Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Văn hóa Nhà nước nợ đọng, nợ xấu một Hội Nhà văn

Văn hóa Nhà nước nợ đọng, nợ xấu một Hội Nhà văn             



Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức

VĂN HÓA NƯỚC NHÀ NỢ ĐỌNG – NỢ XẤU MỘT HỘI NHÀ VĂN ?

Nguyễn Hoàng Đức
 
 
Thế là Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đã xét duyệt rồi trao giải thưởng văn học năm 2012, có cả báo cáo đọc trước toàn thể nữa. Việc của Hội, hội cứ ra quân và làm triệt để tốc chiến tốc thắng. Hội có quyền có chức có con dấu do nhà nước cấp, nên Hội đã làm là phải được, và làm lấy được mới thôi. Dân ngoài Hội chỉ là đám dân đen làm sao ngăn cản bánh xe của quốc doanh mậu dịch?
 
Việc của hội, hội cứ làm. Việc của người dân thấp cổ bé họng chẳng lẽ lại không dám xem xét bình luận. Tôi có quan hệ khá tốt với một số thành viên trong Hội, nên tôi không có ý định ám thị bôi xấu gì. Vả lại, chữ nghĩa là bút sa gà chết, tôi viết ra rồi công bố lên mạng thì tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước bạn viết, bạn đọc và công luận. Là người có lương tri công dân bình thường thấy sao phải nói vậy, là người cầm bút thì phải biết làm chứng cho thời đại của mình. Vậy tôi xin chỉ đặt ra những câu hỏi cho Ban chấp hành HNV.
 
1- Uy tín quá thấp của Hội Nhà văn?
 
Trong kinh tế, xí nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì phá sản và giải tán. Hội Nhà văn làm ăn trên cánh đồng văn hóa có thua lỗ không? Việc Phạm Ngọc Cảnh Nam là người ngoài hội với tác phẩm Thế kỷ bị mất đã từ chối giải thưởng, và nhà văn Y Ban với Trò chơi hủy diệt cảm xúc, là thành viên trong ban giám khảo cũng từ chối giải thưởng. Đó có phải cả người bên trong sâu nhất và người bên ngoài xa nhất đều biểu thị sự khinh bỉ phẩm chất của ban chấp hành HNV? Liệu có thể tìm ra bằng chứng nào rõ ràng hơn thế không?
 
2- Trình độ chính trị quá thấp của Hội Nhà văn ?
 
Việc một ủy viên ban chấp hành nhanh nhẹn trả lời dư luận rằng HNV không có lợi ích nhóm. Các ông nói thế mà không biết rằng mình đang đi ngược lại sinh hoạt chính trị của quốc gia à? Năm ngoái nghĩa là trong năm diễn ra việc xét duyệt các giải thưởng này, tập thể lãnh đạo cao nhất của nhà nước đã mở đầu và còn đang tiến hành sinh hoạt chính trị, phê bình kiểm điểm mạnh mẽ tệ tham nhũng, cửa quyền , lợi ích nhóm, với việc “có một đồng chí X”, vậy mà các ông chỉ là hội nhỏ bé nằm dưới sự chỉ đạo của cấp trên lại dám nói mình không hề có lợi ích nhóm à? Như vậy là rất kém cỏi về trí khôn, tớ đòi khôn hơn chủ. Tớ đòi mặt sạch để chủ mặt nhem nhuốc sao? Các ông là nhà văn quốc doanh mà không biết chuyện tiếu lâm này sao: đến chơi nhà người ta, ông chủ tự nhiên lại đánh trung tiện, đầy tớ theo sau nhanh nhẹn bảo với mọi người là “của con đấy”. Đấy là bài học nhận cái xấu về mình để chủ sáng giá hơn. Đằng này các ông lại đòi sạch và khôn hơn chủ, ngày xưa thì xử tội gì? Có hay không việc HNV tham nhũng? Chẳng lẽ không? Nhà nước đang có cảnh mua quan bán chức, chẳng nhẽ các ông đủ cao quí để đứng ngoài cuộc? Nếu tham nhũng thì các ông tham nhũng cái gì? Quyền? Danh lợi? Giải thưởng? Có người trong hội còn nói “người ta còn tham nhũng cả gái”, có không?
 
3-Trình độ văn học quá thấp:
 
Nhà thơ Phạm Đương được trao giải với tập thơ “Giờ thứ 25”, đây là tên tập tiểu thuyết viết về Đại chiến thế giới hai của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheorghiu. Đây là một tác phẩm rất lớn, rất nổi tiếng thế giới, mà đông đảo nhà văn, nhà thơ trong ban giám khảo lại không hề biết, thử hỏi trình độ các ông ở mức nào? Đến khi có người chỉ ra, các ông vẫn tin vào sự lý giải của Phạm Đương rằng : ngẫu nhiên trùng tên. Người ta liệu có thấy một chiếc xe chở tre lá lại rơi ra một con chíp điện tử không? Giờ thứ 25 là biểu tượng cho một thế giới tận thế giống như nó đang trôi vào thảm kịch của Đại chiến thế giới hai với từng đoàn tầu chở người đi vào lò sát sinh. Vậy mà đọc một anh làm thơ tỉnh lẻ dùng một cái tên có hàm lượng cao như vậy, các ông cũng không cảm giác được, thử hỏi các ông trình độ nào? Napoleon nói : “Quá bao dung với tội lỗi là đồng lõa với tội lỗi”. Việc các ông cố tình cho giải đạo văn tên gọi này, có phải đồng lõa với việc đạo văn không? Hay các ông nghĩ rằng mình cũng thường đạo văn rồi có thêm một người cho có đồng đội?
 
4- Tham nhũng và thách thức dư luận sờ sờ:
 
Việc thành viên trong ban giám khảo cũng dự thi có phải vừa đá bóng vừa thổi còi không? Việc chưa đầy nửa khóa các ông đã gắp giải cho một nửa ủy viên ban chấp hành, như vậy có tham lam không? Có lợi dụng cửa quyền không? Có trắng trợn thách thức dư luận không? Hội Nhà văn là hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Chính trị cao nhất của nước ta là công tác vận động quần chúng, vậy mà các ông không chịu mở cửa phát hiện ra quần chúng xuất sắc lại đóng cửa gắp giải cho nhau, thì còn làm chính trị cái gì nữa?
 
5- Bất công, thiên vị ?
 
Việc các ông trao giải cho nhà thơ Thanh Thảo với những lời lẽ văn hoa bay bướm, đấy là văn tán. Các ông không tin cứ ra đề đi, tôi tán bất cứ thứ gì trên đời hay hơn và hùng biện hơn 100 lần, nhưng đó không phải là công lý và giá trị . Thanh Thảo văng cả cứt, cả “đếch” vào thơ. Rồi Phạm Đương liên tục văng “đếch” nữa, đó không phải bằng chứng về văn hóa đầu gấu sao? Đã là đầu gấu liệu có gọi là văn hóa?
 
Nhiều lãnh đạo cao cấp đã từng đánh giá về văn nghệ sĩ, trí thức Việt ( chỉ là nói miệng bên lề, nên tôi không trích cụ thể, tuy vậy hiện thực vẫn còn luôn chứng tỏ ngay trước mắt): học hành không đến đầu đến đũa, không hiểu cái gì cụ thể mạch lạc. Còn đây một bạn viết, để lại tên tuổi địa chỉ đàng hoàng đã viết: “Nhiều người đến hội họp các hội cũng vì tò mò, nhàn rỗi, thích nhìn cảnh "máu me" như một trò tiêu khiển chứ "học thuật văn chương" gì với những cái đầu đất và tay nghề loại hạng bét cả đời chẳng có lấy một tác phẩm cho ra hồn? Nói như mình đây cả đời lao động hết sức hết mình bên giá vẽ còn chả dám nói học thuật, huống chi ba cái thứ "họa mồm" lăng nhăng? Hết nói!!!!! ( Đỗ mạnh Cương, họa sỹ, Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam- Địa chỉ: Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội).
 
Doanh nghiệp kinh doanh lỗ vốn thì phá sản. Hội Nhà văn lẹt đẹt thế sao không phá sản? Xin thưa, chẳng qua là vì các ông vẫn còn được hà hơi tiếp sức bởi vốn nhà nước mà thôi. Còn trong thực tế, với giải thưởng cố đấm ăn xôi này là lá bài các ông đã phơi lộ toàn thể về vốn liếng của mình cả trình độ lẫn nhân cách. Một cô gái không biết run rẩy sẽ không thể nào đạo hạnh. Một người đàn ông không run rẩy sám hối sẽ không thể trở nên cao thượng. Một cỗ máy khám phá sao hỏa nếu không nhờ những chùm ăng ten nhậy cảm sẽ không thể nào vượt địa hình phức tạp. Nhà văn, nhà thơ muốn đào luyện mình trở nên cao cả càng cần yếu đuối và run rẩy và trắc ẩn trong tâm hơn ai hết. Nhưng các ông lại đang hùng dũng cán đích giải thưởng gắp cho nhau băng mọi giá. Đó chỉ là cách soạn trước diễn văn bế mạc theo công thức của các hội nghị mà thôi. Các ông càng hùng dũng bao nhiêu thì càng yếu ớt và đơn giản bấy nhiêu. Vì đó chỉ là sự hùng dũng của cơ bắp và những cỗ máy đơn giản. Hãy nhìn xem, cái xe cải tiến đi băng băng, đơn giản lắm, ít hỏng lắm, nhưng làm sao nó có thể mang hàng triệu ăng ten nhạy cảm như cỗ máy chinh phục vũ trụ?
 
Ôi nhà văn, nhà thơ quần chúng mậu dịch nước Nam ta, mới chỉ có chân đất, thơm mùi đống rơm, đống rạ làm sao có thể đi xuyên qua thế kỷ và thời đại để đi đến “giờ thứ 25”? Làm sao có thể “Chân dép lốp mà lên tầu vũ trụ”? Nếu có kiếm được chút vinh quang chỉ là đi nhờ mà thôi. Nhưng ngay cả cái việc đi nhờ ấy, chân dép lốp còn sang hơn chân đất, mà có được cấp phát dép mậu dịch cũng chẳng bao giờ leo được lên tầu lượn, chứ không nói tầu vũ trụ. Việc các ông trao giải cho nhau chỉ là cách đóng dấu cho chân đất mà thôi. Chân đất ngồi lỳ xó bếp dù có được đóng dấu cũng còn xa mới tới được đôi chân của kẻ hành hương mang tín ngưỡng của miền đất hứa trong đầu, và cũng còn thua xa một đôi chân biết nhảy trong vũ điệu. Chân hành hương hay chân biết nhảy ở các nước có khi là toàn thể dân số, còn ở ta vẫn còn mang chân đất ra làm duyên một cách hiếm hoi như vàng, rồi còn ẵm giải quốc gia của đồng đội cánh hẩu nữa, quả là bất sánh về mỹ học quê mùa!
 
Có mấy lời chia sẻ với làng văn và bạn đọc. Xin cám ơn!
 
NHĐ 30/1/2012
 
Tác giả gửi cho NTT blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét