Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Trao đổi vé cuốn sách " Nhữngvị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc"

Trao đổi - Cuốn sách "Về những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc

Thứ sáu - 19/12/2014 09:44
TRAO ĐỔI



 
 
Về cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc, công bố với báo giới ngày 5-12-2014 của các tác giả: Ts. Nguyễn Hoàng Điệp, Đại tá, Bs. Đức Thông và Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải. Sách do Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ (CTCS) (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam) phối hợp với Nhà sách Tân Việt và Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản.
Sau cuộc họp báo công bố cuốn sách này, trên tờ báo mạng của báo “Nông Nghiệp” xuất hiện bài viết “Tôn vinh hay nhạo báng danh nhân” (8-12-2014). Bài viêt này đã nêu một số thiếu sót của cuốn sách và đã vội vàng phê phán, kết tội các tác giả cuốn sách theo tội chưa thỏa đáng!. Rất tiếc, đây là vấn đề nhạy cảm, ngay sau đó chưa đầy 10 ngày, khoảng hai chục tờ báo đã viết những điều tương tự chỉ thay đổi tít như: “Bôi tro trát trấu vào tiền nhân”, “Đem các danh nhân danh tướng ra làm kinh doanh, gây dựng thương hiệu”, “Cẩu thả những học giả lớn”, “Hậu trường và chiêu bài mua danh”, “Có hay không việc tùy tiện  “vẽ rắn thêm chân” làm sai lệch lịch sử danh tướng?” v.v và v.v… Nhiều bài nghe rất kinh khủng!?.
Một cuốn sách xuất hiện, ngoài thủ tục pháp lý về xuất bản, người ta quan tâm hai điều: nội dung và hình thức. Tôi đã đọc cuốn sách trên về nội dung các tác giả tuy không phải các nhà sử học nhưng đã thành tâm tập hợp nghiên cứu, căn cứ vào các tài liệu về khoa học lịch sử để biên soạn. Về căn bản không có chuyện “nhạo báng”, “Bôi tro trát trấu”, “Vẽ rắn thêm chân”,… như một số tác giả các bài báo đã dựa vào các hình minh họa suy diễn kết luận vội vàng.
Về hình thức (tức phần bìa sách và hình minh họa các danh tướng). Trước hết, đây là phần rất khó thống nhất ý kiến nên phải bình tĩnh xem xét. Có nhiều phương án:
Phương án chân thực dễ được mọi người đồng lòng chấp thuận nhất, là minh họa tất cả bằng ảnh. Nhưng minh họa tất cả các danh tướng và sự kiện bằng ảnh không khả thi vì phần nhiều các nhân vật và sự kiện lịch sử lại xuất hiện trước khi máy ảnh ra đời. Ảnh dương bản đầu tiên mới được in vào năm 1839 do nhà vật lý người Anh  William Henry Fox Talbot (1800-1877) (xem Petit Robert II). Trong khi ở Việt Nam, ảnh còn phải đợi lâu hơn nhiều nhờ các cụ Đặng Huy Trứ và Khánh Ký.
Phương án tiếp theo là dựa vào tranh chân dung của trường phái hiện thực Cổ điển. Điều này chỉ dễ dàng ở một số nước như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa… Vì từ thời Cổ đại cách đây hơn 2000 năm đã thịnh hành làm tranh tượng giống hệt người thực. Ở Việt Nam, ta lại không có truyền thống ấy. Vậy nên, dựa vào chức tước mà con cháu đời sau chỉ có thể hình dung, tưởng tượng thể hiện các tiền nhân một cách đại thể  và tương đối. Chẳng thế mà trên một tờ báo lớn cách đây khoảng 25 năm đã in nhầm Nguyễn Trãi thành Phan Thanh Giản vì rất giống nhau về câu đai mũ mão, râu tóc thậm chí cả dáng ngồi.
Một phương án khác: Những nhân vật Cận và Hiện đại có ảnh dùng ảnh. Những nhân vật không có ảnh, chân dung sẽ được một họa sỹ giỏi về lĩnh vực này căn cứ vào sử liệu để khắc họa.
Phương án tôi nghĩ là tốt nhất nên chăng thay các ký họa chân dung nói trên bằng các ảnh về tranh tượng chân dung của các nhân vật trong Bảo tang Lịch sử và Mỹ thuật hiện có đã được tranh luận và thừa nhận của công chúng rộng rãi. Đây cũng là cách làm của rất nhiều sách tham khảo uy tín trên Thế giới như: Encyclopedie, Larousse, Petit Robert II, v.v…
Một số vấn đề minh họa trong cuốn sách chưa được thống nhất phong cách và gần gũi, dân tộc. Nhưng không đáng để hàng chục tờ báo rầm rộ đánh hội đồng với những lời lẽ gay gắt nặng nề như vậy.
Tôi đồng tình với ý kiến phản hồi các nhà báo của Tiến sỹ Nguyễn Đức Trạch. Ông đã phân tích có tình, có lý về những vấn đề các nhà báo đặt ra và cung cấp nhiều thông tin làm sáng tỏ một số nội dung đã được trình bày trong cuốn sách này.
Phải khẳng định đây là cuốn sách có sự công phu và nội dung không có gì sai phạm. Phần văn bản được các tác giả thể hiện với tinh thần trách nhiệm. Phần hình thức minh họa, mong rằng các tác giả lắng nghe rút kinh nghiệm, thể hiện tốt hơn, thống nhất hơn để cuốn sách này sớm được phát hành đến tay các bạn đọc trong và ngoài nước.
                                                                      Hà Nội, ngày 16-12-2014
 
 
                                                                   Họa sỹ TRƯƠNG THẢO
   Xưởng vẽ tại nhà 31, 9/14 Lương Định Của,
                                                                   Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
                                                           Di động: 0914 006 993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét