Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Tập thơ Tâm sự người lính của Đỗ Hoàng bị cấm 20 năm (phần 5)_


Tập thơ Tâm sự người lính bị cấm 20 năm (phần 5)

Thứ tư - 08/05/2013 15:01
           
                   
Nhà thơ Đỗ Hoàng
TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH, TẬP THƠ BỊ CẤM 20 NĂM CỦA ĐỖ HOÀNG (trích phần 5)


Tôi viết tập thơ Tâm Sự người lính cách đây đã hơn 40 năm, và Nhà xuất bản Văn học in và bị cấm cách đây cũng đã gần 20 năm (1996).
 Tập thơ là tiếng nói của người lính và nhân loại lên án chiến tranh của loài người luôn luôn xảy ra mà không có cách gì ngăn cản được. Suốt 40 năm nay, sau cuộc chiến ở Việt Nam, chiến tranh lại xảy ra khắp mọi nơi trên trái đất: Vùng Vịnh, Apganstan, Chernia, Nam Tư nay lại sắp sửa xảy ra ở Nam Bắc Triều Tiên. Đau buồn không thể nói. Xin post lên một số bài trong tập đó!
 

    
GIỮA CHIẾN TRƯỜNG

Bom giặc đào lên những đống xương.
Đêm lạnh ma bay đến gọi hồn!
Thế giới ngày xưa còn để lại,
Tiếng kêu khắc khoải của đau thương!

                       17 -11 – 1973
  
   
  
          THƠ VÀ MÁU

Giết nhau là chuyện của người!
Tình thương là của thơ tôi buổi đầu.
Rồi đây không biết về sau,
Thơ tôi có nhuốm một màu máu không?

                    27 – 11 – 1973
 
  TRƯỚC TÀI NGHỆ ƯỚP XÁC


Ai chết nghìn năm còn để xác? (1)
Thế giới hôm nay mãi sững sờ!
Còn ta sống giữa đời đen bạc,
Như chết nghìn năm dưới đáy mồ!

                     5 – 1973

(1) Khoảng năm 1972 – 1973  ở chiến trường, tôi đọc một tin trên báo nói việc khai quật mộ cổ ở Thanh Hoá có tìm được một xác ướp của  một công chúa đã táng hơn hai nghìn năm mà vẫn còn nguyên vẹn, nên làm ra bài thơ này!


     
  CHIẾN TUYÊN


Ở nơi đây chiến tuyến!
Chen kín vai Trường Sơn
Âm thầm bóng người lính,
Đi về trong cô đơn!

Sớm lao vào trận đánh
Cái chết định sẵn rồi.
Lại một thời Trịnh – Nguyễn (!)
Đất nước này chia đôi!

                27 -11 - 1973

(1) Đất Việt bị chia đôi lần 2 từ năm 1954 đến 1975

 

   VÌ  SAO?


Lính lại vào đầy bến.
Chỗ chuyển quân bầm tím cả chân trời
Mùa đông đi ra trận,
Có ánh mắt nào vui!

Trùng trùng đoàn quân lặng lẻ,
Mưa gó run, cây cỏ cũng run.
Không biết vì mùa đông lạnh,
Hay vì còn có những đoàn quân?


CHIỀU LẠNH


Trời chiều thường có mây bay.
Ngọn đông se giá hôm nay lại về.
Tội tình tời tả hàng tre,
Lá reo xao xác bờ khe úa vàng.

Nhìn lên trên khoảng không gian,
Mây giăng, chỉ thấy mây giăng kín trời.
Lạnh rồi, lạnh nữa mà thôi.
Rét run như sốt trong người bấy lâu.

Người đi, người đi về đâu?
Cuối trời súng nổ, ngọn lau bạc Ngàn!

                   20 -11 – 1973



                    27 – 12 - 1973
     


CHUYỆN SÔNG MÁU, NÚI XƯƠNG

 Mới vào lính,
Họ chưa biết đâu!
Con gái lớn lên buổi đầu xa mẹ.
Tôi xót xa nhìn những cô gái ngây thơ, trươi trẻ.
Ái ngại cuộc đời chinh chiến mong manh!

Họ ngủ êm lành đêm nay,
Họ có biết không?
Những miền rừng xa xôi đang há mồm chờ họ đến.
Những miền rừng của chúa sơn lâm và thần sốt rét.
Sẽ làm cho những thân thể kiện cường thành xanh tái, vàng rơ!

Họ có biết không?
Những vùng rừng họ đi qua.
Trăm năm hút hun đừng hòng mong ngày trở lại
Trăm năm quay cuồng chẳng nhìn đâu ra dáng mẹ!
Và ánh mắt người trai từng thuở yêu đương!

Họ đã kinh hoàng chưa?
Hai chữ Trường Sơn!
Đã chôn vùi biết bao nhiêu thế hệ
Đã lấy mất biết bao nhiêu tuổi trẻ.
Những binh đoàn rỉu số đi qua!

Rồi còn biết bao nhiêu điều cay đắng xót xa.
Trong bom đạn, người với người là thú dữ.
Trong bom đạn máu tim hồng thành máu quỷ.
Cái chết oán thù còn mang hận đến nghìn năm!

Kẻ nào dù có mệnh số may mắn hơn.
Được sống sót trở về sau vạn nghìn ngày chinh chiến,
Thì mẹ già quê hương không thể nào nhận diện
Con gái minh ngày xưa yêu kiều nay còm cõi ma tàn!

Tôi biết các cô gái dịu hiền, ngây thơ không suy nghĩ gì hơn.

Khi cái bịp đã nâng lên thành chủ nghĩa.
Khi cái ác tàn đã lên ngôi hoàng đế.
Khi cuộc đời bị ngự trị những bất công!

Lần đầu tiên xa nhà 
Chạm mặt với chiến tranh!
Thấy cảnh đạn bom, thấy máu đào rơi họ giật mình khủng khiếp
Thực trạng cuộc đời họ chưa hiểu hết.
Sẽ là mối hận sau này mãi mãi nghìn thu!

Tôi bần thần nhìn những cô gái ngây thơ,
Con gái tuổi mộng mơ độ trăng tròn lẻ,
Con gái nhà quê buổi đầu xa me.
Sẽ sống thế nào trong năm tháng chiến tranh?

Lòng riêng tôi như biển cả đau ngầm!
Khi nghĩ đến những vùng rừng đầy sọ người và xương cốt.
Những vùng rừng người ta không mong sống sót,
Để trở về nhìn sông nước quê nhà.

Họ sẽ đến những vùng rừng tử địa ấy thôi.

Con gái ngây thơ lỡ phải choàng áo lính,
Họ sẽ tận mắt nhìn chiến trận,
Như nhìn những cái chết hôm nay!

Hết lớp này lại lớp khác lên thay.
Chuyện máu thành sông,
Chuyện xương thành núi.
Không phải chuỵện hoang đường văn chương diệu vợi.
Mà chuyện cuộc đời, chuyện thật hôm nay!

Ôi con gái rộn ràng
Lứa tuổi đắm say.
Sẽ sống ra sao?  
               Người nào sống sót!
Riêng tôi
Tôi mong cho họ trở về được hết.
Để gặp lại mẹ hiền
Gặp lại quê hương.

Chứ sự thật thì 
Sự thật…
Đừng nghĩ chuyện sông máu,
                                      núi xương!

                    20 – 11 – 1973


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét