
- Nhức đầu lắm nhỉ!
Cô cười rất tươi. “Nhà triết học” cũng cười lại, kiểu cách:
- Thường thôi Cúc ạ. Này, mình về nhé. Nếu “Tạp chí triết học” về phải để dành cho mình đấy!
- Không để cho anh thì, còn ai!
“Nhà triết học” đi ra. Cúc chăm chú nhìn theo. Cang chột dạ. Anh như bị một phát đạn xuyên vào tim. Cúc đối với anh tá có phần âu yếm quá!
Lại một thanh niên nữa, dong dỏng cao, khá đẹp trai đến bên Cúc.
- Chào bạn!
- Chúc mừng anh nhé! Sao anh không nói với Cúc, cứ giấu giếm thế. Đến tệ. Mãi khi làm mục lục Cúc mới biết.
- Cùng một niềm vui nhưng đến bất ngờ bao giờ cũng lớn hơn được báo trước. Đúng không nào?
- Nhà văn có khác.
Tim Cang bị bắn thêm một phát đạn nữa. Cô ta cũng rất cởi mở với anh chàng văn sĩ này. Nhưng đã hết đâu, khi anh chàng kia vùi đầu vào cái ngăn kéo “văn học nuớc ngoài” thì lại một kỹ sư xuất hiện. Anh này phân bua lem lém:
- Anh lỡ hẹn với em rồi. Đến xin lỗi đây!
- Lần sau thế là phạt đấy nhé.
Trời ơi! Cang muốn kêu lên. Anh mới ngồi có một thoáng mà Cúc đã âu yếm, có những quan hệ đặc biệt với những ba người, cả anh nữa là bốn. Đàn bà họ như vậy sao? Làm như chỉ yêu có một mình anh thôi, trong khi đó đi yêu tất cả mọi người. Để rồi lựa chọn. Đúng, để lựa chọn. Tình yêu của họ như thế đây. Cang bỗng thấy đằng sau cái con người đáng yêu kia là một cái gì đáng khinh bỉ, đáng vạch mặt chỉ trán. Đầu cơ tình yêu. Tất cả những chàng trai kia ơi! Các anh bị lừa đấy. Các anh cứ chúi mũi vào sách vở, nghiên cứu, viết lách, lòng rất trong trắng, hành động rất vụng dại, các anh tưởng là cô ta yêu mình mình thôi ư? Cô ấy lừa các anh đấy. Anh chẳng qua chỉ là một trong rất nhiều món hàng cô ta đang cân thử trên đĩa cân. Không! Đừng có ảo tưởng. Các anh ngờ nghệch lắm. Mỗi cử chỉ, mỗi lời âu yếm của các anh đưa ra là một lời vàng, rút từ tình yêu đẹp đẽ của các anh vậy mà cô ta đón nhận bằng sự giả dối như vậy đấy!
Cang ngồi lặng đi, chống cả hai tay lên trán. Chưa bao giờ anh phải suy nghĩ căng như vậy, khó tự chủ như vậy. Mồ hôi Cang túa ra, nóng bừng bừng. Cái áo ni lông, cái quần “téc”, đôi giầy uy-ních…không phải là Cang muốn khoe mẽ. Anh đến đây với một tinh thần trang trọng, một tình cảm thiêng liêng đặng đến với một tình yêu đẹp đẽ, sáng ngời. Nhưng chua chát thay, người ta đã yêu anh với một tình yêu mới sáng lạng làm sao! Đời bây giờ cũng còn những cô gái như vậy ư? Mà lại ngồi chễm chệ trong một căn phòng chứa đầy những tinh hoa trí tuệ của loài người.
Đằng sau Cang có hai người đang trao đổi nho nhỏ với nhau. Cang lặng lẽ lắng nghe.
- Chiều người đọc quá là người yêu ấu nhỉ!
À, ra họ cũng đang nói về Cúc. Cang càng chú ý theo dõi.
- Này, mình nói cậu nghe chuyện bí mật nhé: Lúc đầu ấy, mình cứ tưởng cô ta chú ý đặc biệt đến mình và mê mình đấy…
Anh kia khúc khích cười:
- Rồi…chàng thất vọng khi thấy mình chỉ là một trong hàng trăm “ca” đặc biệt tương tự chú gì. Phải nói là cô ấy cũng vào loại “đặc biệt”.
- Ấy vậy mà có hồi mình giận cô ta, suýt nữa thì sinh chuyện.
- Cậu đúng là một con bò! Suỵt! Thôi nhé. Mất trật tự.
…
Hai người lại im lặng lục tìm những ô phích. Cang đứng lặng, bối rối tưởng như họ vừa nói về mình. Thì ra như vậy đấy. Mình cũng là một con bò không hơn không kém. Cúc ơi! Anh xin lỗi em. Chính ra là anh đã phải hiểu em hơn, từ đầu kia. Em đã giúp anh rất nhiều, nhờ có em, có những cuốn sách của em mà anh đã trở nên một người thợ giỏi. Anh phải cám ơn em. Cang đứng dậy. Anh đến trước mặt Cúc. Cúc tươi cười:
- Anh Cang diện quá!
- Cho mình mượn “Sức bền vật liệu” ký hiệu… Và “Thằng ngốc” nữa. Cúc trở vào lấy sách. Lát sau cô ra:
- “Thằng ngốc” hết rồi.
- Đang còn, đang còn một thằng ngốc đấy. Cúc không hiểu à?
Cúc nghĩ bụng: “Anh Cang hôm nay dí dỏm quá! Có điều gì phấn khởi lắm đấy”.
Đã hết giờ mở cửa, mọi người lần lượt ra về hết. Căn phòng trở nên rộng mênh mông, trống trải và yên tĩnh lạ lùng. Cúc đi xếp lại những chiếc ghế ngồi cho ngay ngắn, thu lượm vài tờ báo trên bàn. Rồi cô quay lại chỗ mình định cầm mấy cuốn sổ lên. Bồng nhiên cô thấy một cái gì vàng chói lên. Cái gì thế này?… Một bông hoa, hoa cúc bằng thuỷ tinh. Ôi, những cánh mỏng trông đều đặn, cứ anh ánh như hoa thật, hơn hoa thật thế này! Cô khẽ gõ đầu ngón tay út vào cánh hoa “tinh, tang”, âm thanh phát ra cao, trong vắt và rạo rực đến lạ lùng!
Nhưng không biết của ai bỏ quên…
Cúc nhớ lại tất cả những người hôm nay đã đến thư viện, nhưng vẫn không thể biết bông hoa của ai và vì sao ở trên bàn cô?
Hôm sau có xướng lên. Người quây vòng trong vòng ngoài, ai cũng tấm tắc khen bông hoa, nhưng không ai nhận cả.
- Thiên hạ bí mật tặng Cúc đấy! – Một người nói.
Sung sướng, gò má Cúc ửng lên:
- Em chẳng có cái vinh dự ấy.
Thế rồi Cúc bắt đầu để ý từng người. Nhưng bắt được mạch tim nhau đâu phải là chuyện dễ. Ai cũng như ai, cũng bình thường vậy. Này nhé anh nhà văn, anh kỹ sư… và Cang…Cang vẫn đến thư viện đều… Và câu hỏi chưa giải đáp cứ làm Cúc rạo rực…Hệt như trong truyện của Ang-déc-xen vậy: tự nhiên niềm vui hiện lên cảm động và ngời sáng…
Mùa hè 1973
Một cô gái mù lặng lẽ năm này qua năm khác kéo bè sang sông chở bộ đội đi ra chiến trường không cần mọi người biết tên, một phi công bị thương nặng vẫn lái máy bay chiến đấu như anh hùng phi công Meretxep ở Liên Xô (cũ), một cô gái chung thủy đợi người yêu từ chiến trường về, một người thợ say mê học tập để nắm vững tay nghề làm việc cho tập thế, một anh kỹ sư được làng cử đi học đại học vẫn quyết tâm về xây dựng làng quê khốn khó…
Bây giờ Đặng Ái rất ít viết và hầu như không viết nữa, ngoài vài quyết sách báo chí thi thoảng trình làng. Hỏi anh, anh cho biết – Văn báo chí nó giết văn chương, với lại thần tượng mình tôn thờ không còn lóng lánh như xưa nữa.
Điều đó tôi nghĩ hoàn toàn đúng. Đời hôm nay có được là nhờ những người vô danh ấy. Họ đã đổ máu và mồ hôi cho cuộc sống thanh bình hôm nay.
Nhưng đời đã quên họ. Bởi họ là những con người thật thà chân chất, họ làm sao biết được thế hệ mình và mình bị lừa để phục vụ cho một lợi ích phe nhóm.
Xin chia sẻ với nhà văn Đặng Ái
vannghecuocsong.com
Đò ơi
Có lẽ đã quá nửa đêm. Trong cơn mưa lâm thâm rầu rĩ, gió bấc thổi lồng lộng. Lũ côn trùng kêu rỉ rả càng làm cái lạnh thêm khắc nghiệt.
Tiểu đội chúng tôi đi đến cuối một cái làng không biết tên.
Dép tháo ra cầm tay, quần xắn móng lợn. Vải nhựa choàng kín cả chiếc ba lô cồng kềnh sau lưng, chúng tôi đi theo hàng một. Không ai nói một lời bởi ngại gió thốc. Trời tối đến mức cách vài bước chân đã đen đặc. 10 ngón chân bấm xuống đường làng, hễ đụng vạt cỏ lại tránh đi để khỏi dẫm xuống bờ ao hoặc ruộng lúa.
Chúng tôi đi xuống một cái dốc dài lúc nào không biết, chỉ khi hai bàn chân đạp lên những hòn đá tảng lát đường mới hay.
Một con sông đã chắn trước mặt. Chúng tôi đứng dồn cả lại ở bờ sông. Hai hàm răng thừa dịp đánh nhau tới tấp. Con sông rất nhỏ, nước chảy lặng lờ nhưng gió từ mạng sông thổi lên thì như chích vào da thịt.
Một người bắt tay lên miệng làm loa:
- Đò ơi! … đò…ơ ơ ơ i i i…
Không thấy tiếng trả lời. Có người càu nhàu:
- Đêm hôm thế này! đò ở đâu mà đò.
- Bơi qua?
- Rét chết cha!
- Hư…ừm! Kềnh đây thôi!
Mỗi người góp vào một câu, chán nản. Không hy vọng sẽ có đò.
Nhưng không lâu, nghe từ bên kia có tiếng người văng vẳng:
- Ai gọi đò đớ…ơ ơ i i i…
Tiếng “đới” kéo dài đến đuổi hơi, tha thiết. Mừng quá, chúng tôi trả lời:
- Đò ơi! đò ơi! đò… ơ ơ i i…
Một tiếng “pạch” phát ra dưới mặt nước ngay chỗ chúng tôi đứng.
Trong ánh nước toé lên, thấy một sợi dây to bằng cổ tay chằng ngang sông. 0Sợi dây rung rung vài cái rồi chìm hẳn vào bóng tối. Chững một phút hay hơn gì đó, từ giữa sông có tiếng người con gái:
- Ai đi đò chuẩn bị xuống nhá…
Tiếng nói trong trẻo quá làm chúng tôi ấm lòng ngay. Người có giọng nói ấy phải là một cô gái rất đẹp, rất duyên dáng và nhất định là chưa có chồng, có thể chưa một lần yêu nữa.
Con đò đụng bờ cát loạt soạt. Một bóng đen lặng lẽ lên bờ, lướt nhanh suýt đụng vào chúng tôi.
- Các anh bộ đội phải không ạ?
- Vâng! chúng tôi là bộ đội.
- Có nhiều không ạ? Nếu nhiều thì 6 anh xuống thôi, còn các anh khác chịu khó chờ đến chuyến sau.
Cô gái nói và quay lại con đò. Chúng tôi theo cô lần xuống. Đò của cô là một cái thuyền nan loại chúng ta hay thấy chở phân, chở lúa ngày mùa ở bất cứ vùng nào của đồng bằng Bắc Bộ.
- Các anh cẩn thận không lật đò thì khổ.
Cô gái nhắc mọi người đã ngồi xuống. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cẩn thận. Chẳng ai dại gì mà tắm sông lúc này. Cô lái ngồi ở mạng thuyền đằng mũi nắm lấy sợi dây kéo mạnh. Chúng tôi cùng kéo dây với cô. Đò bắt đầu rời bến, chẳng mấy chốc sang đến bờ bên kia. Cô lái nói:
- Các anh lên nhà em nghỉ một lát, em sang đưa nốt các anh ấy.
Chúng tôi ào lên bờ. Đường lạ, gập ghềnh như hàm quỷ. Một người vừa bước được mấy bước đã trượt chân loạng choạng, kêu ôi ối.
- Rõ khổ! Có sao không?
Cô lái lúc ấy đã ở dưới đò vội kêu lên. Rồi cô hối hả lên bờ dắt chúng tôi đến đầu dốc, dáng đi nhanh nhẹn lạ thường. Ngỡ như là mắt cô nhìn xuyên đê, xuyên cả bóng tối dày đặc vậy.
- Nhà em đây rồi! các anh đốt lửa vào sưởi. Có củi khô đấy.
Chúng tôi bước vào nhà. Nói đúng hơn là chúng tôi bước vào một cái lều rộng, rộng thưng kín cả ba mặt, mặt thứ tư ngoảnh ra đường che bằng tấm liếp. Đèn được thắp lên. Trong lều không có gì cả, ngoài một cái giường tre không chân kê cao hơn mặt đất độ hai ngang tay. Trên giường có một cái chăn chiên mỏng, bị xô dồn. Rõ ràng cô gái đang ngủ bị chúng tôi đánh thức dậy. Cởi áo mưa, bỏ ba lô xuống rồi chúng tôi cứ đứng thế mà run cho đến khi cô lái cùng mấy đồng chí kia bước vào. Cô cởi áo bạt, cởi mũ nhanh nhẹn treo lên cái đinh đóng ở đòn tay cạnh cửa ra vào. Song, cô quay lại nhoẻn cười:
- Rét quá! Mai sẽ ối thiên cá chết các anh ạ.
Thấy chúng tôi chưa đốt lửa, cô lôi trong xó nhà ra một đọn dạ, một bó củi cành chất thành đống ở giữa nhà. Cô móc bao diêm trong túi. Lát sau ngọn lửa bùng lên. Tiểu đội chúng tôi ngồi xung quanh mấy chục bàn tay xoa xoa trên ngọn lửa. Cô lái đò cử luôn mồn giục chúng tôi : chất thêm củi vào, đừng tiếc. Theo lời cô thì quanh đây cơ man là củi. Nom cô chúng tôi đoán chừng ngoài 18. Nét mặt bầu bĩnh, trắng, rất dễ ưa. Đôi mắt đen láy dưới hàng lông mày cong cong và hai cái lúm đồng tiền như là bẽn lẽn. Một cái đẹp duyên dáng của cô gái quê. Ngay cả cái áo màu mận chín cổ trái tim, chẽn lưng, bó tay và mấy cái cúc trắng nhỏ xíu trên người cô cũng toát lên điều ấy. Lính chúng tôi rất tợn nói trước những cô gái sắc sảo, nhưng với một cô gái thế này thì ai cũng phải rụt rè. Bởi vì chúng tôi thấy mình dung tục trước một vẻ đẹp thanh tao.
Chẳng lẽ cứ ngồi im, một anh hỏi:
- Bến đò này tên là gì hở cô?
Cô gái quay về phía anh lắc đầu, đôi lúm đồng tiền thoáng hiện lên một cách duyên dáng.
- Chả có tên đâu anh ạ! Bến đò nhỏ í mà.
- Cô chở đò ở đây lâu chưa?
- Bốn năm ạ!
- Bốn năm?
- Vâng! lúc bấy giờ em mới 16 tuổi, sau cái lần đầu tiên nó bom vào làng em.
- Từ bấy đến giờ nó có bom nữa không?
- Nhiều ạ!
- Cả bến đò chứ?
- Vâng ạ! Nó bom bến đò luôn. Đến trăm quả có đủ rồi. Em nhớ có một hôm đò vừa ra giữa sông, thế là máy bay nó đến bom ngay. Em chả còn kịp hiểu gì cả, thấy mình rơi tõm xuống sông rồi. Bơi thì kém, em chả biết đâu là bờ, ngoi ngóp mãi, thiếu chút nữa là phăng teo, nếu không có người ra cứu. Từ đó anh xã đội sợ em chết bắt em về. Nhưng em không chịu. Thầy bu em lúc đầu cũng thế, sau thương em xin cho em vẫn cứ được ở lại đây chở đò.
Nghe vậy, chúng tôi đâm ái ngại, hỏi:
Ở đây một mình thui thủi thế. Đi bộ đội hay thanh niên xung phong không thích hơn à?
Nhìn đăm đăm vào ngọn lửa, cô gái thở dài:
- Cái hoàn cảnh em nó không thể đi được.
- Nhà neo người?
- Không ạ! Thầy bu em còn khoẻ. Ba đứa em làm được việc cả rồi. Một đứa đi bộ đội năm ngoái. Viết thư về nó bảo nó đang ở Trường Sơn. Nó bảo nếu mà chị không bị…à không…các anh ạ, em nghe nói nhiều nhưng chưa biết cái Trường Sơn nó ra sao, khổ tâm lắm!
Cô lái đò lại thở dài.
Chưa hiểu vì sao cô không đi được, nhưng một đồng chí đã an ủi cô:
- Ai cũng vào Trường Sơn cả thì lấy ai ở hậu phương, lấy ai ở cái bến đò này. ở đây cũng vất vả lắm chứ!
Cô nhỏ nhẻ:
- Vâng ạ! Em cũng nghĩ là làm được một việc nhỏ mọn còn hơn không làm gì cả.
Cô gái đứng lên lấy thêm củi. Lửa đang đượm chúng tôi gàn thôi, cô nói:
- Ngày mai em lại kiếm được vô thiên áy mà! Các anh cứ đốt đi cho ấm. Mấy khi các anh qua đò của em.
Trong giọng nói của cô có cái gì như là nài nỉ, ép buộc người ta. Nó cũng tỏ ra cô sẵn sàng tủi thân nếu bị từ chối.
Sức lửa làm chúng tôi ấm lại và má cô gái đỏ bừng.
- Em hỏi các anh nhé! - Đột nhiên cô gợi. Rồi ngập ngừng cô dừng lại, ngồi im như không muốn tiếp tục nữa.
Chúng tôi giục:
- Hỏi gì cứ hỏi đi. Nếu biết chúng tôi sẽ trả lời…
- Nhưng các anh phải nói thật cơ! chả là em có một cô bạn thân lắm, nó đi trực chiến rồi bị bom ngay từ trận đầu. Xúi quẩy nó thế. Nếu không thì nó đã đi đến tận đâu đâu, làm được vô khối việc các anh ạ. Nó bị bom rồi người ta khiêng nó lên bệnh viện huyện. Bác sỹ bảo bị đứt dây thần kinh thị giác rồi. Khổ nó, nó có hay gì đâu các anh. Nó cứ tưởng mấy hôm sẽ khỏi. Nhưng khi biết mù hẳn rồi…mù hẳn rồi, buồn quá, nó khóc, không ai dỗ được. Các anh đừng bảo nó yếu đuối. Nhưng khổ nó quá các anh ạ, mới lớn lên, nó đã làm được gì để đóng góp đâu! giờ thì mù rồi, mù rồi còn làm gì nữa. Có thể nối lại được không các anh?
Chúng tôi nhìn nhau dò hỏi rồi cũng nói:
- Được cô ạ!
Có lẽ cô gái chỉ đợi có thế, cười sung sướng, mặt bừng sáng lên vì hy vọng.
- Người ta cũng nói với em như thế, các bác sĩ ý. Khi em, không, con bạn em nó khóc, bác sĩ vỗ về nó: “Cháu đừng khóc mà hư người. Bác sẽ cố gắng lấy lại ánh sáng cho cháu, nào, nín đi!” bác ấy nói rằng phải đợi lúc tống cổ bọn cướp Mỹ đi mới có điều kiện. Ôi! … lúc bấy giờ việc gì chả làm được, các anh nhỉ. Khó mấy cũng chấp í chứ! Các anh có biết không? con bạn em nó chẳng khoanh tay ngồi đợi, nó cũng làm một việc dù nhỏ mọn, góp vào công việc chung cho chóng đến ngày vui ấy.
Trong khi nói chuyện, lúc thì cô gái nhìn ra khoảng không, lúc thì nhìn thẳng vào mắt người nào đó trong bọn chúng tôi, đôi mắt mở to cứ chớp luôn như muốn nhìn rõ hơn, rõ hơn nữa. Bình thường, những người con gái không ai lại hớ hênh thế trong khi nói chuyện với đàn ông lạ. Thỉnh thoảng cô lại mỉm cười, cái cười mơ hồ như khi người ta ngồi một mình ở nơi tĩnh mịch, nghĩ những chuyện không đâu. Chúng tôi hỏi tên, cô cứ nghẹo đầu sang một bên:
- Các anh cứ gọi em là cô lái đò thôi mà!
Lúc này trông cô như trẻ con, bướng bỉnh mà nũng nịu.
Chừng đã ấm người, cô lái đò đứng dậy. Cô đi lại giường, lật chiếu lấy ra một cái túi nhựa màu nâu, luồn tay vào trong túi cô lấy ra một cái bút chì, mấy cái cặp ba lá, mấy cái huy hiệuđoàn, một cái gương tròn bằng cái lá lót bánh dì giò mà các cô gái bây giờ rất ít dùng. Sau đó là một cái lược sừng đen nữa. Cô để tất cả các thứ đó lên giường bằng sự thận trọng có hơi lẩm cẩm của một bà già hoặc như trẻ con chơi đồ hàng vậy. Cuối cùng cô lấy ra một cuốn sổ học sinh dầy, bìa xanh. Một thỏi sắt theo cuốn vở rơi xuống đất. Cô ngồi ngẩn ra một lúc như suy nghĩ rồi lấy chân lùa ngang mặt đất mà tìm. Khi chân đã chạm thỏi sắt cô mới cúi xuống, nhặt lên. Đó là một mảnh bom dài khoảng hai đốt ngón tay. Trước khi cô đặt mảnh bom lên giường, chúng tôi đã kịp nhìn thấy những cạnh sắc lởm chởm của nó.
Quay mặt về phía chúng tôi, cô rụt rè:
- Các anh ghi cho em một dòng làm kỷ niệm nhé!
Chúng tôi giở quyển vở ra. Một trăm trang đặc những kiểu chữ khác nhau khi bằng bút chì, khi bằng bút bi, khi bằng bút thường … không còn chỗ nào để ghi cả. hình như khi qua đò, không nhiều thì ít ai cũng ghi lưu niệm cho cô gái. Tuy cô không nói ra nhưng chúng tôi biết cô gái này giàu và quý tình cảm đến chừng nào!
Vẫn ngồi ở giường, tay chắp vào lòng, cô nói thêm:
- Các anh ghi cho em một chữ cũng được. Sau này em giở ra đọc và nhớ tới các anh, nhớ tới đêm nay em đã chở các anh qua sông.
Một người trong chúng tôi – anh chiến sĩ trẻ nhất – lặng lẽ mở ba lô lấy ra cuốn sổ tay mới toanh của anh. Anh ngắm nhìn một lúc rồi giơ cuốn sổ lên trên ngọn lửa, nói với cô:
-Chúng tôi biếu chị cuốn sổ này nhá! Làm kỷ niệm …
Cô ngúng nguẩy:
- Em chẳng lấy đâu! Anh còn đi xa, lấy gì mà dùng.
- Quyển vở của chị hết giấy rồi!
- Ồ… Như bị bất ngờ, cô lặng đi một lúc lâu, sau nói nhỏ như nói một mình – Hết rồi à? … - Rồi cô vội thanh minh – em tưởng là còn.
Chúng tôi trao tay nhau lần lượt ký tên vào cuốn sổ.
- Nào, cô cứ nhận lấy cho anh em chúng tôi bằng lòng.
Có anh đùa:
- Hay là chê của bộ đội?
Cô vội vã:
- Không! Em chẳng dám chê bao giờ!
- Vậy thì nhận lấy chứ!
- Các anh đã cho thì em xin vậy – cô nói thật là miễn cưỡng.
Chúng tôi trao cuốn sổ cho cô, nhưng thật là lạ lùng (tựa như chơi bịt mắt bắt dê vậy) cô chìa tay ra hướng khác, quờ quạng. Cầm được cuốn sổ cô áp vào ngực như một vật quý giá nhất đời. Đặt nó xuống đùi, cô đưa cả hai tay ra mà sờ, lật đi lật lại, mắt hơi ngước lên, miệng vẫn hé cười, cái cười mơ hồ dài dại …
Mắt cô chớp luôn, chớp luôn, đôi mày cong cong, đôi lúm đồng tiền…
- Ô …! Bỗng thấy một cái gì khác lạ ở cô lái đò, chúng tôi ngạc nhiên, rồi từ từ, lòng như bị ai thắt lại. Có thể như thế được ư. Trời! Chúng tôi không nhìn cô lái mà nhìn nhau …
Ai cũng hiểu rồi.
Im lặng.
Ngoài trời mưa như nặng hạt hơn. Gió bấc vẫn thổi lồng lộn. Căn nhà rung lên từng đợt muốn ụp xuống. Những đám đuôi kè khua nhau xào xạc như lá rụng. Bếp lửa đang đượm, bốc lên đùng đùng. Những lưỡi lửa cháy vật vã, sôi sục…
Chúng tôi lặng im nhưng cô gái sung sướng đến nghẹn lời:
- Ôi! Quyển sổ các anh cho đẹp quá!
Đang say mê với quyển sổ chợt cô dừng lại, nghiêng đầu nghe ngóng. Cô khẽ nói: “Lại có người qua đò”. Rồi đứng dậy.
Chúng tôi tạm biệt cô lái đò, theo tiểu đội trưởng lần lượt ra đi. Ai cũng nhìn như cố níu lấy hình ảnh cô gái, nhất là đôi mắt đen láy, chớp luôn, chớp luôn ấy. Cô gái bước ra ngoài mưa tiễn chúng tôi. lát sau chen giữa tiếng gọi đò văng vẳng, tiếng cô gái vọng lên: “Ai gọi đò đới!” tiếng “đới” kéo dài tha thiết đến nôn nao cả lòng người.
Đêm ấy mưa gió rét như cắt da thịt, nhưng chúng tôi cứ bước phăng phăng. Lòng chúng tôi như bị bốc cháy bởi một ngọn lửa nóng vô cùng.
Tháng 7/1972
Nước mắt đồng quê
- Kìa, Ăn nữa, ăn no đi con; kẻo lại đói suốt đêm!
Bà Thừa thấy Niệm buông bát đũa bèn giục nó. Niệm lắc đầu.
- Cháu no căng bụng rồi đây ạ!
Ông Thừa không nài Niệm ăn thêm. Ông biết nó ăn tới bốn năm bát cơm cá là no lắm rồi.
- Uống nước súc miệng rồi chuẩn bị đi! - Ông bảo Niệm và cũng là lùa cho xong bát cơm trên tay.
Lát sau, mặt trời lấp ló đỉnh núi, hai ông con đi ra cửa. Ông chân đất, mặc chiếc quần âu xanh bạc màu, đầu gối đã thụng xuống, với chiếc áo bộ đội bạc thếch, tay dắt chiếc xe đạp cũng đã cũ kỹ, trọc lốc. Niệm chỉ cao đến tai ông Thừa, lại gày guộc, vừa hăm hở, vừa lúng túng trong bộ quần áo mới,vai khoác ba lô, chân xỏ đôi dẹp cao su tám quai cũng rất mới. Cậu bé trước đến nay chỉ mặc những đồ tầm tầm, nay bỗng dưng tất cả đều mới…Gì mà chả lúng túng.
Rồi Niệm lên xe, ngồi sau lưng ông Thừa. Mới ra khỏi làng một đồi đường, nghĩ sao hắn nắm lấy áo ông giật giật rồi nhảy đại xuống, làm tay lái ông lạng đi. Ông nhìn thấy thằng bé mếu máo:
- Cháu… cháu… không đi nữa đâu!
- Sao? - Ông Thừa ngạc nhiên hỏi! – Sắp đến giờ tàu rồi!
Niệm nhìn về làng, cái làng nằm lọt thỏm giữa ba bề là núi, đang ửng đỏ lên trong đáng chiều. Chiếc ba lô đã tháo ra khỏi vai, đặt bịch xuống đất từ lúc nào.
- Cháu sợ lắm…
- Ơ cái thằng! Đi học chứ đi chết đâu mà sợ!
- Nhưng mà cháu nhớ làng, nhớ nhà lắm!
Thằng bé mồ côi, bố mẹ anh em đều chết bom cả. Nó nói “nhớ nhà” đây là nhớ gia đình ông. Kể ra nó đi, ông, vợ ông và mấy đứa trẻ cũng nhớ thương, thiếu thốn như xa một đứa con. Nhưng càng thương quí nó như con ông lại càng cương quyết cho nó đi học. Ông nắm lấy quai ba lô của nó ngoắc lên tay lái xe, sẽ sàng nhưng cương quyết:
- Làm trai phải đi đây đi đó học lấy điều hay lẽ phải, chứ ru rú trong làng thì làm được tích sự gì!
- Cháu cứ ở làng… bác ơi, bác đừng đuổi cháu đi!
Nếu là con ông đẻ hẳn là ông cho mấy cái bạt tai nẩy đom đóm, bắt lên xe. Nhưng với nó ông lại phải dịu dàng, thẽ thọt:
- Ơ cái thằng! Rồi hết tết lại về với bác chứ đi đâu!
Ông Thừa nói hết nhẽ, nó vẫn cứ ì thần xác.
Nhìn bộ dạng nó mà ngao ngán: Nước mắt chạy vòng quanh, run rẩy, ngờ nghệch…
…Kể từ ấy thế mà đã sáu năm, sáu năm trôi qua…
Cái thằng bé dạo đó bây giờ đang ngoài kia. Hắn xắn quần ngang gối, để lộ đôi bắp chân rắn chắc, nâu rám giội nước uồm uồm. Thằng bé giờ đã cao dễ đến mét bảy mươi, cân đối, lực lưỡng. Hắn dội nước chán chê rồi cứ xách cái gầu đầy nước như thế, ngửa mặt nhìn lên giàn lý che mát giếng nước. Rồi hắn lại phóng tầm mắt nhìn chung quanh, chắc là phải hài lòng lắm, với hai chậu cảnh bên bờ giếng, với rặng ớt đỏ chót, quả nào quả nấy cứ như củ cà rốt, với bức tường hoa thâm thấp quét màu xanh đỏ… Cơ ngơi nhà ông Thừa đã đổi khác nhiều so với ngày ấy. Chẳng riêng gì nhà ông, nhà cửa bà con trong làng giờ cũng đã đẹp, sáng lên tất cả. Cái hợp tác xã Kim Hưng này không phải là hợp tác tiên tiến. Chưa bao giờ nó được cấp trên khen ngợi. Nhưng nó cũng không phải là cái anh bí bét. Nó không bị quở trách bao giờ. Nó cứ nhích lên, tiềm tiệm mà nhích lên năm này qua năm khác. Và thế là cuối cùng bộ mặt của nó cũng thay đổi. Người ở nhà khó thấy nhưng người đi xa lâu ngày chắc chắn nhận ra rõ. Có thể vì thế mà thằng bé rất hài lòng…
Rửa ráy xong, Niệm đi vào, trước khi bước chân lên bậc thềm lát gạch bát, Niệm lại còn ý tứ giậm chân ở sân láng tro lò cho rũ hết nước. “Ở tập thể lâu hắn cũng đã học được cái thói quen cẩn thận chùi chân vào thảm của người thành phố” - Ông Thừa nghĩ.
- Nước ngầm rồi, vừa ngon, vào uống đi cháu!
Từ nãy ông Thừa vẫn ngồi im trên chiếc tràng kỷ tre bên chiếc bàn gồ lim với tích nước hãm. Bây giờ ông với lấy cái tích rót đầy hai bát. Nước chè vừa độ xanh , óng ánh, bốc khỏi nhè nhẹ, toả ra một mùi hương thơm làm cồn cào nơi cổ họng.
- Cháu dứt khoát xin về hợp tác xã nhà? Nhấp một ngụm nước, ông Thừa hỏi:
- Dạ…cháu thấy xin về làng công tác là thuận lợi hơn cả. Bác tính, cháu lớn lên ở đây, từ đây ra đi…
Niệm bỏ dở câu nói. Nhưng nhìn nét mặt bần thần của anh ông Thửa hiểu anh đang nghĩ gì: Trong lòng anh hẳn là đang dâng lên một tình yêu quê hương tha thiết.
- Như thế càng tốt! Về quê, làm ăn bác cháu có nhau. Tao bây giờ nhiều lúc thấy mình cũng dốt nát lắm rồi, theo kịp được thiên hạ cũng bở hơi tai đấy! Có các anh tuổi trẻ, lại học thức, mới thong dong được!
- Dạ…bác cứ nói!…Bác đã lăn lộn, cống hiến cả cuộc đời. Còn bọn cháu đã làm được gì đâu!
Niệm nói rất thực lòng. Ông Thừa lấy thế làm phấn khởi. Con nít làng ni được cho đi học cũng nhiều, nhưng quả là chả mấy đứa bằng được Niệm. Có tới cái đại học rồi mà vẫn khiêm tốn!
Hai ông con nói chuyện với nhau, tâm đầu ý hợp. Cuối cùng Niệm hỏi:
- Hợp tác định cho cháu ở đâu ạ?
- Hử, sao mày lại hỏi thế? - Ông Thừa nhìn Niệm ngạc nhiên – Thì cứ ở đây chứ ở đâu?
- Bác xem có một căn phòng nhỏ ở hội trường, ở văn phòng hay ở đâu cũng được, để cháu làm việc cho tiện!
- Vẽ ra! - Ông Thừa gạt đi, song ông nghĩ một lát lại thấy ý Niệm muốn xin chỗ ở là đúng. Mặc dù trước Niệm vẫn ở đây nhưng nay lại là khác. Nay anh ta đã là cán bộ của làng, cần cho anh ta một chỗ của mình. Vả lại, cái The và Niệm có tình ý với nhau, rồi chúng sẽ lấy nhau. Nhưng trước khi thành vợ chồng chính thức, ở chung một nhà cũng không tiện.
xxx
Đám thanh niên, chỉ vài người cùng lứa, còn là mới lớn, tuổi mười bảy, mười tám, quây quần quanh Niệm. Anh được hợp tác nhất trí cho một chỗ ở riêng. Thế là chi đoàn kéo đến, tổ chức một buổi lao động xã hội chủ nghĩa. Người ta chở gạch về, ngăn lấy một gian ở văn phòng hợp tác. Rồi đục cửa mới, quét vôi, đóng giá sách…Hầu như tất cả các thanh niên hăng hái đều ra sức tô điểm cho căn phòng của anh kỹ sư. Việc xong xuôi rồi, chi đoàn lại trích quỹ liên hoan, “rước” Niệm vào. Chẳng phân biệt chủ khách, họ tự bóc kẹo, pha chè mời lẫn nhau, chuyện cứ um lên.
Gần mười giờ đêm, lại một người con gái nữa đến. Mới bước chân vào cô đã nhanh nhảu:
- Nhà anh Niệm vui quá!
Đó là The. Cô mới hân hoan, duyên dáng làm sao: Vầng trán dâm dấp mồ hôi, bết mấy sợi tóc con. Đôi mắt long lanh cùng cười với khoé miệng có hàm răng trắng đều đặn. Chiếc áo cánh gụ nền nã ôm chặt lấy eo lưng thắt đáy, phủ trên đôi bờ vai nuột nà, chảy dài theo đôi tay tròn trặn và tôn cao lồng ngực khoẻ mạnh.
Anh Đông, bạn học cấp ba của Niệm, giờ đã có hai “tí nhau”, người gầy sắt, rắn rỏi, rất bạo miệng, đứng dậy gõ vào đầu The:
- Nếu vì thằng Niệm thì không cần nhà. Hắn ngủ đống rơm cũng được, hiểu chưa?
Anh nói sát sạt quá, má The thêm nóng ran. Nhưng cô tỏ ra không phải tay vừa, cô khéo đánh trống lảng:
- Bộ anh thế mà khinh người ra mặt nhé!
- Ai dám khinh anh kỹ sư với chị bí thư!
Vui nhộn hẳn lên. Nhưng vài phút sau người ta bấm nhau rút lui, mang theo cả không khí vui nhộn toả ra những con đường làng. Trong phòng tự nhiên ắng xuống đến ngượng ngùng. Niệm cứ xoay cái chén đã uống cạn trong tay, trong khi The vò nát tấm giấy gói kẹo.
Nghĩ tới lúc Niệm về, lòng The thường rạo rực hình dung cô sẽ áp đầu vào lồng ngực to rộng của anh, kệ cho bàn tay anh vụng về mà cuồng nhiệt siết chặt lấy vai cô. Và anh sẽ còn nâng cằm cô lên, nhìn mãi, nhìn mãi vào mắt cô bằng ánh mắt chói chang không chớp của anh…Cho đến lúc cô phải nhắm mắt lại… Nhưng sự thể lại khác, hoàn toàn khác. Từ lúc Niệm về, hai người chưa có dịp ngồi riêng với nhau. Công việc bận rộn, người ra vào tập nập, thời cơ để gặp riêng không xuất hiện. Cho đến bây giờ… The cảm thấy khó nói chuyện. Anh hơi nghiêm. Vì sao? Hay anh giận cô mãi bây giờ mới…Tính anh, The còn lạ gì, hễ giận dỗi là cứ lì lì, cậy răng không có nửa lời…
- Cuộc họp ở huyện đoàn kéo dài quá, mãi đến tối mịt mới xong – The ngước lên nói như thanh minh – Các anh chị ấy bảo đến mai hãy về, nhưng em…nóng ruột qúa…
- Em nóng ruột cái gì?
The ngước nhìn lên. Anh vẫn xoay cái chén trong tay, mặt hơi tai tái, thảng thốt. Giá như anh kèm theo câu nói là một nụ cười giễu thì The nghĩ khác. Nhưng anh vẫn nghiêm thế. The thấy ấm ức vô hạn. Anh còn hỏi người ta nóng ruột cái gì nữa! Cô đứng dậy:
- Khuya rồi, em…về đây!
- Ừ, khuya rồi thật!
Cứ nghĩ anh sẽ giữ cô lại, xong anh lại nói thế. Đã giận dai thì đây cũng giận lại cho coi. Xem ai phải làm lành trước. Vừa nghĩ thế, The vừa bước nhanh ra khỏi cửa. Trăng sáng lạnh; cô giâm mình vào ánh trăng. “The…The…” Cô nghe tiếng anh gọi với theo. Nhưng cô cứ rảo bước.
Niệm nhìn theo The một lát rồi sững sờ quay vào. Anh nằm vật xuống giường cằn cựa, trong lòng vừa đau đớn, vừa kinh hãi, vừa hối hận…
Trước khi quyết định xin về làng Niệm đã suy nghĩ rất nhiều. Không như phần lớn bạn bè khác, nhận bằng tốt nghiệp rồi là mơ ước một bộ, một viện, hoặc một công ty lớn nào đó… Niệm nghĩ đến việc về quê. Làng anh, cái làng Kim Hưng của anh là một vùng quê bị bao bọc bởi ba bề núi cao, quanh năm độc một thứ gió quẩn. Thỉnh thoảng lại một cơn lốc mà mọi người vẫn tin rằng đó là con ma cụt đầu, xoáy tít, bốc theo cả rơm rác chạy từ đầu làng đến cuối làng. Rẻo đất hẹp ven chân núi xơ xác, cằn cỗi, còn cánh đồng thì lấy thụt. Hễ một trận mưa là nước trên núi dồn xuống, trắng băng. Làm được một hạt lúa trên đất ấy thật là nhọc nhằn. Hợp tác ì ạch, tuy được nhà nước đầu tư nhiều nhưng sự tiến bộ vẫn bấp bênh. Làng đã mọc lên nhiều nhà ngói, nhìn vào cũng thấy đẹp mắt. Nhưng hơn ai hết Niệm hiểu đấy chỉ là cái vỏ. Tháng ba ngày tám chẳng dỡ ngói bỏ nồi được. Ngày ngày trẻ con, người già vẫn phải lên núi hái lá sim, bẻ hoa đót làm củi, làm chổi đem bán tận chợ tỉnh. Niệm cũng từng gánh sim, gánh đót oằn vai. Chắc là có người nhìn những đứa trẻ gánh gánh lá to cao hơn người, chạy con cón từ đỉnh núi xuống lấy làm vui mắt. Còn Niệm, nghĩ đến Niệm chỉ thấy đau lòng…Rồi còn bao điều nghèo khó của làng quê chích vào lòng anh, gọi anh trở về. Hơn nữa, anh – một đứa trẻ côi cút được hợp tác, được gia đình ông chủ nhiệm đùm bọc, nuôi nấng, giờ đã trở thành kỹ sư…anh thấy không thể không trở về làng, trước là đem sức lực, học vấn của mình đền đáp quê hương, và sau nữa, xây dựng cuộc sống, sự nghiệp của mình ngày trên mảnh đất tình nghĩa ấy. Nghĩ đến quê, lòng anh rạo rực, phấn chấn.
Nhưng còn một lẽ làm anh băn khoăn, khó xử… đó là The. The! Con gái ông chủ nhiệm, là đứa em ngoan ngoãn của thằng Niệm còi cọc, côi cút ngày xưa… The, người con gái tươi tắn, trong lành như dòng nước xạ, chân chất, ngọt ngào như chùm sim mọng sum suê bên triền núi…đã hơn một lần tin cậy ngả mái đầu thoang thoảng mùi lá sả vào đôi tay khoẻ mạnh của anh…The đã trở thành nỗi day dứt lớn nhất trên con đường trở về quê của anh. Bởi vì anh đã không yêu The nữa. Mối tình sinh ra bởi sự bồng bột, thiếu chín chắn không thể sống lâu. Cái bóng của nó đã trở thành nỗi giày vò, ngượng ngùng và đau đớn. Anh đã có một người con gái khác, một bạn học, mà anh tin đó mới thực sự là tình yêu…Nhưng ác nghiệt nhất là The vẫn yêu anh, vẫn đau đáu chờ anh. Nếu anh không về quê, anh sẽ dễ dàng cắt đứt với The – có sao đi nữa cũng xa mặt, cách lời. Rồi thời gian sẽ xoa dịu tất cả. Nhưng còn quê hương, chả lẽ vì việc đó mà phải từ bỏ quê hương? Và chả lẽ anh phải trốn tránh lỗi lầm của mình như một tên đốn mạt?
Anh về với hy vọng sẽ dàn xếp với The ổn thoả. Anh sẽ nói một câu… Nhưng từ ý nghĩ đến việc làm còn là một khoảng cách khó khăn. Trông thấy The, anh không nói được. Mà nói gì, nói làm sao với người con gái ấy? Anh phân tích cho The hiểu anh không yêu The chăng? Hay anh sụp xuống chân cô, xin cô quên anh đi? Anh lẩn tránh mọi cơ hội gặp riêng The với ý nghĩ “Lần sau…ngày mai sẽ nói tất cả”…Cho đến hôm nay, sự thể vẫn đẩy anh đến chỗ không thể nói. Kể ra cũng có một lúc anh dám làm việc đó: ấy là lúc The rảo bước ra ngoài trăng vàng rười rượi, khi anh cất tiếng gọi cô. Nếu cô dừng lại! Nhưng cô cứ đi. Anh biết, chẳng phải vì giận mà vì yêu…Nhớ lại ánh mắt cô, khuôn mặt cô, việc cô hăm hở mò mẫm đêm hôm từ huyện về, anh hiểu cứ mỗi ngày qua tình yêu ở cô càng thêm nồng nàn. Anh cứ lần lữa một ngày là thêm khó, là thêm có tội với cô. Ngày mai, ngay sáng mai, nhất định anh phải chấm dứt tình trạng này. Anh về quê không phải là để sa lầy vào đây.
Niệm tỉnh dậy lúc trời đã mờ sáng. Anh giật mình vì đêm qua không đóng cửa, không mắc màn, cũng không tắt đèn. Ngọn đèn cháy suốt đêm đã cạn phao dầu, giờ chỉ còn leo lét. Niệm choàng dậy cũng vừa lúc nó bùng lên lần cuối, để lại cái hoa bấc đỏ như một tàn nhang. Đầu óc anh vẫn còn nóng bỏng những ý nghĩ đêm qua. Phải, phải…không thể khác. Niệm đi ra khỏi cửa.
Đường làng còn vắng vẻ quá. Sương đêm ướt dằm hai vạt cỏ, thỉnh thoảng lại một giọt lộp độp rơi khỏi phiến lá sở ướt láng. Làng nhiều sở, rải rác trên đất cằn. Người ta ép quả sở lấy dầu ăn, tích trữ năm này qua năm khác. Mỗi mùa lượm sở là một mùa vui. Nhiều gốc sở kín đáo là nơi trao đổi tâm tình…Niệm bước vào cái ngõ quen thuộc đầy những kỷ niệm của năm tháng qua lòng dâng lên một nỗi bâng khuâng. Ông Thừa cũng đã dậy, ngày nào ông cũng dậy sớm, ngồi thu lu trên tràng kỷ hút thuốc lào. Dưới bếp bập bùng ngọn lửa nấu bữa sớm: một mùi cá kho mặn sốc lên mũi Niệm. Cá kho trong nồi đất, chỉ nồi đất cá mới chắc, thơm thế. Bên hồi nhà, nhịp cối giã gạo vang đều đều. “Kẽo kẹt…thịch! Kẽo kẹt…thịch!”. Cái nhịp chày kiên trì, khoan thai ấy là của The, Niệm nhận ra ngay. Anh bước vào nhà trên. Thấy anh, ông Thừa cười khà khà:
- Kỹ sư mà cũng dậy sớm kia à?
Niệm ngồi vào ghế đối diện với ông, nói dăm ba câu chuyện gọi là có, rồi anh vờ hỏi:
- Bác gái đang giã gạo à?
- Con The! Bà ấy dưới bếp!
- À, hôm qua The đi họp huyện đoàn, chả biết có chuyện gì mới không? – Niệm hỏi và anh nhấp nhổm đứng dậy.
Tuy mải giã gạo nhưng The nghe thấy hết. Cô đã thấy anh từ ngoài ngõ. Cho nên khi Niệm vừa ra đến mái hiên, The đã dừng chày.
Niệm đứng dưới sân một lúc rồi quyết định đến gần The, lấy giọng thật tự nhiên:
- The ạ…anh có chuyện này muốn nói với em:
The không trả lời, trên đôi môi đỏ thắm của cô thoảng nở một nụ duyên làm cho khuôn mặt cô bừng sáng. Cô kín đáo bước lên một bước, một chân trụ ở bệ, chân kia đặt hờ hững lên chày, để lộ phía sau bàn chân trần ấy một khoảng đuôi chày có khắc bậc nhẵn thín, đủ cho một người nữa đứng cùng giã gạo. Người cô lao về phía trước, hơi nghiêng sang bên, vai dựa vào tường, một tay vẫn vươn cao nắm thanh vịn, một tay đưa ngang, nắm hờ làn tóc vắt chéo qua ngực, trùm kín cả đầu gối. Đầu cô cũng nghiêng đi, mắt hững hờ nhìn phía trước. Sau gáy mấy sợi tóc con khẽ bay bay để lộ một cái cổ trắng mịn màng… Niệm đã bao lần thấy cái dáng hình ấy, cái dáng hình từng là vô vàn thân yêu có sức quyến rũ lạ lùng ấy. Anh từng bước lên chày, làm như vô tình đặt tay mình lên mấy ngón tay nhỏ nhắn, mềm mại trên thanh vịn. Và trong cái nhịp “Kẽo kẹt…thịch! Kẽo kẹt…thịch!” đều đều, bền bỉ, những lời tâm sự đôi khi ngớ ngẩn nhưng đằm thắm quyện chặt lấy nhau…
Nhưng lúc này, Niệm không muốn bước lên chày. Cũng không thể nói lời muốn nói. Làm sao anh có thể nói điều tàn nhẫn thế, với cô gái đang chờ anh trong dáng đứng thế kia…
xxx
The giở cuốn sổ tay ghi tóm tắt chương trình họp đoàn xã tối nay. Cô sẽ nói tình hình sinh hoạt đoàn một tháng qua, sau đó nói đến nhiệm vụ tuyển quân, rồi đến việc chọn đoàn viên ưu tú đi học đối tượng Đảng, rồi hướng công tác thời gian tới. Xã đoàn do The làm bí thư vẫn được coi là một đơn vị mạnh trong huyện, phong trào lúc nào cũng sôi nổi. Đoàn viên và thanh niên chịu thương chịu khó, lao động vất vả, sinh hoạt còn thiếu thốn nhiều nhưng chẳng mấy ai thoái chí hoặc lơi lả công tác. Phong trào hẳn là sẽ mạnh thêm vì naydã thêm một đoàn viên mới có nhiệt tình và trình độ cao: đó là Niệm. Hôm nay Niệm sẽ sinh hoạt buổi đầu tiên với đoàn xã. The muốn anh phát biểu ý kiến.
Mấy lần trước, trong lúc làm thuỷ lợi, anh Đông nói với The: “Coi cái tướng thằng Niệm, chiều vợ phải biết”. Cái anh Đông, thật là đầu têu gán ghép, bất cứ chỗ nào có The anh ấy cũng kiếm chuyện nhắc đến Niệm. Những người khác hùa theo anh, làm The xấu hổ suốt ngày.
Mẹ The đã tính trước cái ngày bà chia trầu cho cả làng.
- Tết này là con The ra ở riêng rồi! – Mỗi khi bàn tính công việc trong nhà bà thường nói thế.
Nhưng sự thể đã đâu vào đâu. Anh về đã gần một tháng. Vẫn chưa lúc nào được gần nhau. Có lúc, The gặp anh xắn quần lội bì bõm ngoài đồng hay hì hục đào bới gì bên chân núi. Ngồi xuống với nhau một lát. The lấy nón quạt, hướng ngọn gió về anh phần nhiều.
- Anh có chuyện vẫn muốn nói với em, chuyện rất hệ trọng… Nhưng anh cứ sợ rồi em sẽ nghĩ… Vả lại chúng mình cũng đang bận lắm. Anh mới về làng, còn cần phải bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu tình hình sản xuất…
The thấy mặt anh tái đi, giọng run run, đến lạ. Con người có lúc bồng bột, cuồng nhiệt đến thế, khi bàn đến chuyện ấy lại có thể run rẩy đến thế! The đã sẵn sàng tất cả rồi. Nhưng quả tình lúc này cũng chưa nên đặt vấn đề ấy ra thật. Từ nay đến tết còn dài, bốn năm tháng nữa, vội gì…
Cô úp nón lên đầu gối, quay sang anh, mắt lóng lánh:
- Chứ anh đã “nghiên cứu” được gì rồi?
Mặt anh dần hồng hào trở lại. Anh bốc một nắm đất núi, bỏ vào lòng bàn tay:
- Em coi, đất bạc màu mất cả. Còn dưới kia – anh day mặt về phía cánh đồng – có những chỗ màu mở quá chừng, nhưng lại chua, ngập ngang bụng. Chie năn lác là béo! Chúng ta phải chế ngự được nguồn nước trên núi đổ xuống, làm lại mặt bằng đồng ruộng, nhiều việc khác nữa…Bà con khổ quá, bưng bát cơm, chẳng bõ với mồ hôi công sức đổ ra… Với lại cái phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất…Anh muốn nói đến những con người…Phải làm sao có một cách nhìn thật mạnh dạn và hiểu biết. Chứ lúc này cứ lúng túng như gà mắc tóc, thiển cận, vụn vặt thì chả ăn thua, khổ mãi.
Anh nghĩ tới những điều sâu sắc lớn lao như vậy. The thông cảm với anh, thương anh hơn. Lúc nào anh cũng đăm chiêu, tất tưởi, mới có gần tháng mà gầy vạc hẳn đi, da dẻ sạm nắng. Căn phòng anh lạnh lẽo. Có hôm, The mở cửa vào thấy quần áo bẩn anh vo tròn ném ở góc nhà, đính đầy bụi. Cô quét dọn nhà cửa, xếp đồ dùng lại gọn gàng, giặt giũ quần áo cho anh tử tế. Anh về không hay biết gì, lại bôi bẩn, lại bề bộn. Nhưng sau thấy The lặng lẽ làm việc như cô Tấm ấy thì từ đó anh cũng lặng lẽ thu xếp lấy tất cả.
- Anh cứ để em! Gì mà ôm lấy cho khổ! – The nói.
- Em cũng bận, với lại…Không…Không…- Anh lắc đầu, nét mặt đăm đăm buồn và bắt sang chuyện khác…
“Tối nay anh sẽ phát biểu ý kiến…” The gấp quyển sổ lại. Cô rủ một cô gái nữa lên núi hái chè, đun nước để tối anh em có cái uống.
Buổi tối mấy chục thanh niên và đoàn viên ngồi xúm xít vào một góc sân kho, hướng vào cái bàn mộc trên đặt cái đèn, ngọn lửa như cái lưỡi cháy sáng, reo phì phì, toả ra chung quanh núi đất đèn nồng và hắc. Cuộc họp đoàn đã tiến hành được quá nửa, The đứng sau bàn, mắt chớp chớp, tươi cười:
- Bây giờ xin mời đồng chí Niệm phát biểu!
Niệm rời chỗ ngồi đi đến bên The. Đột nhiên, một tràng vỗ tay ran ran, và những tiếng là lên:
- Đẹp đôi quá!
- Tuyên bố luôn đi!
Niệm gắng mỉm cười, còn The vội vàng chạy xuống, đấm vào lưng mấy bạn gái thùm thụp. Nhộn nhạo mất một lúc làm Niệm cứ phải đứng chờ. Sau rồi cũng yên ắng lại, anh bắt đầu nói lên những suy nghĩ của mình. Anh nói những điều mới mẻ, tạo bạo không chỉ với tư cách một cán bộ kỹ thuật mà còn là một đứa con, một thanh niên của làng quê. Anh coi những thuận lợi là cơ bản nhưng cũng không coi thường mức độ trầm trọng của những khó khăn to lớn mà trên con đường đi lên, hợp tác xã đã và sẽ vấp phải. Một số điều thực tế ở làng được dẫn ra, được phân tích bằng cái nhìn thẳng thắn và hiểu biết. Những lời nói của anh có sức thu hút mạnh mẽ, lay động mọi người.
- Tôi tin rằng với cách nhìn mới về nông nghiệp, chúng ta biết làm ăn, chẳng mấy chốc mà giàu to. Tiềm lực đất đai và sức người của ta còn lớn lắm. Vấn đề là ta khai thác như thế nào? Với khoa học kỹ thuật, với tình yêu đất đai và cuộc sống, chúng ta sẽ không như bây giờ, bốn, năm tấn trầy trật mà là mười, mười lăm tấn lương thực trên một đơn vị canh tác.
Bài diễn văn ứng khẩu của anh bị cắt bởi những tràng pháo tay nồng nhiệt. Nhìn những khuôn mặt tưng bừng phấn khởi của các bạn trẻ anh biết anh đã không nhầm khi quyết định xin về quê hương. Với những con người này, ước mơ cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ cho quê hương của anh sẽ đựơc thực hiện…
Cuộc họp đoàn có dư luận xôn xao. Ngay đêm đó, một số lời nói cảu Niệm theo gió đã bay vào khắp mọi căn nhà. Mỗi người để ý một khía cạnh. Và ngay cả những người cùng quan tâm một vấn đề cũng có những lời bình phẩm khác nhau.
- Anh ta nói gì mà trứng khôn hơn vịt, động đến cả bậc chú bác quản trị, chi bộ thế?
- Chả chi anh ấy cũng là kỹ sư, anh ấy biết chứ!
- Cái thằng nói cũng có lý, nhưng vạ miệng chưa chừng!
Lời đồn đại nhiều quá, ông Thừa biết là sẽ có chuyện không hay xảy ra, bèn đến hỏi Niệm:
- Này, chả phải chuyện chơi đâu! Cháu đã quy nghĩ kỹ chưa?
Niệm cười, nhìn ông như ngạc nhiên rồi trả lời nhỏ nhẹ, nhưng chắc như đóng đinh:
- Cháu có cơ sở khoa học mới nói.
Ông Thừa không chờ đợi một câu trả lời như thế. Đối với ông, cứ mỗi ngày Niệm lại bộc lộ thêm một chút khó hiểu. Đầu tiên, ông cứ tưởng anh vẫn là một đứa trẻ ngây ngô thì anh đã trở về với tư cách một kỹ sư chững chạc. Rồi ông ngỡ anh sẽ sắm sửa thu vén chuẩn bị cho cái gia đình con con nay mai của anh thì anh lại lang thang bì bõm ngoài đồng. Buổi tốn lẽ ra anh phải hay đến nhà ông vì đó cũng như thể nhà anh và vì cả cái The nữa, thì anh ngồi tận khuya lầm bầm cái tiếng Anh, tiếng Nga gì đó…Rồi nhìn cái gì của hợp tác xã cũng nhíu mày, lắc đầu tỏ vẻ không hài lòng. Lại còn mơ ước trời biển gì đâu nữa! Nhất là lại phát biểu vung lên trong cuộc họp đoàn…Ông vẫn thường nghe nói bọn trẻ có học hay khinh nhờn, tự mãn, bài bác chẳng nể ai. Nhưng nghe ở đâu đó thì chưa ai động đến ông, ông vẫn có uy tín tuyệt đối ở cái làng này. Ông bình thản nói với các bạn già: “Cánh ta lắm anh cũng bảo thủ ra phết: bọn trẻ cũng có lý của chúng chứ!” Nhưng nay, ông thấy khó chịu thực sự. Chẳng hiểu anh ta nghĩ thế nào?
Vừa lăn quả cà nhặt được ở đâu đó từ tay nọ qua tay kia như đứa trẻ mải nghịch. Niệm vừa nói:
- Cháu cứ băn khoăn tự hỏi vì sao làng ta đến nay mới được thế này? Thiên tai, địch hoạ, vâng, cái đó thật là ghê gớm…Nhưng Vũ Thắng, Định Công thì sao, họ khác gì chúng ta? Vấn đề là nếu ta có cách nhìn nhận và có biện pháp tốt. Cháu muốn nói là…
Ông Thừa thấy trong lời nói của Niệm có những cái gì khó lọt lỗ tai ông. Bị mếch lòng, nhưng ông lại cười vẻ dễ dãi! (để xem hắn còn nói những gì):
- Cứ nói thẳng! Anh muốn góp ý phê bình thì cứ nói mạnh! Chỉ những ai không muốn tiến bộ, mới sợ phê bình, sợ người khác vạch cái non kém của mình ra thôi!
- Cháu định viết một bản đánh giá khái quát về hợp tác ta, trên cơ sở đó sẽ đề ra những biện pháp hành động cho tương lai.
“Ghê chưa!” - Ông Thừa nghĩ nhưng lại sốt sắng:
- Ừ! Anh viết đi!
“Cái thằng, ngu dại ngông cuồng làm sao!”. Ông nghĩ và vẻ bực bội hiện lên nét mặt.
Bà Thừa thấy ông có vẻ bực bội, sẽ sàng bảo:
- Hắn trẻ người non dạ, ông coi phải trái đằng nào thì nói hắn một tiếng!
- Ừ thì nói, nhưng bà tưởng hắn chịu nghe cho à? Lại cho là mình bảo thủ chuyên quyền ngay!
- Chết! Chết! Gì mà ông cứ oang oang! Nhỏ nhẹ nói, không thì cũng che đỡ cho hắn, cứ ai lại! Con rể chứ người dưng nước lã đâu!
“Sai thì đến bố rể tôi cũng không bênh được!”
Ông Thừa nghĩ bụng nhưng không nói ra. Giải thích được cho bà ấy hiểu cũng còn xơi. Mà rồi bà ấy sẽ chì chiết ông không biết thương con cái. Trong quan hệ với vợ ông lấy nín nhịn làm đầu.
Mấy đêm liền Niệm trằn trọc. Những ý nghĩ căng thẳng lôi anh về hai phía ngược nhau. Lúc anh ngả bên này, lúc ngả bên kia. Cuối cùng anh thấy rưàng cần phải làm sáng rõ thật nhanh những quan hệ riêng với The nữa. Anh sẽ phơi ra trước mắt mọi người, để mọi người nhìn nhận, đánh giá và quyết định…Anh viết thư cho cô gái, người sẽ là bạn đời của anh gọi cô đến. Và trong sự day dứt mãnh liệt, anh dồn tất cả sức lực vào những trang viết, những trang viết mà anh hiểu rằng nó không chỉ có ý nghĩa với anh mà còn quê hương anh nữa.
xxx
- Im đi! Không phải việc của bà!
Chén rươụ đầy rung rung trong tay ông Thừa. Ông kề vào đôi môi đã say mềm, uống ừng ực. Rồi dằn mạnh xuống mâm, ông đưa tay với cái chai. Nhưng ông đã dánh đổ loảng xoảng.
Bà Thừa tái người, ngừng tay bện chổi. Từ nãy bà vẫn tỉ tê than thở, chì chiết ông chồng nuôi ong tay áo, ra công gây dựng cho cái kẻ bội bạc kia. Ông không trả lời, cứ lặng lẽ rót uống. Thì bà đã vạch cho ông thấy cái ngu dại của ông rồi, đối đáp gì nữa. Nghĩ thế bà càng làm nê, mỗi lúc một “mát mẻ”…cho đến lúc này, ông quát tướng lên, thì bà tái người, bao nhiêu uất ức tiêu tan, chỉ còn nỗi hãi hùng…Bà lấm lét nhìn ông. Trong ánh mắt sáng nhập nhoạng của ngọn đèn dầu treo trên xà nhà, khuôn mặt ông chìm đi, chỉ thấy một đôi mắt như lồi ra, đỏ đòng đọc.
Làng xã vẫn coi ông là người mát tính, chẳng bao giờ cáu giận, có chuyện gì, rắc rối cũng cười khà khà tìm cách giải quyết êm thấm. Mấy mươi năm sống với ông, bà Thừa càng hiểu điều này lắm. Lúc ông trái ý, bà gắt om nhà, ông chỉ lắp đi lắp lại độc một câu chống chế: “Ê…mẹ con The…làm chi mà…”. Và rồi ông lẩn đi đâu đó… đến khi cơn giận của bà nguôi. Những tưởng cho đến khi về theo tổ tiên ông cũng chẳng to tiếng với vợ. ấy vậy mà…
Run rẩy, sẽ sàng, bà tìm một lời hạ máu nóng của chồng:
- Thì tôi cũng nói rứa…ông có nghe thì nghe…chứ ai đời…
The ngồi băm rau lợn ở góc sân, nghe rõ mọi chuyện, cô không thể bình thản được nữa. Xấu hổ, tủi thân, cô ném dao chạy ra sau bếp, ngả vào bóng tối cây rơm, nước mắt ứa ra. Những cọng rơm sột soạt, lao xao mỗi khi cô nấc rung cả vai. Có cái gì ngọt ngào cay đắng quá. Cây rơm chẳng phải chỗ để cô trốn được…Cái tết năm ấy vào lúc pháo nổ ran ran khắp làng đón giao thừa, nồi bánh chưng sôi sùng sục trong bếp, cô đã để cho người ta hôn lên má cô nóng bỏng vì lửa, ngay trong bóng cây rơm này!…Cô lùi lũi đi ra ngõ. Gió thổi lạnh lùng. Ngõ cũng không phải nơi vô tình. Dưới dãy tre ngà vít cong như cổng tò vò và những cây sở âm thầm này có bao nhiêu kỷ niệm đưa đón… The đi ra đường làng, muốn trốn tránh, muốn quên đi. Thực tình cô không thiết tha gì con người đó nữa, nhưng sao lòng cứ nhói đau. Cô tìm đâu được một chốn yên tĩnh? Này đây con mương đào theo sáng kiến cuả người ta, đây là pa-nô người ta cùng tổ thông tin xã dựng lên…đây nữa… đây nữa…lại kia, mảnh đất đang bỏ hoá cạnh nguồn nước xạ mà hợp tác xã đã có ý định cho những ai đó dựng lên một tổ ấm nho nhỏ…Con người ấy ở đây. Chẳng thế nào khác được? The trốn tránh làm sao? Mà việc gì cô phải trốn tránh?
Mệt mỏi, The ôm mặt ngồi xuống một gốc sở.
Trong làng, vài ngọn đèn còn le lói giữa đêm mênh mông. Phía núi càng đen kịt, chỉ có trên chóp bắt ánh sáng bạc của vầng trăng cuối tháng sắp mọc. Ngoài ga Đò Lèn huýt lên một tiếng còi tàu nghe thăm thẳm. Rồi lại yên tĩnh, yên tĩnh lạ lùng…
Chuyện vỡ ra thật bất ngờ, nhưng tất yếu. Một người con gái lạ xuất hiện ở làng. Chị ta mặc quần âu, tóc uốn, nét mặt tuy không đẹp nhưng thông minh, sâu sắc. Và The hiểu vì sao từ lúc về làng Niệm lại có thái độ lạ lùng với cô như vậy. Cô cũng hiểu “một chuyện quan trọng” mà bao lần anh định nói là gì. Cô đã mất anh từ lâu rồi. Có điều cô không biết mà thôi. Nhưng The bình tĩnh. Chẳng hiểu sao The lại có thể bình tĩnh đến thế khi nói chuyện với “nhà chị kia”: “Anh ấy yêu chị…em mừng cho chị có hạnh phúc!”.
Làng xóm lại xôn xao lên một lần nữa. Là người rất thương quý, tự hào về Niệm, Đông thấy như bước hụt.
- Mày làm sao thế? Chả hiểu nhà cô kia đẹp hơn cô The chỗ nào? Có lẽ mày lại định nói đến qui luật chi chi đó của tình yêu chứ gì? Nhưng muốn gì thì mày cũng phải chịu trách nhiệm nghe chưa? Lẽ ra mày phải mở mồm nói với người ta một câu có đầu có đuôi chứ! Lúc trước sao dẻo mồm nịnh hót, hứa hẹn thế? Mày tưởng mày đã thế, con The lại còn thiết tha bám lấy hẳn?
Đông mắng té tát Niệm một trận như thế rồi tìm lời an ủi The. The nghẹn ngào, mắt lưng tròng:
- Em cũng chẳng thù ghét gì anh ấy! Nếu chẳng yêu nhau lại sinh thù ghét thì cuộc đời còn nghĩa lý gì!
The muốn mọi người quên đi, nhất là đừng tỏ ra thương hại cô, cũng đừng nghiệt ngã với người ấy. Dù sao thì mọi chuyện đã xảy ra rồi và cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Cô vẫn làm việc của cô, một xã viên, một bí thư thanh niên; anh ấy vẫn làm việc của anh ấy, một kỹ sư của làng. Hai người chung một mục đích nên vẫn phải gắn bó với nhau, nương dựa vào nhau.
The tìm đến gốc sở này để khóc cho nguôi, cho vợi nỗi đau khổ đi. ở đây, cô được tự do hoàn toàn, chẳng ai nghe, chẳng ai thấy cả. Cô chôn chặt nó ở đây.
Khuya lắm the mới về. Nhà tối om, nhưng cô biết bố vẫn ngồi đó, trên cái tràng kỷ tre. Mấy hôm nay nhà như đang trong một trận bão. Mẹ từ chỗ nằng nặc buộc bố phải “che chở” cho Niệm đã nhiếc móc bố, nay lại nguyền rủa Niệm và đòi phải làm cho ra nhẽ! Mẹ như vậy cũng xuất phát từ chỗ yêu con. Nhưng với cái tình yêu nhỏ hẹp, đàn bà ấy, mẹ chẳng biết rằng chính mẹ đã làm The thêm tủi thân, đau khổ, làm cho bố phải giận dữ đùng đùng. Còn bố, nỗi lòng của một người cha có con gái bị bỏ rơi lẽ nào không tê tái? Nhưng ông bình tĩnh hơn. Cái đó cũng chưa làm ông phải suy nghĩ nhiều bằng những điều Niệm đề nghị trên con đường tổ chức lại sản xuất. Nó động chạm đến cuộc sống của hàng tram, hàng nghìn con người, đến uy tín của ông, của các đồng chí như ông…
The dậy sớm nhưng đã lại thấy bố ngồi đó. Chẳng lẽ bố ngồi vậy suốt đêm? Thấy The, ông gọi cô lại. The nhìn bố mà giật mình. Khuôn mặt ông hốc hác, gò má nhô cao lên, đầy những xương xẩu. Mắt quầng thâm mà long lanh như trên cả người ông chỉ có nó là còn hoạt động. Mặt đất, mặt bàn đầy bã thuốc lào, bốc lên mùi nôn nao.
- Bây giờ con nghĩ sao? - Ông hỏi.
The hiểu là bố nói đến Niệm. Cô lắc đầu cương quyết:
- Bố đừng hỏi con, cả mẹ nữa, con không muốn ai nói đến chuyện ấy nữa!
- Không! Bố hỏi con về chuyện hợp tác kia!
- Tuy chưa có nhất trí nhưng phần lớn thanh niên cho rằng anh ấy nói đúng! Phần con, con cũng nghĩ thế!
- Bố cũng nghĩ như con. Nhưng nhiều người vẫn căng thẳng với cách đặt vấn đề của anh ta, lại thêm cái chuyện riêng của con nữa! Song bố sẽ có ý kiến, dù có phải tranh luận nhiều. Tất cả phải rạch ròi, sòng phẳng, phải được nhìn nhận sáng suốt thì mới làm ăn được!…Con chịu khó quét nhà cửa sạch sẽ hộ bố…
Ông Thừa lững thững ra ngõ. Hơi ẩm của đường làng, một ngọn gió phóng khoáng thoang thoảng hương thơm đất đai làm cho ông thấy tỉnh táo hẳn sau một đêm thức trắng. Ông bước trên những con đường quen thuộc, nơi gắn bó cả cuộc đời ông, cuộc đời bao người khác và nhận ra từ xưa nó không như thế này, nó đã trải qua nhiều cuộc đổi thay có khi đau đớn, và sắp tới, nó còn đổi thay để bắt tay vào một vụ cày cấy mới.
1979
Bông cúc thuỷ tinh vàng
Không phải là chuyện nói về một bông cúc vàng hay cúc trắng trong các vườn hoa, nhưng đây đúng là chuyện nói về một bông cúc. Bạn hãy theo dõi.
Buổi tối hôm ấy không phải mùa thu mà là mưa hạ. Đường phố đã lên đèn. Những ngọn đèn vàng dịu toả ra xung quanh thứ ánh sáng mở tỏ. Vì là tối thứ bảy nên đường phố tập nập lắm. Những dòng người đi lại ồn áo như mắc cửi. Trong dòng người ấy bạn thấy Cang, anh công nhân nhà máy cơ khí Chiến Thắng. Cang bước rất nhanh như đang vội vã đuổi bắt ai. Gót giày anh nện xuống lòng đường cồm cộp. Đúng là gót giầy chứ không phải đôi dép cao su như thường ngày. Bạn cần biết thêm rằng Cang đi giày uy-níc, mặc quần “téc” và áo phin pha nilon. Tất nhiên mặc như vậy bị coi là lố. Bởi vì tối hôm nay nóng lắm, mọi người đều chỉ mặc nhẹ thôi.
Có lẽ hôm nay là một ngày gì đặc biệt của Cang chăng? Ví như anh đi ăn cưới một người bạn chả hạn (giả thiết này tỏ ra không vững vàng bởi bây giờ chưa phải mùa cưới…). Vậy thì có thể là anh đi…đấy, Cang đã đi đến đường Lê Lợi rồi, bây giờ anh rẽ vào phố Ngọc Trạo. Mọi chuyện đã rõ ràng: Cang đi thư viện. Hàng năm nay bạn đã thấy vậy rồi! Nhưng đi thư viện mà diện “mốt” như vậy ư? Thật là kỳ cục.
Nhưng cần gì, bởi vì trong túi Cang có một bông hoa. Bông cúc Cang mua ở Hà Nội. Bạn đừng sợ Cang làm bẹp bông hoa, cũng đừng sợ nó đã héo. Bông cục này không bao giờ héo được bởi nó được tạo bằng thuỷ tinh. Cang mua bông cục này cũng là ngẫu nhiên thôi.
Phải nói chuyến đi Hà Nội vừa rồi là một chuyến đi lịch sử. Có hai lẽ để khẳng định như vậy: một, chuyến đi đầu tiên; hai, đại diện hàng trăm người khác.
Ở trụ sở Trung ương Đoàn, Cang đã trình bày một cái báo cáo ngắn. Anh nói về mình đã học tập như thế nào để trở thành người thợ giỏi, có nhiều sáng kiến giá trị. Anh nhấn mạnh đến tác dụng của những cuốn sách kỹ thuật… Hội trường hàng mấy trăm người vỗ tay như sấm dậy, tán thưởng bản báo cáo của Cang. Mắt Cang cứ loá đi vì những ánh chớp liên tiếp của những cái máy ảnh hiện đại. Suốt mấy ngày lòng Cang tràn ngập những xúc cảm rạo rực bởi những cuộc tiếp xúc, những lời thăm hỏi của các đồng chí phóng viên, các đồng chí Trung ương Đoàn, các bạn công nhân trẻ cũng có nhiều thành tích cũng được mời về đại hội như anh. Có những giây phát sung sướng đó là do anh đã cố gắng phấn đấu hàng mấy năm trời với tất cả sự say mê, nhiệt tình đến quên ăn, quên ngủ, đến bỏ cả những thú vui thường tình (cũng chính đáng) đối với một người thanh niên. Phải, trước hết là do đấy. Sau phải kể đến sự giúp đỡ của các kỹ sư, công nhân, cán bộ trong nhà máy đến sự hỗ trợ của những cuốn sách kỹ thuật mà anh mượn được trong thư viện.
Đại hội kết thúc rồi, lòng bừng như một hòn than, Cang xông ngay đến ga Hàng Cỏ. Anh nhở tới quê hương, nhớ tới bạn bè, muốn bay về ngay. Tất nhiên mọi người sẽ đón anh như đón một niềm vinh dự của họ.
Nhưng đời có bao giờ chiều người. Nó thường có những cái rắc rối chẳng ai ngờ được. Sau khi đã xếp hàng đến tê dại đôi chân, nhàu nát cả quần áo, Cang đành ra khỏi phòng đợi nhà ga. Hết vé!
Sáu tiếng đồng hồ nữa mới có tàu.
Anh thanh niên tỉnh lẻ ra thủ đô lần đầu cũng chẳng khác gì con nai tơ lạc xuống đồng bằng. Cang không dám đi đâu hết, chỉ sợ lạc đường. Cái gì đối với anh cũng lạ lùng: nhà cửa,đường phố cao rộng. Những cái biển quảng cáo. Những nét mặt, giọng nói người xung quanh… Đối với Cang tất cả mọi người xung quanh đều là “người Hà Nội” vì thế anh đâm rụt rè một cách quá đáng. Anh tò mò nhìn tất cả. Giữa những thứ hàng hoá xinh xắn, sặc sỡ trên sân ga luồng mắt anh bất chợ chói lên vì một thứ gì đó phản ánh nắng vàng trực trong cái mẹt hàng của một đứa bé xinh xắn.
Đứa bé gái biết được cái nhìn đó của anh, nó chào mời đon đả ngọt ngào:
- Chú ơi! Chú mua một cái gì làm kỷ niệm này…
Nếu lịch lãm thì anh hiểu những lời ấy chỉ là những lời rao hàng bình thường và có thể từ chối. Nhưng lời chào mời với anh tha thiết quá, anh không nỡ bỏ đi. Con bé nhón cái bông cục đưa anh em:
- Chỉ có bốn đồng thôi chú ạ. Cháu bán hoà vốn cho chú đấy!
Bông cúc nhỏ xíu, chỉ bằng cái miệng chén vàng rực, tinh vi, lấp lánh. Một cái lá cũng tinh vi không kém ngả ra đỡ lấy bông hoa. Anh ngạc nhiên về sự khéo tay của người thợ thủ công nào đấy. Tuy nhiên bốn đồng thì đặt quá. Nhưng anh không dám mặc cả. Thanh niên, mua bán ai lại mặc cả. Vậy là ngẫu nhiên anh có bông cúc thuỷ tinh vàng.
Về đến nhà, mẹ, các em anh ra đón mừng rỡ, lúc bấy giờ anh mới ớ người: Anh đã không mua được một thứ quà cáp nào cho các em cả. Thật là hối hận. Nhìn những đôi mắt tưng hửng của mấy đứa em Cang ngượng vô cùng.
Ởû xưởng thì tình hình khác hẳn. Bởi vì mẹ đã mắng anh vì tội không mua quà. Cụ buộc anh mua ít gói thuốc lá, mấy cái kẹo, chia cho bạn bè…
Người ta đón tiếp Cang thế nào, anh kể chuyện ra sao, thật là dài dòng…chỉ biết rằng mọi việc đều như ý. Anh được nghỉ nốt ngày thứ bảy, nhưng anh không an tâm, cứ lang thang hết chỗ này chỗ nọ trong xưởng…
Và bây giờ thì anh đi đến thư viện. Anh định bụng tối thứ bảy này sẽ mời Cúc đi chơi, anh sẽ tỏ tình với Cúc và tặng Cúc bông hoa. Lòng rạo rực, anh thầm cảm ơn con bé bán hàng ở ga Hàng Cỏ sao nó lại đưa cho anh bông cúc này nhỉ? “Cô ta” cũng tên là Cúc. Có cái số má gì đây. Biết đâu, ừ, biết đâu đấy…Duyên xe trời buộc là cái chuyện xưa nay. Cô ta tên là Cúc, mà anh thì lại có một bông cúc vàng…Thật là một sự ngụ ý mà nếu như những cuốn sách anh đã xem là đúng sự thực thì…
Anh không dám nghĩ tiếp nữa. Những ý nghĩ sau đó có cái gì như một sự vụ lợi, một sự làm thoả mãn mình một cách không chính đáng, rất đáng xấu hổ. Bởi vì Cúc bây giờ đã là của anh đâu.
Anh bước lên bậc tam cấp vào hành lang “phòng mượn” của thư viện. Ánh điện trong nhà hắt ra sáng loá. Đứng ở ngoài đã thấy những giá sách ngồn ngộn, cái tủ phiếu với những ngăn kéo có dán những miếng giấy trắng : “Văn học”, “ Dân tộc học”, “ Kỹ thuật”, “ Ngoại ngữ”… rất quen thuộc với anh.
Cúc đang ngồi ở sau bàn, quay lưng lại những giá sách. Xung quanh cô những người đến mượn đang chờ đợi. Phòng đông người nhưng vẫn im lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng giở sách loạt soạt. Những mái đầu cúi xuống trang sách say mê. Người ta bảo muốn đánh giá đúng trình độ văn hoá của nhân dân trong một thành phố, chỉ cần đến các hiệu sách, đến các thư viện của thành phố đó. Nếu các phòng đọc của thư viện ăm ắp người thì chứng tỏ một trình độ văn hoá, một sự ham học cao. Số lượng người đến thư viện và hiệu sách làm cho người ta có thể tin được hay không tin ở sự thực hiện những kế hoạch to lớn của đất nước trong tương lai.
Cang dừng lại ở hành lang. Anh đứng ẩn mình vào khoảng tối giữa những luồng sáng trong phòng chiếu ra. Để giấu sự hồi hộp anh chăm chú nhìn bầu trời đen đặc những mây. Có thể nửa đêm nay sẽ mua vì bây giờ oi quá. Không khí đầy hơi nước bao giờ cũng ngột ngạt khó thở. Mồ hôi lần mần bò ra khắp người anh. Tại sao mình lại hồi hộp thế này? Đâu có phải còn ít tuổi nữa. Hăm nhăm rồi còn gì. Cúc nhìn ra kìa…Cô ta có thể thấy mình không nhỉ. Không, mình đang đứng trong tối. Dù sao thì cũng phải chờ cho ngớt người đi đã. Năm nay Cúc bao nhiêu? Hai mươi à, hay hăm ba. Mình thích cô ta hăm ba. Trai hơn hai, gái hơn một. Tại sao suốt mấy năm mình không hỏi Cúc bao nhiêu tuổi, cứ chúi mũi vào sách vở. Đã đành mấy quyển sách nó làm mình mê đi như bị thôi miên, nhưng quên phắt cả đời tư chưa hẳn đã là một cách sống hay. Mà mình thì thấy Cúc đẹp từ lúc nào chứ ban đầu mình chẳng thấy rung động gì cả…
Cang cứ nghĩ quanh quẩn như vậy ở hành lang.
Từ lần đầu tiên anh đến thư viện đến nay đã được hai năm. Khi người ta đã say mê cái gì thời gian trôi đi rất nhanh. Hồi ấy anh là một người thợ bậc hai. Một anh thợ máy bậc hai cũng có nghĩa là thợ xoàng. Đang còn ít tuổi anh không muốn mang cái tiếng ấy. Nhất là khi mấy “cô bé” kỹ thuật viên “nhí nhố” cứ làm bộ làm tịch. Cang mày mò học, đôi tay anh tỏ ra khéo léo trong mọi công việc. Việc gì người ta bày cho anh một lần là anh làm được, không phải đến lần thứ hai. Và cũng chỉ có thế. Đôi khi làm nhưng anh không hiểu lắm, những nguyên tắc của máy móc. Nghe các cô kỹ thuật viên trình bày những bản vẽ anh cứ như con vịt nghe tiếng sấm, chả hiểu mô tê chi chi. Bởi vì anh là một người thợ chỉ được kèm cặp. “Cần cóc chi lý thuyết, cứ làm đi!”. Một ông thầy anh từng dạy anh thế từ những ngày đầu khi anh bước chân vào nghề, có những băn khoăn, thắc mắc. Bây giờ anh thấy rằng không thể nghe thầy được nữa. Cang tìm đến kỹ sư Sơn.
- Cậu muốn học ư? Mình bày cho cậu nhé! – Sơn nói – cậu cứ đến thư viện. Ở đấy có đủ các thứ sách. Bước đầu mình giới thiệu với cậu một cuốn: Lý thuyết động cơ nổ. Mà này, cô giữ tủ sách khá ra phết đấy.
Cang đến thư viện vì như thế. Anh đến phòng Giám đốc xin giấy giới thiệu, ông Giám dốc khen anh có chí và cấp giấy ngay. Hôm ấy anh vào thư viện với một bộ đồ công nhân còn lấm lem dầu máy và nặng mùi mồ hôi. (Hết giờ trưa anh tranh thủ tạt vào luôn) Cúc là nguời đầu tiên đón anh. Cô này tay Sơn khen đẹp đây. Thằng cha đúng là “bốc”. Một cô gái hơi béo quá, mắt một mí, lông mày lá liễu nhưng không hợp với khuôn mặt có làn môi thô. Chỉ được nước da trắng.
- Chị cho tôi cái thẻ thư viện.
Cang nói và đặt giấy giới thiệu xuống bàn. Cúc xem giấy một lúc lâu rồi lấy một cuốn sổ ghi tên anh vào. Cô rút ra một tấm giấy cứng. Cang đọc được ngay: Thẻ độc giả. A, thì ra cái thẻ độc giả nó như vậy.
Cúc viết tên anh, chữ khá đẹp.
- Anh nộp cho hai hào – không ngẩng lên, Cúc nói.
Cang cuống cuồng, trong túi anh không có một xu nào cả. Bây giờ phải thú nhận với cô ta là anh không có tiền ư? Sơn nói với anh: “Cậu cứ mang giấy giới thiệu đến đưa cho cô Cúc, cô ta sẽ thu giấy và cấp thẻ cho cậu ngay. Rồi cậu muốn chọn sách gì thì chọn”. Sơn không nói đến hai hào oái oăm này. “Người ta đang khuyến khích công nhân đọc sách cơ mà! Khuyến khích gì lại bắt nộp hai nào mới được đọc!” – Cang nghĩ như vậy và sau này anh thấy mình thật là thộn.
- Anh cho hai hào nhé! – Cúc nhắc.
Cang đỏ bừng mặt lên, muốn rút lui nhưng không được nữa rồi.
- Tôi…nói thực là tôi không…mang tiền…
Anh thấy Cúc mỉm cười. Cười mỉa mình chăng? Coi chừng đấy em ạ, khi em xúc phạm đến danh dụ tôi, em sẽ thấy! Nhưng Cúc đã nói:
- Thôi được. Hôm sau anh mang đến vậy. Bây giờ anh mượn cuốn gì?
Nhẹ nhõm quá. Cang nói:
- Lý thuyết động cơ nổ.
- Ký hiệu?
- Hả?
Cang phát chán, lại còn ký hiệu nữa! Ký hiệu là cái quái gì? Lắm chuyện rắc rối quá.
Chừng như hiểu ý Cang, Cúc nói:
- Anh chờ tôi một tí nhá!
Cô ghi nốt những giấy tờ đang ghi dở rồi đứng dậy.
- Anh lại đây.
Đứng trước tủ phiếu, Cúc giảng giải:
- Thế này nhé, trong thư viện có hàng vạn cuốn sách với hàng chục loại. Anh cứ xem trong thẻ đã thấy hàng mười mấy loại rồi. Chúng tôi không thể nhớ hết tên sách. Cho nên người mượn phải nói ký hiệu sách, biết ký hiệu chúng tôi mới tìm được.
Và cô chỉ cho anh trong một tờ phiếu thì ký hiệu nằm ở chỗ nào. Một cô gái rất lễ độ, dịu dàng. Cang nhận xét. Và anh đã nhận xét không nhầm vì sau đó lần nào anh đến Cúc cũng rất ân cần. Cúc nhớ tên anh và biết rõ anh chỉ đọc sách kỹ thuật. Điều đó làm anh thú vị. Giữa hàng trăm người cô đã nhớ tên anh mặc dù một tuần anh chỉ đến một lần và mỗi lần dăm phút. Đôi khi anh và Cúc lặng lẽ không nói với nhau một câu. Anh đến, rút ngay ngăn kéo phiếu ra lúi húi tìm, ghi ký hiệu sách vào một mảnh giấy nhỏ, đặt lên bàn Cúc. Cúc cầm lấy, đi vào lục lọi trong những giá sách đều chằn chặn. Một lúc sau cô mang ra quyển sách anh cần. Anh giở giở vài trang nhìn cho đỡ tò mò rồi để khỏi gây ồn ào, anh gật đầu chào Cúc và Cúc đưa mắt nhìn đáp lại.
Mang những cuốn sách về nhà Cang say mê đọc. Ai bảo đọc sách kỹ thuật khô khan. Mới đầu nhìn vào những con số, sơ đồ, mô hình…Kể cũng ớn người thật. Nhưng khi đã bập vào và anh có một chút kiến thức để có thể hiểu được nó và nhất là công việc ở nhà máy thúc bách anh phải đọc nó để giải quyết kịp thời thì anh sẽ tìm thấy hứng thú. Kỹ thuật dường như là một chuỗi bí mật liên tiếp và vô tận. Anh như một người thám hiểm cứ dò ra cái bí mật này, thấu hiểu nó lập tức lại gặp một bí mật khác hứa hẹn với anh bao nhiêu điều kỳ lạ trong đó. Anh không thể dứt ra được. Và anh cũng không muốn dứt ra bởi anh gặp trong những cái rắc rối, những cái làm đau đầu ấy, những hứng thú thần tiên, cái hứng thú của một người mở toang một cánh cửa bí mật để lấy ra trong đó từng đống ngọc ngà quý giá…
Tay nghề của Cang tiến bộ rõ rệt. Anh đã bắt đầu có thể tranh luận với các cán bộ kỹ thuật được đào tạo ở nhà trường những vấn đề kỹ thuật phức tạp và nhiều lúc chiến thắng vẻ vang. Anh đá có một vài sáng kiến nho nhỏ. Anh không còn thấy những buổi tối không biết đi chơi đâu, những ngày chủ nhật rảnh rỗi nữa. Lúc nào hình ảnh những mặt cắt, những mô hình những công thức cũng như nhảy múa trong óc Cang. Có lần anh đã thốt lên: “Thời gian! Tôi cảm thấy thời gian khắc nghiệt quá!”. Sơn, vẫn cái anh chàng kỹ sư ấy, vỗ vai anh:
- Đấy là tiếng kêu than muôn thuở của những người ham học. Cậu cũng đã thấy thời gian khắc nghiệt rồi à?
Một hôm Cang tìm thấy tên một cuốn sách cẩm nang về nghề nghiệp của anh. Phải nói là anh mừng ghê gớm. Anh chép lấy ký hiệu đưa cho Cúc:
- Cho mình mượn cuốn này nhé!
Anh đã xưng “mình” với cúc từ hôm nào anh không còn nhớ nữa. Xưng hô như vậy thân mật hơn. Cúc đi tìm một lúc quay ra nói:
- Chỉ có hai cuốn nhưng người ta đều mượn cả rồi. Hai hôm nữa họ mới giả.
- Hai hôm nữa mình đến Cúc để cho mình nhé. Cần lắm.
Đúng hẹn, anh đến. Nhưng người mượn sách chưa đưa lại. Từ đó hôm nào anh cũng đến chầu chực. Thấy anh cứ đến mãi, chỉ đòi mượn cuốn ấy, Cúc đâm nể anh quá:
- Thôi thế này anh Cang ạ. Đúng là ông ta vớ được cuốn sách thú nên cứ om lại mãi. Rồi cũng phải giả thôi. Nhưng chưa biết đến hôm nào. Để anh khỏi mất thì giờ, hôm nào có sách tôi sẽ báo cho anh biết nhé.
Cang đành ra về.
Vào cái buổi tối chủ nhật đó…có thể coi đó là một buổi tối đáng ghi nhớ đi. Vì sau đó Cang thấy…Khoan! Cần phải hết sức thận trọng trong lúc này. Buổi tối đó Cang đi làm về muộn. Một ca máy hỏng đang làm anh đau đầu nên anh không thể rời nhà máy khi còn sớm được. Nhưng loay hoay mãi cũng không chữa được máy,người bảo vệ giục anh về. Cang về tới nhà, mẹ anh đã để cơm trên bàn. Giở chiếc lồng bàn ra anh chỉ thấy có một liễn cơm, một đĩa vừng rang và một vếch mắm tôm. Cởi chiếc áo đầy dầu mỡ ra để bên cạnh anh đánh trần ngồi ăn luôn. Cái sơ đồ máy anh vẽ ở xưởng để trên bàn, vừa ăn anh vừa nhìn. Mẹ anh gắt lên: “Thì ăn cơm xong đã nào!”. Anh ngồi ăn đến hàng tiếng đồng hồ vẫn chưa xong bữa. Mấy đứa em đã đi xem cả rồi. Nhà rất yên tĩnh, tiện cho việc suy nghĩ.
Bỗng dưng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Anh hơi bực vì có khách đến chơi lúc này. Mẹ anh đứng dậy mở cửa.
- Chào bác ạ!
- Vâng chào chị.
- Thưa bác, đây có phải là nhà anh Cang không ạ?
- Phải. Em nó đang ở trong nhà. Mời chị vào chơi.
Cang giật mình thấy tiếng ai quen quá. Anh ngẩng mặt lên thì đã thấy Cúc đứng trước mặt.
- Chăm thế! – Cô nói.
Anh hơi bối dối, vội úp chụp cái lồng bàn lại. Không hiểu cô ta có trông thấy cái đĩa mắm tôm không. Phải nói là hầu như chưa bao giờ có một người con gái đến chơi với Cang nên anh mới vụng về như vậy. Nhẽ ra thì phải mời Cúc ngồi xuống còn mình thì đi thay quần áo sạch sẽ vào. Nhưng anh cứ ngồi đực ra.
Mãi sau anh mới mạnh bạo nói, giọng như bị vỡ.
- Kìa, Cúc đến chơi!
Thấy cung cách thằng con trai như thế người mẹ vội nhắc nhở tất cả những điều anh cần phải làm. Hôm ấy Cúc đến đưa cho anh cuốn sách; cô đã đến nhà máy anh và người ta chỉ đến đây.
- Mình làm phiền Cúc quá! – Anh nói khi đưa tiễn Cúc.
- Không! Có gì đâu, em sợ anh mất thì giờ. Biết là anh đang cần cuốn sách ấy làm, nhân tiện mang lại thôi. Chứ anh đang nghiên cứu gì đấy?
Cang nói cho Cúc nghe vài việc anh làm được nhờ đọc những cuốn sách của cô.
- Sách của thư viện đấy chứ!
Cúc tỏ ra rất phấn khởi. Hai người cùng cười nhỏ. Thuận chân anh cứ đi mãi với Cúc, đến lúc Cúc giục anh về, thì anh như một thằng đần, quay đi ngay, cũng không nhớ ra rằng nên hẹn Cúc thỉnh thoảng đến chơi, dù để xã giao.
Mẹ anh cứ hỏi cô ấy con nhà ai và cũng được đấy, ngoan, làm anh cứ ngượng chín người. Bà cụ hiểu nhầm.
Nhưng chính sự hiểu nhầm của mẹ gợi mở cho Cang những ý nghĩ rất đầm ấm về Cúc. Anh mơ hồ cảm thấy hình như với mình Cúc có một tình cảm gì đặc biệt. Cúc tỏ ra rất quan tâm đến anh, lại đã xưng em! Cô yêu anh chăng? Không! Nói yêu thì quá sớm. Hai tiếng ấy nó như thế nào ấy! Có thể là Cúc “để ý đến anh…” và từ đó có thể nảy sinh một tình yêu lắm chứ! Người ta chỉ yêu được khi biết rõ về nhau. Biết đâu chả lấy cớ mang sách đến cho anh để Cúc làm quen anh. Đó là cái đêm đầu tiên anh khó ngủ vì bóng dáng một người con gái. Cũng may mà hôm sau là chủ nhật, anh có thể ngủ trưa hơn mọi ngày. Từ đó Cúc cứ luôn luôn hiện lên trong trí tưởng tượng của Cang. Một thời gian sau đó Cang nhận thấy nhịp độ đến thư viện của anh có dày hơn. Anh cứ tự dối mình đó là do yêu cầu học tập. Nhưng rõ ràng là ngày nào không đến thư viện là anh bồn chồn lạ. Anh để tâm cắt nghĩa tất cả những câu nói, cử chỉ của Cúc đối với anh và nhận thấy Cúc rất âu yếm với anh, với riêng anh! Một đêm anh còn nằm mơ thấy Cúc. Giấc mơ thật kỳ lạ. Anh đang đứng ở một nơi nào đó thì Cúc hiện ra. Cô tươi cười đến bên anh. Tay cô cầm một cuốn sách gáy vải, đưa cho anh. Anh mở cuốn sách ra, trong đó có bao nhiêu sơ đồ công thức mới lạ. Chúng nó nhảy múa tung tăng và cứ nhu một đàn tép trong te, dần dần nhảy hết vào đầu anh. Chỉ một loáng anh hiểu hết chúng và trở thành một người nắm được những kỷ thuật tối tân nhất về máy móc. Những trang giấy hết chữ, chỉ còn lại trắng tinh. Rồi anh thấy trên trang giấy đó hình ảnh anh và Cúc, hai người khoác tay nhau đi chơi. Anh âu yếm vuốt ve mái tóc Cúc, nhưng không phải nói về tình yêu mà nói về một thứ máy móc gì sau này anh không thể nhớ ra, chỉ biết chúng kỳ diệu lắm. Cúc thì luôn luôn tươi cười, khen anh ngoan, khen anh giỏi. Lúc ấy Cúc đẹp lắm. Một thứ màn sương gì bay bổng, thơm thơm vây quanh hai người. Anh và Cúc cùng nhìn về nơi chân trời. Nơi ấy, ánh hào quang toả ra chói sáng. Cuộc đời thật là đẹp. Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau chan chứa hạnh phúc. Anh hôn một cái rất dài, cháy bóng lên đôi môi đang cười của Cúc. Nhưng ơ kìa, sao Cúc lại dỗi, Cúc đẩy anh ra: “Anh không đứng đắn”… Anh chợt tỉnh dậy, trái tim đập như muốn bung ra. Trong tay anh, chiếc gối…
Một hôm nhân có đoàn Ca múa Trung ương về biểu diễn, trong lúc ở thư viện Cúc có trao đổi với anh vài câu về buổi tối đi xem. Anh đã mạnh dạn rủ Cúc cùng đi. Cúc cười:
- Được anh Cang mời đi xem thì hân hạnh quá!
- Ồ! Mình chỉ là một anh thợ – Buột mồn Cang nói rất ngọt ngào. thì ra lúc cần người ta cũng có thể sinh duyên được.
- Ấy, được một anh thợ bây giờ mới có giá. Lắm cô ao ước mà người ta có thèm đoái hoài đến đâu!
Chắc chắn là Cúc sẽ đi xem với mình, Cang mua hai vé loại sáu hào (sang nhất). Nhưng Cúc đã từ chối ngay từ đầu:
- Tối nay em vẫn phải làm…
Buổi ấy thư viện vắng, hai người nói chuyện thoải mái. Cang thao thao nói cho Cúc nghe tất cả những gì ở nhà máy mình, đặc biệt là những cuốn sách với công việc của mình. Cúc cũng chuyện rất là niềm nở. Đôi lần Cang muốn bóng gió thế nào cho Cúc biết lòng anh nhưng rồi anh lại thôi. Đằng nào thì Cúc cũng là “của anh” rồi! Tình yêu cũng như trái quả: Đến ngày tự dưng là nó chín. Mà quả chín cây mới ngon. Khi ngồi trên tàu về Cang đã tính đến chuyện đem bông cúc về tặng cho Cúc, và chẳng “oong đơ” gì cả, anh sẽ nói thửng với cúc rằng anh yêu Cúc. Tất nhiên anh sẽ yêu cầu Cúc trả lời ngay. Một tí ép buộc, một tí hờn giận, có thể được lắm chứ! Anh cảm thấy nếu không nói ra điều này thì chẳng bao giờ anh an tâm làm việc được nữa…Và Cúc, Cúc hãy hiểu điều đó mà dứt khoát đi…
Nhưng sao đông người mượn sách thế nhỉ? Cứ chờ thế này thì đến lúc nào? Tất cả những người kia chẳng tế nhị tí nào cả!
Cang bước vào phòng. Nhưng anh không lại chỗ Cúc mà đến bên tủ phiếu sách giả vờ tìm tòi. Có thể Cúc sẽ không nhận ra anh vì hôm nay anh diện “mốt” quá.
Cang ngồi, thỉnh thoảng đưa mắt ngắm Cúc một cách âu yếm. Cúc đã thấy anh. Cô khẽ gật đầu chào. Lúc này trông Cúc đẹp quá! Tại sao anh không nhận ra Cúc đẹp ngay từ những ngày đầu nhỉ. Cái đẹp của Cúc là cái đẹp duyên dáng làm rung động lòng người. Một cái đẹp có chiều sâu, bền chắc. Nếu phải đánh đổi Cúc lấy một trăm nàng công chứa đài các trước kia Cang cũng không đổi…
Một anh càng khoảng ba mươi tuổi, đeo kính gọng vàng, có vẻ là một nhà trí thức cũng đang lúi húi tìm sách cạnh Cang. Anh ta chúi mũi vào cái ngăn kéo đựng phiếu sách triết. à, một nhà triết học. Một lúc sau anh ta đứng dậy đến bên Cúc:
- Cho mình mượn cuốn này. “Chống Duyrinh”.
Cúc tìm đưa cuốn sách dày cộp cho anh ta:
- Nhức đầu lắm nhỉ!
Cô cười rất tươi. “Nhà triết học” cũng cười lại, kiểu cách:
- Thường thôi Cúc ạ. Này, mình về nhé. Nếu “Tạp chí triết học” về phải để dành cho mình đấy!
- Không để cho anh thì, còn ai!
“Nhà triết học” đi ra. Cúc chăm chú nhìn theo. Cang chột dạ. Anh như bị một phát đạn xuyên vào tim. Cúc đối với anh tá có phần âu yếm quá!
Lại một thanh niên nữa, dong dỏng cao, khá đẹp trai đến bên Cúc.
- Chào bạn!
- Chúc mừng anh nhé! Sao anh không nói với Cúc, cứ giấu giếm thế. Đến tệ. Mãi khi làm mục lục Cúc mới biết.
- Cùng một niềm vui nhưng đến bất ngờ bao giờ cũng lớn hơn được báo trước. Đúng không nào?
- Nhà văn có khác.
Tim Cang bị bắn thêm một phát đạn nữa. Cô ta cũng rất cởi mở với anh chàng văn sĩ này. Nhưng đã hết đâu, khi anh chàng kia vùi đầu vào cái ngăn kéo “văn học nuớc ngoài” thì lại một kỹ sư xuất hiện. Anh này phân bua lem lém:
- Anh lỡ hẹn với em rồi. Đến xin lỗi đây!
- Lần sau thế là phạt đấy nhé.
Trời ơi! Cang muốn kêu lên. Anh mới ngồi có một thoáng mà Cúc đã âu yếm, có những quan hệ đặc biệt với những ba người, cả anh nữa là bốn. Đàn bà họ như vậy sao? Làm như chỉ yêu có một mình anh thôi, trong khi đó đi yêu tất cả mọi người. Để rồi lựa chọn. Đúng, để lựa chọn. Tình yêu của họ như thế đây. Cang bỗng thấy đằng sau cái con người đáng yêu kia là một cái gì đáng khinh bỉ, đáng vạch mặt chỉ trán. Đầu cơ tình yêu. Tất cả những chàng trai kia ơi! Các anh bị lừa đấy. Các anh cứ chúi mũi vào sách vở, nghiên cứu, viết lách, lòng rất trong trắng, hành động rất vụng dại, các anh tưởng là cô ta yêu mình mình thôi ư? Cô ấy lừa các anh đấy. Anh chẳng qua chỉ là một trong rất nhiều món hàng cô ta đang cân thử trên đĩa cân. Không! Đừng có ảo tưởng. Các anh ngờ nghệch lắm. Mỗi cử chỉ, mỗi lời âu yếm của các anh đưa ra là một lời vàng, rút từ tình yêu đẹp đẽ của các anh vậy mà cô ta đón nhận bằng sự giả dối như vậy đấy!
Cang ngồi lặng đi, chống cả hai tay lên trán. Chưa bao giờ anh phải suy nghĩ căng như vậy, khó tự chủ như vậy. Mồ hôi Cang túa ra, nóng bừng bừng. Cái áo ni lông, cái quần “téc”, đôi giầy uy-ních…không phải là Cang muốn khoe mẽ. Anh đến đây với một tinh thần trang trọng, một tình cảm thiêng liêng đặng đến với một tình yêu đẹp đẽ, sáng ngời. Nhưng chua chát thay, người ta đã yêu anh với một tình yêu mới sáng lạng làm sao! Đời bây giờ cũng còn những cô gái như vậy ư? Mà lại ngồi chễm chệ trong một căn phòng chứa đầy những tinh hoa trí tuệ của loài người.
Đằng sau Cang có hai người đang trao đổi nho nhỏ với nhau. Cang lặng lẽ lắng nghe.
- Chiều người đọc quá là người yêu ấu nhỉ!
À, ra họ cũng đang nói về Cúc. Cang càng chú ý theo dõi.
- Này, mình nói cậu nghe chuyện bí mật nhé: Lúc đầu ấy, mình cứ tưởng cô ta chú ý đặc biệt đến mình và mê mình đấy…
Anh kia khúc khích cười:
- Rồi…chàng thất vọng khi thấy mình chỉ là một trong hàng trăm “ca” đặc biệt tương tự chú gì. Phải nói là cô ấy cũng vào loại “đặc biệt”.
- Ấy vậy mà có hồi mình giận cô ta, suýt nữa thì sinh chuyện.
- Cậu đúng là một con bò! Suỵt! Thôi nhé. Mất trật tự.
…
Hai người lại im lặng lục tìm những ô phích. Cang đứng lặng, bối rối tưởng như họ vừa nói về mình. Thì ra như vậy đấy. Mình cũng là một con bò không hơn không kém. Cúc ơi! Anh xin lỗi em. Chính ra là anh đã phải hiểu em hơn, từ đầu kia. Em đã giúp anh rất nhiều, nhờ có em, có những cuốn sách của em mà anh đã trở nên một người thợ giỏi. Anh phải cám ơn em. Cang đứng dậy. Anh đến trước mặt Cúc. Cúc tươi cười:
- Anh Cang diện quá!
- Cho mình mượn “Sức bền vật liệu” ký hiệu… Và “Thằng ngốc” nữa. Cúc trở vào lấy sách. Lát sau cô ra:
- “Thằng ngốc” hết rồi.
- Đang còn, đang còn một thằng ngốc đấy. Cúc không hiểu à?
Cúc nghĩ bụng: “Anh Cang hôm nay dí dỏm quá! Có điều gì phấn khởi lắm đấy”.
Đã hết giờ mở cửa, mọi người lần lượt ra về hết. Căn phòng trở nên rộng mênh mông, trống trải và yên tĩnh lạ lùng. Cúc đi xếp lại những chiếc ghế ngồi cho ngay ngắn, thu lượm vài tờ báo trên bàn. Rồi cô quay lại chỗ mình định cầm mấy cuốn sổ lên. Bồng nhiên cô thấy một cái gì vàng chói lên. Cái gì thế này?… Một bông hoa, hoa cúc bằng thuỷ tinh. Ôi, những cánh mỏng trông đều đặn, cứ anh ánh như hoa thật, hơn hoa thật thế này! Cô khẽ gõ đầu ngón tay út vào cánh hoa “tinh, tang”, âm thanh phát ra cao, trong vắt và rạo rực đến lạ lùng!
Nhưng không biết của ai bỏ quên…
Cúc nhớ lại tất cả những người hôm nay đã đến thư viện, nhưng vẫn không thể biết bông hoa của ai và vì sao ở trên bàn cô?
Hôm sau có xướng lên. Người quây vòng trong vòng ngoài, ai cũng tấm tắc khen bông hoa, nhưng không ai nhận cả.
- Thiên hạ bí mật tặng Cúc đấy! – Một người nói.
Sung sướng, gò má Cúc ửng lên:
- Em chẳng có cái vinh dự ấy.
Thế rồi Cúc bắt đầu để ý từng người. Nhưng bắt được mạch tim nhau đâu phải là chuyện dễ. Ai cũng như ai, cũng bình thường vậy. Này nhé anh nhà văn, anh kỹ sư… và Cang…Cang vẫn đến thư viện đều… Và câu hỏi chưa giải đáp cứ làm Cúc rạo rực…Hệt như trong truyện của Ang-déc-xen vậy: tự nhiên niềm vui hiện lên cảm động và ngời sáng…
Mùa hè 1973
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét