Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Nhát chém đầu đời

Nhát chém đầu đời

Thứ ba - 23/06/2015 03:09
Chuyện nhặt (tiếp 12)
 
Đỗ Hoàng

NHÁT CHÉM ĐẦU ĐỜI
 
  Chết dần dần, chết từ từ, chết từ từ, chết từng phần, chết từng phần, chết dần dần…giống như xử tội tùng xẻo thời trung cổ bên Tàu và sập đầm lầy bên Nga
Điều đó rất đúng với thảm cảnh của tôi năm học lớp 10, niên khóa 1967- 1968, thế kỷ trước ở trường cấp 3 Lệ Thủy A – Tuyên Hóa, Quảng Bình, nhất là những ngày đợi chờ cắt giấy hộ khẩu chuyển về bản quán lao động cải tạo!.
  Năm học ấy không phải thi Đại học. Ai đỗ tốt nghiệp đều được đi học đại học mà ai cũng tốt nghiệp hêt. Nhà nước ưu tiên số một cho học sinh tuyến lửa học sơ tán trong chiến tranh chống Mỹ. Trước đó và sau này không có tiền lệ ấy! Trước đó và sau này không có cảnh học sinh lớp 10 cuối cấp ở tập thể, sinh hoạt tập thể trong một nhà lán nơi sơ tán. Ai đỗ, ai trượt tùy theo năng lực làm bài thi, và chỉ biết khi giấy báo báo về, và cũng báo theo địa chỉ nhà riêng, người nào biết người nấy.
 Năm tôi học lớp 10 thì phải sơ tán ra ngoài vùng an toàn Tuyên Hóa (cực Bắc tỉnh Quảng Bình giáp tỉnh Hà Tĩnh). Vì nhà đói quá, tôi phải nghỉ học một năm, học lại năm sau mới phải sơ tán cùng trường. Tôi học thuộc loại khá giỏi, được phê trong học bạ là có năng khiếu môn toán. Toán tôi tổng kết được điểm 5 ( hồi ấy đang thang điểm 5)
  Học kỳ một thì chưa chộn rộn (1) gì, ai cũng chăm chú học. Nhưng đến học kỳ hai khi làm hồ sơ đi học và các thầy chủ nhiệm về quê thẩm tra lý lịch để đi Đại học, lán lớp tôi đêm đêm đều thỏa luận chuyện đi học Đại học nở như ngô rang và sự phân hóa thành phần giai cấp rất căng thẳng. Những ai con gia đình địa chủ nợ máu, gia đình đi lính Pháp, gia đình cường hào gian ác, gia đình liệt sỹ, gia đình có công Cách \mạng… thầy thẩm tra lý lịch học sinh trong lớp biết rõ như ban ngày
  Thầy Ngô Mạnh Quát một cán bộ chính trị trong quân đội về làm chủ nhiệm lớp 10 của tôi hắc hơn bọ xít nhưng rất mẫn cán về lại vùng tuyến lửa lửa Lệ Thủy thẩm tra lý lịch học sinh từng địa phương một để xét đi Đại học.
  Khi thầy ra lại trường thì số phận ai nấy đều đã định đoạt. Hình như thầy nói hết cho chúng nó biết nên đứa nào đứa nấy vui như tết. Cả lớp 10 A cấp 3 Lệ Thủy – Tuyên Hóa đều được địa phương và nhà trường cho đi Đại học trong nước và nước ngoài. Chỉ riêng một mình tôi duy nhất phải về địa phương lao động cải tạo, không được đi học trường học nào dù là trường sơ cấp...(2)
  Từ một tập thể lớp vui vẻ hòa đồng, tôi bị tách ra, bị cô lập như một con chó ghẻ. Đến nỗi lần đón tết Nguyên đán năm ấy, học sinh đến nhà ông Hiệu trưởng nghe đài giải phóng miền Nam năm Mậu Thân, khi ra về, ai ông cũng bắt tay thắm thiết chúc lên đường học đại học nước ngoài, học đại học trong nước an mạnh. Đến lượt tôi, ông đã không bắt tay, không nói một câu nào mà còn nhìn tôi như nhìn một thằng tử tù trọng tội. Cái nhìn sắc như dao găm của một người từng làm lính bị cụt tay trong đánh giặc!
      - Tao đi Đại học Thương mại về sẽ phần đài (radio – báu vật lúc đó) cho chúng mày!
-          Tao đi Đại học Ngoại giao sẽ cho chúng mày đi thăm Liên Xô!
-          Tao đi học Tuyên huấn về sẽ cho chúng mày làm quan
-          Tao , tao….
Mà các bạn học sinh ấy được đi học thật. Lớp tôi có mấy đứa được đi học nước ngoài, học Liên Xô, Bun ga ri, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cu ba…Còn lại đi Đại học trong nước.
   Võ Thị Minh Diệt, Phạm Thị Liên, Nguyễn Như Khai (chồng Liên), Đào Tiu (chồng Diệt) Nguyễn Thị Hoa, Ngô Minh Khôi (nhà nthơ Ngô Mi.nh -  Ngô Minh Khôi gia đinh Hải chủ - Đánh cá giàu – Địa chủ, bố bị bắn chết trong Cải cách ruộng đất nhưng địa phương vẫn chứng nhận cho đi học), Nguyễn Văn Bạo đều được học Đại học Thương nhiệp – tên cũ Đại học Thương Mại). Võ Thị Minh Diệt, Phạm Thị Liên, Nguyễn Thị Hoa (Hoa không học được Đại học, phải chuyển về học Trung cấp Thương nghiệp) - học khoa Ăn uống cùng với Nguyễn Thị Doan (Bà Doan, Phó Chủ tịch nước hiện tại); Ngô Minh Khôi, Nguyễn Văn Bạo, Nguyễn Như Khai học khoa Thương phẩm với Nguyễn Bách Khoa (sau này là Hiệu trưởng trường Đại học Thương Mại). Tiền nhiệm là Nguyễn Thị Doan, kế nhiệm là Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo bây giờ
 Xã Ngư Hóa nơi trường sơ tán là một xã vùng núi quanh năm chỉ có mây mù và sương muối. Một nơi cô tịch buồn tẻ không một ai qua lại nếu không có học sinh sơ tán. Khi học sinh mới đến học không có tiêng máy bay, nhưng học được vài tháng thì  máy bay Mỹ đến bắn phá.  Cảnh tượng nhà cháy, người chết không khác gì ở quê. Một cô giáo cấp 2 bị  bom vết thương sọ não phải nằm một chỗ suốt đời.
  Cái nhà lán lớp tôi, nửa nhà nửa hầm do chúng tôi tự làm lấy ngày một vắng hoe. Từ tháng 7 là đã có giấy báo đi học gửi về. Số học sinh học nước ngoài ra đi trước. Học sinh học trong nước đi sau.  Cách một vài ngày là có vài giấy báo đi học gửi về. Cứ có giấy báo là một vài đứa lên đường. Những học sinh có giấy báo đi học làm cho lán vắng dần. Nhìn bạn bè khoác ba lô lên đường, tôi có cảm giác như mình mất đi môt phần máu trong người, lòng tôi đau như cắt.  Không phải mình ghét ghen bạn bè mà xót thương cho số phận hẩm hiu của mình quá!
   Tôi có cảm giác như mình bị tùng xẻo (cắt từng miếng thịt) tinh thần, cái chết đến từ từ như người bị ngập trong đầm lầy. Một cảm giác vô cùng ghê rợn. Tôi thấy trời đất quay cuồng, khi cầm tờ giấy cắt hộ khẩu trả mình về bản quán, còn bạn bè được cắt chuyển hộ khẩu đi học nước ngoài. Tôi viết bài thơ:

MẢNH GIẤY ĐỊNH MỆNH

Cũng là mảnh giấy này đây
Mà đời lắm nỗi đắng cay thế mà.
Một bên đời giữa ngàn hoa
Một đêm tăm tối chỉ là đêm đen!
Cầm tờ giấy buốt con tim
Bạn nhìn tôi cũng lặng nhìn xót xa
Nói gì số phận đời ta
Cũng chung đau khổ, cũng là số đen
Đời sau mong có làm nên
Đời này đến thế là điên cả đời.
Máu dồn đau buốt tim tôi
Cả lòng tim bạn, tim người khổ đau!

Ngư Hóa hè 1968

  Nhóm đi học cuối cùng là nhóm có lý lích bất hảo như gia đình địa chủ, gia đình địa chủ  bị bắn trong Cải cách ruộng đất, gia đình ngụy quân, ngụy quyền, gia đình dính líu đến chính quyền cũ, gia đình chỉ điểm, gia đình có bố mẹ làm trùm, cai, hương vệ ngày trước, gia đình có người đi Nam (miền Nam), số này đi học sư phạm cấp tốc hai tháng để ra dạy cấp hai, thường gọi là lớp sư phạm Mười Rô Hai. Lớp này có Trần Văn Hải (nhà thơ Hải Kỳ). Hải có bố đi linh thợ Pháp, hiện đang ở miền Nam. Tôi không biết gia đình mình nằm vào loại nào mà không được đi học phải về lao động cải tạo ở bản quán!
  Còn một mình tôi trong lán. Tôi như Robinson trên hoang đảo, buồn đau vô cùng vô tận, và tôi viết tiếp bài thơ:

LẺ LOI

Chim vui tung cánh hết rồi
Còn con chim nhỏ giữa trời lẻ loi
Xa xa từng lớp mấy trôi
Bụi buồn theo gió mưa rơi dặm dài
Buồn đau đớn đó lòng ai?
Buồn ngày hôm ấy, ngày mai vẫn buồn.
Chim ơi, mơ những tầng không
Nhưng đời sống đứng trong lồng nơi đây.
Lòng vui khao khát trời mây
Cánh tung như cánh chim bầy đã đi.
Nhưng mà mơ ước những gì
Buồn trong cô quanh, nói chi nỗi đời
Chim vui tung cánh hết rồi
Còn con chim nhỏ giữa trời lẻ loi!

Ngư Hóa hè 1968

  Tôi được mời ra khỏi lán để nhường chỗ cho học sinh lớp 9 lên học lớp mười niên khóa 1968 – 1969. Tôi phải ra chòi dân ngủ lại một đêm để về quê. Đêm bất hạnh nhất, vết chém đầu đời ấy lại là một đêm trăng vô cũng đẹp. Lòng tôi đau đớn tột đỉnh cồn lên đập ầm ào như con sóng Thác Nậy. Và cũng lần đầu tiên trong đời tôi thức trắng đêm. Tôi viết bài thơ:

NGÀY VỀ

Ngày về chắc sẽ là quên hết
Toán lý đời ta những ước mong
Mười năm đèn sách nay trơ trụi
Cô quạnh quanh mình con số không!

Sách vở gói quanh tờ giấy cũ
Còn mơ chi, ước mộng chi hoài
Tất cả đã trôi về dĩ vãng
Buồn đau thất vọng đến ngày mai!

Ta nghĩ đời ta chỉ thế thôi
Không nói làm chi cũng biết rồi
Ngày mai đừng nghĩ ngày mai nữa
Một bóng mây đen choán ngang trời!

Ngư Hóa hè 1968

 Tờ mờ sáng, một mình tôi một bóng, lẻ loi giữa điệp trùng núi non rợn người, khoác ba lô nhằm núi Mồng Gà về xuôi!

Hà Nội 22-6-2015
Đ - H


 (1) Ồn ào, lộn xộn
(2) Mãi đến khi tham gia Hội văn nghệ Quảng Bình, hơn 10 năm sau tôi mới biết lớp 10 B (trường cấp 3 Lệ Thủy A có hai lớp 10. Lớp tôi lớp 10 A) còn có Lâm Thị Mỹ Dạ cũng không được đi Đại học, cũng bị trả về bản quán lao động vì bố Dạ người Hoa lại di cư vào Nam. Nhưng Dạ may mắn là có tài thơ, bài thơ Nón chị được giải báo Phụ nữ Việt Nam, Dạ được Hội văn nghệ Quảng Bình nhận về làm cán bộ biên tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét