Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Không nên khen chê quá đáng

KHÔNG NÊN LẶP LẠI HIỆN TƯỢNG THƠ “NOBEL HOÀNG QUANG THUẬN” TRONG VĂN XUÔI HÔM NAY
Trần Mạnh Hảo

Nhà văn Nhật Tuấn trong bài : “Xã hội trơ lì trong “ Thành phố đi vắng” in trên trang báo mạng BBC đã hết lời khen tập truyện ngắn của “ Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vừa được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2012.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2013/03/130304_thu_hue_book_review.shtml

Việc khen chê một tác phẩm âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng khen vống lên, một tấc tới giời thì không nên, đôi khi còn phản tác dụng. Chị Nguyễn Thị Thu Huệ xuất hiện cùng lứa với các tài năng nữ : Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà…có những đóng góp nhất định cho văn học đương đại. Tập truyện ngắn “ Thành Phố đi vắng” của chị có truyện hay, có truyện chưa hay, thậm chí có truyện còn dở. Tác phẩm này chưa thể thành cột mốc như của Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập…từng ít nhiều làm thay đổi văn đàn.

Chúng tôi viết bài này không nhằm tranh luận với nhà văn Nhật Tuấn về tập truyện ngắn “ Thành phố đi vắng”; chỉ cốt can các vị khi đọc nhau nếu hứng quá thì đi Ka ra ô kê hay đi cà phê võng, cà phê giường… chớ có tương nhau lên mạng rồi hô biến để biến nhau thành hiện tượng …nhất thế giới hay Nobel phải gọi bằng cụ như một số vị từng làm thì tuyệt đối không nên…

Phàm một nhà văn lớn trước hết phải có tư tưởng; tư tưởng ấy không nói toẹt ra mà lặn trong hình ảnh, hình tượng nhân vật, trong chất văn của tác phẩm. Tác phẩm lớn là tác phẩm viết như thế nào chứ không phải viết về cái gì ? Mục đích cuối cùng của văn học là truyền cảm, làm rung động người đọc bằng văn tài của nhà văn. Hơn nữa tác phẩm ấy phải tạo ra phong cách riêng biệt, tạo ra hiệu ứng xã hội mà sau này nhiều nhà văn trẻ còn phải bắt chước lối văn kia.

Trong bài viết của mình, nhà văn Nhật Tuấn khen ngợi lối văn có vẻ hình sự như chuyện vụ án kinh dị của Nguyễn Thị Thu Huệ không phải là không có lý. Nhưng chỉ với lối viết kể chuyện cái ác, cái xấu…một cách tỉnh queo này chưa thể làm nên văn chương, hơn nữa là văn chương đích thực. Chúng tôi cũng công nhận nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thu Huệ là một cây bút có tài; nhưng nếu ví bà với Camus hay Kafka như anh Nhật Tuấn đã ví thì nghe ra không đặng.

Xin trích ra mấy đoạn trong bài viết đã nêu của Nhật Tuấn :
“Khác hẳn lối viết cảm xúc xót thương, day dứt, giận dữ cổ điển, giọng văn Nguyễn Thị Thu Huệ thản nhiên không phải vô cảm mà vô sắc, trung tính vốn là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt các truyện ngắn của chị.
…"Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ đầy ắp chi tiết thực, ảo, người , ma…gây liên tưởng tới truyện Allan Edgar Poe, nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng với truyện bí ẩn và rùng rợn, cha đẻ của thể lọai tiểu thuyết trinh thám."

Phải nói Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng thủ pháp ngoa khá nhuần nhuyễn tạo nên những yếu tố kinh dị hợp lý. Những chi tiết kiểu Hitchcock nhan nhản trong các trang truyện nhưng không thể nói truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thể loại kinh dị. Không phải, truyện của chị vẫn là văn xuôi, một thứ văn xuôi như quái vật nuốt hết vào người những gì nó gặp trên đường đi của nó.
Đọc “Thành phố đi vắng”, người ta cảm thấy hiệu lực mạnh mẽ của ngôn từ chuyển vận rất nhanh những chi tiết, những sự kiện bị nén lại. Truyện ngắn như một file nén dồn chặt thông tin và chỉ cảm hết được những thông báo của nó khi người đọc giải nén bằng cảm thụ của chính mình. Một thứ không gian mê cung rối rắm và phức hợp, một cảm xúc vô tính, trơ lì, phập phồng bất an như Camus, như Kafka.
Trong nền văn chương trầm lắng hiện nay, “Thành phố đi vắng” thực sự rất đáng ghi nhận như một tín hiệu đáng mừng, một thành tựu mới trong văn xuôi hiện đại.( hết trích)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2013/03/130304_thu_hue_book_review.shtml
Như thế, qua các đoạn trích trên, ta thấy tập truyện ngắn “ Thành phố đi vắng” của chị Nguyễn Thị Thu Huệ trong con mắt nhà văn Nhật Tuấn đã trở thành ngày hội của các thiên tài bậc nhất nhân loại : văn hào Allan Edgar Poe, nhà đạo diễn làm phim kinh dị số một của Mỹ Hitchock, văn hào Camus và văn hào Kafka; và như thế, tác phẩm này, qua đây ta phải hiểu là nó đã thành đỉnh cao của văn học nhân loại; vì bằng ấy số một kia đều tìm thấy trong tác phẩm này :
“gây liên tưởng tới truyện Allan Edgar Poe
Những chi tiết kiểu Hitchcock nhan nhản trong các trang truyện nhưng không thể nói truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thuộc thể loại kinh dị.
Một thứ không gian mê cung rối rắm và phức hợp, một cảm xúc vô tính, trơ lì, phập phồng bất an như Camus, như Kafka.”( hết trích)
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ tài hơn cả tỉ lần so với nhà thơ dỏm Hoàng Quang Thuận. Thế mà, ông nhà thơ thiên giáng đạo thơ đạo văn này còn được chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh giới thiệu tác phẩm đi dự giải văn chương Nobel…
Cơ chừng nhà văn Nhật Tuấn thông qua bài tụng ca lên mây “ Thành Phố đi vắng” này, chắc muốn gợi ý cho ông Hữu Thỉnh làm cú giới thiệu tập truyện ngắn trên đi dự giải Nobel chăng ? Vì một tác phẩm được ví với thiên tài A. Camus và thiên tài F. Kafka, thiên tài Allan Edgar Por thì giải Nobel với nó, chẳng qua chỉ bằng con tép.,.
Sài Gòn 9-3-2013
Trần Mạnh Hảo











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét