Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Thơ Quảng Bính - Thời tuyến lửa - Thơ Hải Bằng

Thơ Quảng Bình - Thời tuyến lửa - Thơ Hải Bằng

Thứ hai - 19/05/2014 13:18

Thơ Quảng Bính  - Thời tuyến lửa - Thơ Hải Bằng

  Thơ Quảng Bình chống Mỹ có hai thế hệ (ở đây chỉ nói đến những nhà thơ sống , viết trưởng thành trên quê hương Quảng Bình.) Còn các nhà thơ quê Quảng Bình thì sống và viết ở khắp đất nước rất nhiều.
   Thệ hệ đàn anh là Nhà thơ Xuân Hoàng, Dương Tử Giang, Hải Bằng, Hà Nhật, Nguyễn Văn Dinh, …Họ là những người sáng lập Hội Văn nghệ Quảng Bình. Thế hệ thứ hai là Nhà thơ Trần Nhật Thu, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Văn Lợi, Vĩnh Nguyên (Vinh Nguyễn), Đỗ Hoàng. Họ là những hội viên kế tiếp có mặt trong thơ tuyển Quảng Bình năm 1964 – 1974 và Thơ tuyển Quảng Bình năm 1972. Những người sống và viết, trưởng thành – thành danh ngay trên quê hương!
 Thơ họ gắn cái chung với cái riêng. Trách nhiêm vụ công dân và trách nhiệm thi sỹ là một. Bây giờ đọc có thể có người không thích, nhưng một thời họ đã sống và viết như thế cùng dân tộc kháng chiến!
Xin giới thiệu nhà thơ Hải Bằng

 
         Nhà thơ Hải Bằng

Hải Bằng là người Hoàng tộc Triều Nguyễn, thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Anh tên lả Vĩnh Tôn đứng thứ 5 trong hang đầu bài thơ truyền đời của Minh Mạng:
Miên , Hương , Ưng, Bửu, Vĩnh
Kế ,Quốc, Định, Long ,Tường…
Bố anh từng là tri huyện Bố trạch Quảng Bình, từng là Tổng đốc Tây Nguyên…
Hải Bằng tham gia quân đội lúc tuổi thiếu niên. Khoảng 1957 anh phiêu dạt vào sống, viết và lấy vợ người Quảng Bình vào thời tuyến lửa ác liệt nhất 1960 - 1975. Quảng Bình coi anh là người con của quê hương.  Đọc thêm Hải Bằng - Tấm lòng trung trinh với nước của Đỗ Hoàng . Xin gới thiệu chum thơ của thơ anh!

                          vannghecuocsong.com




HẢI BẰNG
 
Cồn cỏ

1.
Đi đến một màu xanh
Đi ra ngoài đảo nhỏ
Dù trời không có gió
Sức ta là buồm căng

Đi đến một màu xanh
Đi ra ngoài đảo nhỏ
Trước bếp trời nhen lửa
Đi dưới màu lá tranh
Đi qua từng hang đá
Đá, biển, trời, cây xanh
Xanh từ làn sóng bủa
Nghe Tổ quốc trở mình
Vẫy tay chào Cồn Cỏ!

2.
Nơi đây hòn đảo nhỏ
Đứng tên đảo anh hùng
Giữa nắng ngày rực rỡ
Giữa mùa trắng mênh mông
Đảo nhìn ra phía Đông
Đá đương đầu súng giặc.
Đảo nhìn ra phương Bắc
Đá mọc hoa mai vàng
Đảo nhìn vào miền Nam
Đá thêm gươm thêm súng
Đảo nhìn lên trời rộng
Đá quật máy bay nhào
Đảo nhìn xuống biển sâu
Đá dìm tàu giặc Mĩ.
 
Lật từng trang nhật ký
Ghi từng giờ chiến công
Ghi từng tuổi anh hùng
Ghi từng tên chiến sỹ
Ghi từng bàn tay trẻ
Luyện đá thành thép gang
Luyện sóng thành hờn căm
Luyện cồn thành đảo lửa
Luyện mắt thành sao vàng
Luyện tay thành cờ đỏ.

3.
Những tên người khác nhau
Những tuổi đời xấp xỉ
Một chí hướng cùng nhau
Một sẵn sàng đánh Mĩ
Vệ quốc quân đảo Cỏ
Áo đồng màu lá tranh
Bàn chân lì như đá
Lòng trong như biển xanh
Lấy súng làm lưới bủa
Giữ pháo đài hoa nở
Từng giờ trong đạn bom
Từng giây phút căm hờn
Xắn áo là thắng giặc
Mặc phi cơ oanh tạc
Mặc chiến hạm bao vây
Mặc bom trùm chất độc
Cồn vẫn trổ xanh cây
Đá vẫn phun ra lửa
Người vẫn chắc bàn tay
Giữ cho tròn đảo Cỏ.
 
4.
Con chim nằm trong tổ
Bay ra ngoài cửa hang
Bay sà qua hố bom
Lượn vòng quanh mũ lưới
Đến đậu hoa bí vàng
Nhảy sang cành nguỵ  trang
Hót chuyền vai bộ đội
Hót mừng tàu giặc tan
Hót đuổi bày cướp Mĩ
Hót mừng công chiến sĩ
Hót mừng đảo anh hùng.

Thuyền nhớ khơi mùa hạ
Chim nhớ lái nhớ buồm
Đảo nhớ tay chài lưới
Gió nhớ sao hàng dương
Nhìn còng nhớ cua đá
Nhìn triều lên nhớ cá
Nhìn mây nhớ đảo xa
Nhìn trời căm giặc Mĩ
Lũ cướp đến kia rồi
Nhìn biển căm giặc Mĩ
Khét từng trận bom rơi.

Chim không lìa đảo nhỏ
Chim chẳng xa người thân
Chim lại bay vào tổ
chuyền tiếng hót vào hang
Đảo Cỏ xây đảo Cỏ
Cồn gang dựng cồn gang
Lời chim xa càng rõ
Tiếng vút trời băng ngang
Súng ngẩng lên đầu gió
Đảo anh hùng - Việt Nam!

5.
Người chiến sĩ nơi đây
Tóc xanh trong khói đạn
Lửa trong lời thơ ta
Đêm sờ lên cằm bạn
Râu dài căng tiếng ca
Mồi hôi đầy báng súng
Như muối mặn phù sa
Giấc ngủ thành giao trận
Đạn pháo truyền tay đưa
Kẻng cơm thành báo động
Đáy biển nuốt phi cơ…
 
Người chiến sĩ nơi đây
Tay trồng cây xuống đá
Tay ấn đạn lên nòng
Mắt trông vào con mắt
Ngực xáp vào lồng ngực
Chân xỏ giày tấn công
Chân bước lên đầu giặc
Con chim lại liệng vòng
Cỏ cồn xanh tiếp mọc.

Đây giặc Mĩ ra ma
Đây thay trời sấm sét
Đây đảo Cỏ cồn hoa
Đây cồn gang đảo thép!
                                                1-5-1965

THƠ TÌNH
Em chải tóc xanh từng sợi mềm
Nghe hơi gió thổi những lời êm
Dòng sông vẫn chảy theo chiều ấy
Tóc suối em bồng con nước lên

Em bảo vườn em nhiều trái chín
Mà sao chim khách chậm bay về
Dù tôi chưa hẹn khi nào đến
Đã nếm trong lòng múi bưởi the

Em vẫy ai mà ngỡ vẫy tôi
Nhìn trời mà tưởng nắng sau đồi
Nửa này em báo giờ đưa tiễn
Nửa ấy e chừng để lại thôi

Nghĩ đến em như nhẩm chuyện đời
Có buồn có tủi có khi vui
Mà sao nhớ mãi mùa mưa Huế
Thấm tận chân trời ướt mắt tôi
H.B


 Nhà thơ Vĩnh Nguyên

Gửi ô Đỗ 2 bài thơ VN viết về vị Hoàng phái này đã rất lâu rồi. Bài trên viết khi Hải Bằng đang tạo hình rẹn  (rễ) cây ở làng Phú Vinh- cạnh Hội vnqb ( Văn nghệ Quảng Bình) đóng. Còn bài dưới vn viết ở đảo Cồn Cỏ khoảng năm 1985 khi vn đi với đoàn văn nghệ tỉnh đội BTT nhân ngày thành lập đảo 8/8. Đội văn nghệ đã trình diễn- đọc bài thơ Cồn Cỏ có nhạc đệm rất xúc động và Vĩnh Nguyên đã khóc!

VĨNH NGUYÊN
  Tặng anh Hải Bằng

Cái rễ cây thành con nai đen
Cái bạnh cây thành con hổ phục
Cái chảng cây thành con chim hót
Chiếc lá xanh thành con mắt nhìn…

Người đến đây xin đừng trả giá
Có ai mua được khoảng trời xanh?
Tôi muốn chim kia và chúng nó
Khi “sổ lồng” nhớ nhìn lại anh…

Vĩnh Nguyên

 TÁI HIỆN

Anh là người hạnh phúc
Bài thơ “Cồn Cỏ” anh viết ngày nào*
Các diễn viên đọc tác phẩm thơ anh trên giàn nhạc
Sóng biển Hy-rôn** dào dạt ngọn nồm reo!

Vẫn lá xanh sắc màu áo lính
Vẫn vị mồ hôi đằm đặm dân chài
Vẫn vọng gác tiền tiêu nhìn thẳng
Bao tàu Mỹ cháy máy bay rơi

Anh là người hạnh phúc
Sự tái hiện tác phẩm thơ và cả Nhà thơ
Vọng gác bao lần thay lớp gác
Và thơ anh-trái chín lại mang cho

 Đêm liên hoan mừng ngày thành lập đảo
Lời thơ lửa cháy trời cao
Người vốn giàu cảm xúc Hải Bằng –vắng mặt
Tôi khóc thay anh!..

*Tác phẩm “Cồn Cỏ”( Giải thưởng báo Văn nghệ), Hải Bằng viết năm  1965.
** Tên gọi một địa danh trên đảo Cồn Cỏ.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét