Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Thư của Nhà thơ Triệu Lam Châu gửi Đỗ Hoàng

Thư nhà thơ Triệu Lam Châu gửi Đỗ Hoàng
Tuy Hoà, đêm 21 tháng 1 năm 2012
Thân mến gửi: Nhà thơ Đỗ Hoàng
  Hơn một năm trước tôi có đọc bài dịch thơ Việt ra thơ Việt của anh đăng trên Tạp chí Nhà văn, thời anh Nguyễn Trác làm tổng biên tập. Tôi rất tâm đắc với việc làm của anh. Anh là một người anh hùng trên mặt trận giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mình như Bác Hồ đã dạy năm nào.
   Hiện nay chắc nhiều người bất bình với kiểu thơ Vô lối (như anh đã đặt tên thật đúng), nhưng chắc người ta ngại mình bị chụp mũ là cổ hủ lạc hậu, không chịu hội nhập thế giới, không chịu cách tân… nên họ im lặng. Riêng anh thì không ngại điều ấy và đã dịch lại những bài thơ vô lối, thành thơ lục bát trong sáng, chinh phục lòng người. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.
   Anh là một người có trình độ thi ca, có tâm với sự phát triển trong sáng của nền thơ ca nước nhà.
   Anh dịch lại thơ Đỗ Doãn Phương và Mai Văn Phấn vừa qua, đồng thời có thêm lời nhận xét rất xác đáng. Xin chúc mừng anh. Cầu chúc cho anh tiếp tục tấn công có hiệu quả vào loại thơ Vô lối đang làm hỏng, làm bẩn thỉu ngôn ngữ thơ trong sáng và thần diệu của cha ông chúng ta từ ngàn xưa.
   Nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp. Nền thơ đang xuống cấp cũng bởi tại loại thơ vô lối này. Chính vì thế quần chúng yêu thơ đang quay lưng lại với thơ (chủ yếu là đối với thơ vô lối). Còn loại thơ giản dị, trong sáng và cảm động, như bài Bước đường cùng đó sao của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, đăng trên lethieunhon.com mới đây, nói về anh nông dân Đoàn Văn Vươn bị cướp đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng – thì quần chúng yêu thơ rất trân trọng và tán thưởng. Bởi nhà thơ đã phản ánh đúng những vấn đề bức xúc và nóng bỏng của tâm hồn người dân hiện nay, bằng một hình thức thơ trong sáng, giản dị và cảm động.
  Tôi nghĩ: Lời dạy của cụ Hồ Chí Minh đối với văn nghệ sĩ, không bao giờ cũ: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào?
   Loại thơ vô lối, chỉ viết cho cá nhân tác giả (đâu có viết cho nhân dân). Họ làm thơ không phải để hiểu. Do đó người đọc không hiểu họ nói gì. Người đọc quay lưng lại với thơ vô lối. Còn họ viết như thế nào, thì chúng ta rõ rồi…viết tắc tị như đánh đố người đọc vậy.
  Dẫu một số người cổ vũ cho loại thơ vô lối ấy, nhưng rồi quần chúng yêu thơ chân chính đã thải loại nó vào đống rác lâu rồi. Rất may là thơ vô lối chưa bén mảng vào sách giáo khoa… may lắm thay!
 Xin chúc nhà thơ sức khoẻ, bình an và bền chí đấu tranh thắng lợi với thơ vô lối.
Bạn thơ Triệu lam Châu
Thư điện tử:  trieulamchau@gmail.com
Điện thoại: 0983 825502
Ghi chú: Thư này đã in rồi nhưng bị mất, xin post lại. Bạn đã đọc Vô lối Nguyễn Quang Thiều, Vô lối Nguyễn Bình Phương, xin đón đọc Vô lối tắc tỵ Hoàng Vũ Thuật, Mai Văn Phấn, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Tâm Tuyền, Vi Thùy Linh...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét